Mã số N3037: Chuyên mục Gương mặt sáng tạo trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online
Ra đời từ tháng 1/2019, chuỗi bài trên Chuyên mục Gương mặt sáng tạo của báo điện tử TBKTSG Online phản ánh đa dạng các hoạt động đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp TP.HCM, trong đó có các start up.
Một số bài hay:
1.Hành trình tìm diện mạo mới cho hồ tiêu Việt
Mặc dù đứng đầu về doanh số xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam trong nhiều năm, CEO công ty Phúc Sinh – anh Phan Minh Thông – đến tận 2019 vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để… khởi nghiệp.
Phan Minh Thông tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội. Sau hai năm kinh qua nhiệm vụ phát triển mảng xuất nhập khẩu hàng nông sản cho một công ty lớn của Nhà nước, anh bắt đầu khởi nghiệp với 60 triệu đồng tiết kiệm. Với khả năng thuyết phục khách hàng quốc tế của mình, anh Thông đã khiến họ chấp nhận trả trước cho công ty, qua đó giảm áp lực nguồn vốn và triển khai những đơn hàng đầu tiên.
Mười tám năm lăn lộn trên thương trường, anh Thông nói điều cơ bản nhất của khởi nghiệp với đại đa số vẫn là vấn đề vốn liếng, còn với anh đó là sự tự tin và thậm chí là sự liều lĩnh, là khả năng thuyết phục và trước hết là chính mình. Anh Thông từng tự mình xông vào gặp người đại diện Ngân hàng Nhà nước để được hỗ trợ vay vốn kinh doanh nông sản, từng năm lần bảy lượt đi thuyết phục Vietcombank để được ngân hàng này cho phép triển khai nghiệp vụ chuyển khẩu. Theo anh, sự minh bạch là điều kiện quý giá đầu tiên và cần có để một công ty khởi nghiệp có thể xây dựng uy tín với bạn hàng và các ngân hàng.
Nhờ đòn bẩy uy tín mà sau mấy năm đầu thành lập, Phan Minh Thông có vốn liếng đầu tư nhà máy gia vị đầu tiên. Đến nay, hệ thống Phúc Sinh có sáu nhà máy ở tại Bình Dương, Đắk Lắk và Sơn La, chuyên sản xuất nông sản gồm tiêu và cà phê cùng các sản phẩm gạo, quế, điều, ớt… và nhiều loại gia vị khác.
Link: https://www.thesaigontimes.vn/lf/300357/hanh-trinh-tim-dien-mao-moi-cho-ho-tieu-viet.html
Ngày xuất bản: 20/2/2020
2. Người xây tổ ấm cho doanh nghiệp nhỏ
Chỉ sau 5 năm thành lập, Win Home đã phát triển được 45 tòa nhà ở TPHCM, thu hút hơn 1.000 doanh nghiệp chọn làm nơi chốn để mở văn phòng. Câu chuyện phát triển nhanh của Win Home là sự sáng tạo không ngừng nghỉ nhằm mang lại giá trị tăng thêm cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng các startup tiềm năng.
Khởi nghiệp vào năm 2014, với khẩu hiệu “Mái nhà chung của các doanh nghiệp”, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Win Home nhắm vào việc khởi tạo một “hệ sinh thái doanh nghiệp” nhỏ và vừa, nơi các doanh nghiệp có thể trải nghiệm môi trường làm việc chuyên nghiệp qua chuỗi hệ thống văn phòng cho thuê đạt chuẩn với mạng lưới dịch vụ toàn diện.
Lý giải cho việc lựa chọn này, đồng sáng lập và cũng là "linh hồn" của Win Home, nữ doanh nhân có tuổi đời còn khá trẻ Nguyễn Nhất Ly cho biết Win Home được thành lập đúng thời điểm Chính phủ khuyến khích hoạt động khởi nghiệp.
"Việc ra đời của Win Home là nhằm góp phần hiện thực hóa chủ trương của Chính phủ, đồng thời thể hiện tinh thần luôn đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ bởi đây là đối tượng kinh doanh chiếm đa số trong cộng đồng doanh nghiệp cả nước", chị Ly nói.
Chị Ly nhận định, ở mảng kinh doanh dịch vụ văn phòng đầy cạnh tranh này, các doanh nghiệp bất động sản lớn trong nước lẫn các công ty quản lý hàng đầu thế giới lại bỏ trống phân khúc khách hàng trên. Nhiều tòa nhà sang trọng cung cấp dịch vụ cao cấp ở các quận trung tâm với tiêu chuẩn hạng A, hạng B ra đời; hoặc thấp hơn là hạng C ở các quận xa hơn cũng không mấy chú ý đến doanh nghiệp nhỏ đang chiếm đến hơn 90% số doanh nghiệp cả nước.
“Chúng tôi tìm cách khai thác thị trường ngách nhưng đầy tiềm năng mà các ông lớn không thèm quan tâm”, nữ doanh nhân 9X nói.
Điều này cũng dễ hiểu bởi hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong nhiều năm qua, ngay từ đầu khởi sự kinh doanh luôn có thói quen tận dụng căn hộ, nhà ở của mình để mở văn phòng giao dịch nhằm giảm thiểu chi phí hoạt động. Với lối suy nghĩ tận dụng “đồ sẵn có” hoặc “của nhà” vào việc kinh doanh không những khiến doanh nghiệp “chậm lớn”, khó thoát ra khỏi mô hình kinh doanh nhỏ lẻ kiểu gia đình mà còn làm cho hình ảnh của doanh nghiệp không được hoàn hảo trong cái nhìn của các đối tác, nhất là đối với doanh nghiệp nước ngoài. Đó là chưa kể việc mở kinh doanh tại nhà, độ an toàn thấp và khó nhận được các dịch vụ thiết yếu như một doanh nghiệp đang hoạt động tại các tòa nhà văn phòng.
Link: https://www.thesaigontimes.vn/lf/300640/nguoi-xay-to-am-cho-doanh-nghiep-nho.html
Ngày xuất bản: 14/3/2020
3. CEO Trần Trọng Kiên: Đối phó Covid-19 phải bình tĩnh, bản lĩnh và nhân văn
Những ngày cuối tháng 3 này, khoảng 1/3 khách sạn của Tập đoàn Thiên Minh đã đóng cửa, một số khách sạn khác chỉ mở cửa 50% số phòng, công ty lữ hành cùng nhiều du thuyền cũng ngừng hoạt động...
Trao đổi với TBKTSG Online vào một buổi tối muộn, sau những cuộc họp dài đàm phán với đối tác lẫn buổi hội ý với nhân viên... ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh trầm ngâm: “chỉ cách đây vài tháng, khi làm kế hoạch cho năm 2020, ít ai có thể tưởng tượng ra một cuộc khủng hoảng lớn như thế này đối với ngành du lịch. Chỉ mới đầu tháng 2 đây thôi, lượng khách tại các khách sạn của tập đoàn vẫn tăng 10% nhưng nay tình hình đã rất khác”.
Ông cho biết điểm mấu chốt để doanh nghiệp vượt qua được khủng hoảng này là:
Thứ nhất là niềm tin thị trường sẽ phục hồi và có một nguồn lực nhất định cùng sự ủng hộ tốt của đối tác, nhà đầu tư.
Chẳng hạn, để tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư trong giai đoạn này tập đoàn phải đàm phán với nhà thầu, ngân hàng... nhằm có chính sách phù hợp.
Với người lãnh đạo, cần tính nhân văn, nhạy cảm và sự hiểu biết. Trong đó, tính nhân văn sẽ tạo sự khác biệt lớn nhất giữa các doanh nghiệp.
Nhân văn không chỉ có nghĩa là đuổi người hay không đuổi người khi suy giảm khách. Tôi nghĩ, đến lúc không còn tiền nữa thì việc cho nhân viên nghỉ còn tốt hơn so với cùng ôm nhau chết vì người lao động có thể tìm cơ hội khác nhưng cần có cách hành xử phải hợp lý, để nhân viên hiểu và nếu có thay đổi, cần có thời gian cho họ chuẩn bị.
Tính nhân văn thể hiện ở việc doanh nghiệp ưu tiên cho điều gì trong giai đoạn khó khăn. Như ở dịch bệnh lần này, sự sống của con người là phải là ưu tiên hàng đầu. Doanh nghiệp phải bảo vệ sức khỏe của nhân viên, khách hàng và cộng đồng rồi mới đến bảo vệ việc kinh doanh. Khi đó mới là lúc thực hiện các kế hoạch liên quan đến tài chính, thực hiện việc cần làm để đảm bảo mọi người đều có thể “sống”.
Mọi thứ phải có phương án cụ thể và từng CEO phải có cách ứng xử cụ thể.
Ngày xuất bản: 26/3/2020
4. Không ai là con số 0
Đối với một doanh nghiệp đã tuyên bố dốc toàn lực cho chuyển đổi số, “nếu không làm thì sẽ chết” như phát biểu của ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, thì con người sáng tạo đóng vai trò hạt nhân trong cuộc chuyển hướng mạnh mẽ này.
Cuộc trao đổi giữa người viết bài và ông Lê Đăng Dũng diễn ra trong một khoảng thời gian khá dài, thực hiện qua nhiều cách thức như cuộc gọi thoại, tin nhắn, thư điện tử (e-mail)... Trong cuộc nói chuyện với người "thuyền trưởng" đang lèo lái tập đoàn hơn 70.000 nhân sự trong và ngoài nước này, con người luôn là trọng tâm của mọi cuộc cải tổ và đổi mới theo hướng sáng tạo. Tinh thần này đã được truyền tải qua nhiều thế hệ lãnh đạo, và trở thành một văn hóa bền vững ở Viettel.
Người viết chợt nhớ lại lời chia sẻ của người tiền nhiệm của ông Lê Đăng Dũng là ông Nguyễn Mạnh Hùng, cũng chính là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông hiện nay, tại một buổi gặp gỡ báo giới: Ở Viettel không ai là con số không, tức là ai có năng lực nào, đến đâu thì dùng đến đó. Không phải ai cũng thông minh giống nhau, không phải ai cũng có năng lực giống nhau. Mấu chốt là có tấm lòng, có ý chí, có sự lao động hết mình để thực hiện công việc hằng ngày, cho dù đó là việc nấu ăn, bảo vệ, lái xe, bán hàng, kỹ sư, cán bộ quản lý và cả ban lãnh đạo tập đoàn.
Đáp lại lời kêu gọi của ban lãnh đạo tập đoàn, trong vòng 5 năm vừa qua, người lao động ở Viettel đã sản sinh ra khoảng 6.000 sáng kiến ý tưởng, giá trị làm lợi hơn 10.000 tỉ đồng; đồng thời đã ứng dụng thành công vào công tác điều hành, quản lý và các lĩnh vực khác, giúp tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng.
Tại Viettel, người lao động là chủ thể vận hành cỗ máy kiến tạo ý tưởng, nhưng đồng thời cũng là đối tượng được hưởng lợi từ kết quả thi đua. Với mỗi ý tưởng, đóng góp, cống hiến, ngay lập tức người lao động được hưởng mức thưởng xứng đáng. Đơn cử, từ kết quả cuộc thi tìm giải pháp xây dựng môi trường làm việc lý tưởng “Tôi xây ngôi nhà mơ ước của tôi”; đã có ba ý tưởng được lựa chọn trao giải là: “Happy time, happy day, happy dinner, happy event”, “Kho việc khó” và “Chuyển việc” được lãnh đạo Tập đoàn tặng thưởng mức 100 triệu đồng/ý tưởng.
Một nét chấm phá rất dễ nhận ra trong bức tranh sáng tạo ở Viettel chính là việc bộ máy lãnh đạo, quản lý liên tục đưa ra những “thách thức” để người lao động suy nghĩ, trăn trở và đưa ra ý tưởng đổi mới. Đó là cách Viettel thể hiện sự trân trọng, tạo cơ hội cho người lao động phát triển, tiến bộ; đồng thời cũng là cách phát huy sức mạnh tổng thể trong nội bộ tập đoàn.
Link: https://www.thesaigontimes.vn/lf/303982/khong-ai-la-con-so-0.html
Ngày xuất bản: 30/5/2020
Thông tin
Tên tác giả | Yến Dung |
Địa chỉ | Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online |
Điện thoại | |
yendung@kinhtesaigon.vn |