Ý tưởng sáng tạo có thể bắt nguồn từ... những giấc mơ

Cách mạng 4.0 với những công nghệ mới nên tập trung vào trọng tâm là con người. Sử dụng công nghệ để thúc đẩy sự sáng tạo, để con người tạo ra những công nghệ tốt hơn nữa.

Chuyên gia tâm lý và công nghệ Scott O’brien, CEO Humense tại hội thảo. Ảnh: Hà Thế An.

Chuyên gia tâm lý và công nghệ Scott O’brien, CEO Humense tại hội thảo. Ảnh: Hà Thế An.

Chuyên gia tâm lý và công nghệ Scott O’brien, CEO Humense đã chia sẻ như vậy tại phiên thảo luận “Công nghệ tương lai và kỷ nguyên cách mạng 4.0” tổ chức tại TP.HCM vào chiều 27/10.

Sự kiện này nằm trong chuỗi các hoạt động của Tuần lễ Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp TP.HCM năm 2017 (WHISE).

Ông Scott O’brien cho rằng, công nghệ thực tế ảo (VR) - một trong những công nghệ được ứng dụng nhiều trong cuộc Cách mạng 4.0 sẽ giúp con người khai phá khả năng sáng tạo của mình.

Theo một nghiên cứu về tâm lý, việc tái hiện lại giấc mơ với những câu chuyện tưởng như khó hiểu, phi lý lại là những mầm mống cho sự sáng tạo của con người.

“Chính vì thế mà một số doanh nghiệp đã tận dụng công nghệ VR để tái hiện lại giấc mơ của con người. Khi con người sử dụng kính thực tế ảo, họ có thể xem lại những câu chuyện trong giấc mơ đó và biết đâu những ý tưởng sáng tạo lại bắt đầu từ đó” - ông Scott O’brien cho biết.

Xét về yếu tố công nghệ, những xu hướng mới của con người như selfie (chụp ảnh tự sướng) đã tạo ra những sáng tạo khác thông qua xu hướng này. Đó là các doanh nghiệp bắt đầu cho ra đời những hiệu ứng selfie.

Cũng như với xu hướng thương mại điện tử. Con người có thể sáng tạo ra cách thức tương tác giữa người mua với món hàng theo hướng mới. Tức là khách hàng không chỉ xem hình ảnh, giá cả thông thường mà có thể sờ món hàng của mình thông qua ứng dụng của công nghệ.

“Cách mạng 4.0 với những công nghệ mới nên tập trung vào trọng tâm là con người. Sử dụng công nghệ để thúc đẩy sự sáng tạo, để con người tạo ra những công nghệ tốt hơn nữa” - ông Scott O’brien nhắn nhủ.

Đồng tình với quan điểm này, một chuyên gia về công nghệ của Việt Nam cho rằng, để sáng tạo ra công nghệ, cần nguồn nhân lực chất lượng cao, nắm bắt những công nghệ mới.

“Tuy nhiên hiện nay các trường ĐH tại Việt Nam vẫn đang áp dụng các kiến thức từ chương trình cũ, chậm đổi mới công nghệ. Vì thế các trường ĐH cần phải đổi mới chương trình để cập nhật phù hợp với những xu thế công nghệ của thế giới cho sinh viên tiếp cận tốt hơn”- vị chuyên gia này cho biết.

Hà Thế An - Báo Khám phá