Chống ngập TP.HCM: Giải pháp 'bơm siêu khủng' là phản khoa học!

Những ngày qua dư luận xã hội nóng lên về việc bơm “thông minh”, bơm “siêu khủng” công suất 96.000 m3/h, trị giá cả trăm tỷ đồng được lắp đặt ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, với khẳng định “không hết ngập không lấy tiền” và sẵn sàng cho TP thuê lại với giá 1 tỷ đồng/tháng...

PV NNVN đã phỏng vấn chuyên gia thủy lợi, KS cao cấp Phan Khánh, Hội Khoa học Thủy lợi TP.HCM xung quanh vấn đề này.

hưa ông, chiều ngày 21/9, trạm bơm “siêu khủng” trên đường Nguyễn Hữu Cảnh đã hoạt động rất hiệu quả, chỉ sau 15 phút bơm đường đã khô mặc dù trước đó ngập 30 - 40cm. Thế nhưng cũng trạm bơm này, chiều 30/9, sau 2 giờ vận hành thì đường Nguyễn Hữu cảnh vẫn như sông…?

KS Phan Khánh: Việc lắp một trạm bơm “khủng” để chống úng cho một cánh đồng rộng lớn đã là phản khoa học, lắp đặt cho đô thị lại càng phản khoa học.

Trong thủy lợi có một nguyên tắc vàng về công tác quy hoạch là với tưới thì công trình phải tập trung, nhưng với tiêu thì phải phân tán. Lịch sử thủy lợi đã vấp phải vấn đề này là xây dựng 6 trạm bơm (tưới tiêu kết hợp) ở Hà Nam Ninh và kết quả là tưới thì rất tốt nhưng tiêu thì hiệu quả không cao, nhiều nơi nước vẫn rút được nhưng lúa bị hỏng vì bị ngâm lâu nên năm 1982, Bí thư tỉnh Hà Nam Ninh lúc đó là ông Nguyễn Văn An phải thú nhận “cũng có khi phải bơm chính trị”.

Khó hơn việc tiêu úng ở làng quê, việc tiêu úng ở đô thị còn phụ thuộc vào hệ thống cống, nếu cống nhỏ quá thì nước về không kịp và đi kèm nguy cơ xói lở, sập cống nếu lưu tốc trong cống quá lớn. Đó là chưa nói tới việc chống úng cho TP.HCM ngoài phụ thuộc vào lượng nước mưa còn phụ thuộc vào mực nước triều, lũ trên hệ thống sông Sài Gòn, Đồng Nai.

Đó cũng chưa kể đến việc chọn đường Nguyễn Hữu Cảnh để thử nghiệm cũng không khoa học, đây là vùng đô thị mới, hệ thống cống còn tốt, sao không thử nghiệm ở khu vực quận 5?

Vậy chẳng lẽ TP.HCM cứ phải bì bõm mãi?

KS Phan Khánh: Hiện tại, việc chống ngập cho TP.HCM là khó nhưng không phải là không làm được. Tuy nhiên chúng ta phải khu trú lại phạm vi “chống ngập” một cách cụ thể. Chống ngập ở TP.HCM chỉ có thể khả thi với bờ hữu sông Sài Gòn, phía tả bao gồm quận 2, quận 9 và Thủ Đức quá mênh mông chưa có ý tưởng nào. Các vùng cao như Củ Chi, Hóc Môn thì không cần.

Ngập úng ở TP này bị tác động bởi 3 yếu tố: Lượng mưa, mức nước triều và lũ. Riêng về lũ thì tần suất thấp vì chúng ta hiện đã có các công trình kiểm soát lũ khá tốt trên sông Sài Gòn và Đồng Nai. Như vậy nếu chống được triều cường mới là cơ bản, muốn vậy không có cách nào khác, chúng ta phải hoàn chỉnh 11 cống ngăn triều như trong quy hoạch (từ Rạch Tra đến kênh xáng lớn).

Hiện nay chúng ta chưa đủ tiền để hoàn chỉnh hệ thống đê bao và 11 cống trên thì việc chống ngập chỉ có thể là chống ngập nước mưa khi không có triều cường. Cần phải thông tin rộng rãi như vậy để mọi người dân biết.

Như vậy việc làm trước tiên và quyết định nhất là phải khai thông dòng chảy, cống bị tắc phải thông ngay. Mấy hôm trước tôi và GS.TS Nguyễn Ân Niên phải xắn quần tới bẹn trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1, nhưng khi ra kinh Tàu Hũ thấy phơi đáy, vậy là cống tắc đâu đó mà không biết.

Việc cấp bách khác là phải đo đạc lập lại bản đồ độ cao thành phố. Bao nhiêu năm, quản lý yếu kém, đào chỗ này, lấp chỗ kia mà vẫn sử dụng bản đồ cũ để thiết kế hệ thống thoát nước là không ổn.

Khi đã có bản đồ độ cao mới trong tay các nhà chuyên môn mới nghiên cứu chia ra nhiều phân khu để thiết kế hệ thống thoát nước chống úng theo nguyên tắc phân tán tối đa có thể một cách căn cơ chứ không phải đoán mò.

Khi đã chia được phân khu, việc thoát nước nên bằng nhiều máy bơm nhỏ, có thể đặt trong nhà dân việc chống ngập sẽ cực kỳ hiệu quả mà chưa nói đến tiền trả cho dân bảo quản và vận hành chắc chắn rất rẻ.

Khi ấy hệ thống đê bao và cống ngăn triều cũng đã hoàn chỉnh, việc chống ngập lúc ấy sẽ không còn là vấn đề nóng nữa.

Lập được bản đồ độ cao này có nhiều cái lợi, ngoài việc thoát nước còn là cơ sở để xây dựng cốt nền, điều mà chính quyền còn nợ người dân không đến biết đến bao giờ. Mặt khác, nói dại, ai mà chắc chắn hồ Dầu Tiếng với 1,5 tỷ m3 không phải xả lũ khẩn cấp (thiết kế cũ lưu lượng xả 2.600 m3/s, nhưng hiện nay chỉ xả được 200 m3/s không quá 4 giờ), khi ấy chính quyền còn biết hô người dân chạy từ chỗ nào đến chỗ nào nếu không muốn bị trôi ra biển.

Xin cảm ơn ông!

16-33-41_dsc08111.jpg

Thả cá cũng nên từ từ

Ngày 30/10, Sở NN-PTNT TP.HCM và  tỉnh Tây Ninh kết hợp với Cty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa đã thả 150.000 con cá giống trị giá 1 tỷ đồng xuống hồ Dầu Tiếng để khôi phục nguồn lợi thủy sản tại đây.

Từ năm 2005, năm nào Tây Ninh cũng chi 1 tỷ đồng để thả cá giống, nhưng năm nay nhờ có sự kết hợp của TP.HCM nên lượng cá dự toán lên đến 2,5 tỷ đồng, chia làm nhiều đợt thả.

Năm nay cũng có sự khác biệt đấy là chỉ tập trung vào 3 giống cá có giá trị kinh tế cao là cá hô, cá lăng và cá cóc. Tuy nhiên việc đổ cả bao cá giống được vận chuyển từ Tiền Giang về xuống hồ mà không có biện pháp chống sốc môi trường là việc làm thiếu khoa học.

Quang Ngọc - Báo Nông nghiệp