Phát triển đột phá nhờ đổi mới sáng tạo theo tư duy thị trường quốc tế
Một phần mềm quản lý dùng trong 1 năm cho khoảng 20 người, doanh nghiệp chỉ mất chi phí tương đương vài chầu nhậu, nhưng họ không làm. Vấn đề xuất phát từ nhận thức của doanh nghiệp!
Ứng dụng công nghệ chi phí bằng vài bữa… nhậu
Đổi mới trong tư duy để doanh nghiệp hoạt động năng suất hơn với những ứng dụng của công nghệ đang chưa được quan tâm.
Theo ông Tuấn, hiện nay doanh nghiệp có thể ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất và quản lý doanh nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ vào quản lý đang được sử dụng nhiều hơn, và phù hợp với doanh nghiệp hiện nay.
“Với sự phát triển của công nghệ, kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử… sẽ giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường, tăng năng lực cạnh tranh, giảm chi phí. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này”- ông Tuấn chia sẻ.
Giám đốc công ty công nghệ PAT nhìn nhận, với một phần mềm quản lý dùng trong 1 năm cho khoảng 20 người, doanh nghiệp chỉ mất chi phí tương đương vài chầu nhậu, nhưng họ không làm. Vấn đề xuất phát từ nhận thức của doanh nghiệp.
“Nhiều năm làm công việc tư vấn cho doanh nghiệp, tôi nhận các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đang thiếu tầm nhìn dài hạn. Họ chỉ quan tâm đến việc thu lợi nhuận, trả lương nhân viên để tồn tại. Còn việc ứng dụng công nghệ, chú trọng vào việc nghiên cứu và phát triển (R&D) bị bỏ ngỏ” - ông Tuấn phân tích.
Nhiều doanh nghiệp coi chi phí cho hoạt động R&D là một rào cản lớn. Việc phải đối mặt với chuyện “cơm áo gạo tiền” hằng ngày khiến họ không còn thời gian để đầu tư tài chính vào hoạt động R&D.
Tuy nhiên, ông Tuấn lập luận, trừ khi phát triển ra một công nghệ tiến tiến, chưa ai làm mới tốn chi phí nhiều, trong khi đó, việc phát triển giải pháp hiện hữu nhưng cần thiết lại không tốn quá nhiều chi phí.
“Một doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng đặt hàng doanh nghiệp Việt sản xuất phần nắp cho một sản phẩm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt chưa ai làm được. Tại sao chúng ta không bắt đầu hoạt động R&D từ vấn đề đó, chi phí tôi nghĩ sẽ không cao” - ông Tuấn cho biết.
Đổi mới sáng tạo cần tư duy thị trường quốc tế
Bà Nguyễn Kim Hạnh, Giám đốc công ty quốc tế Kim&Kim cho rằng, doanh nghiệp SME thường chỉ nghĩ đến chuyện cơm áo gạo tiền thì 10 năm sau doanh nghiệp cũng chỉ dừng ở mức "tồn tại". Như vậy, không thể nào phát triển đột phá được.
"Công ty Ông Kim chuyên sản xuất các sản phẩm kim chi, đậu hũ có thời điểm tăng trưởng đến 50%/1 năm cũng phải dừng lại. Vì tôi hiểu rằng, nếu không có nền tảng công nghệ để quản lý và điều hành sản phẩm thì không thể tiến xa được", bà Hạnh bày tỏ.
Từ đó, bà đã đi theo một hướng phát triển khác là phát triển những sản phẩm cà phê ở thị trường quốc tế. Bà nhận thấy, nhu cầu sử dụng cà phê ở các nước là rất lớn.
“Đầu tư vào những cái dễ làm, dễ kiếm tiền, đầu tư ít… tôi nghĩ rằng nhiều doanh nghiệp lớn đã làm rồi. Doanh nghiệp nhỏ không thể nào cạnh tranh được. Vì thế hoạt động đổi mới sáng tạo phải đi từ những cái mà thị trường quốc tế đang cần” - chị Hạnh cho hay.
Dự án khởi nghiệp Yellow Chair Speciality Coffee ra đời theo hướng sản xuất cà phê theo mô hình organic. Nhân lực làm việc trong công đoạn sản xuất chế biến, rang, pha cà phê đều phải có bằng cấp quốc tế.
Các sản phẩm cà phê ra đời, doanh nghiệp sẽ dạy cho khách hàng sử dụng cà phê như thế nào để tốt cho sức khỏe, cách thưởng thức cà phê mang lại sự thú vị…
“Sáng tạo ra những sản phẩm đi vào thị trường cao cấp, xây dựng lòng tin trong lòng khách hàng, tạo dựng thương hiệu thì khi sản xuất các sản phẩm phổ thông, khách hàng sẽ dễ tiếp nhận hơn làm theo cách ngược lại”- chị Hạnh nói.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Phi Vân, chuyên gia nhượng quyền thương hiệu, cho rằng tầm nhìn về thị trường quốc tế là vấn đề mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần phải hướng tới để có được sự phát triển bền vững.
Theo bà Vân, các doanh nghiệp SME của Malaysia cũng có nhiều điểm tương tự doanh nghiệp Việt Nam. Họ cũng xuất phát từ các doanh nghiệp gia đình, mức độ ứng dụng công nghệ trong sản xuất thấp, tư duy của chủ doanh nghiệp chưa đổi mới sáng tạo…
Chính vì thế mà chính phủ Malaysia đã đưa ra chương trình “Business Transformation”. Đây là chương trình đào tạo kiến thức, kỹ năng, tầm nhìn để phát triển doanh nghiệp. Các chủ doanh nghiệp sau quá trình đào tạo phải cam kết xuất khẩu thương hiệu, mô hình của mình ra nước ngoài.
“Vấn đề nhận thức là việc làm đầu tiên mà Malaysia muốn gieo mầm cho các chủ doanh nghiệp. Lộ trình để phát triển sản phẩm ra thị trường quốc tế phải được nghĩ đến từ khi doanh nghiệp mới thành lập. Những việc làm tiếp theo của doanh nghiệp phải xây dựng lộ trình để thực hiện tầm nhìn đó” - bà Vân cho hay.
Hà Thế An - Báo Khám phá