Hội thi Sáng tạo kỹ thuật TPHCM: Quy trình báo động đỏ đoạt giải Nhất

Đề tài “Quy trình báo động đỏ nội viện, liên viện giúp hoạt động phản ứng nhanh trong cấp cứu người bệnh trong tình trạng nguy kịch có tử vong cao tại bệnh viện và liên viện” của BS. Tăng Chí Thượng vừa giành được trao giải Nhất Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật TPHCM.

TG1.jpg

Lễ trao giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật lần thứ 24 (2015 - 2016) do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TPHCM được tổ chức ngày 29/9.

Điểm mới của giải pháp vừa đoạt giải Nhất hội thi là xây dựng được quy trình cấp cứu để điều trị hiệu quả các bệnh nhân nguy kịch, kết nối được nhiều bệnh viện, huy động nhiều nguồn lực trong thời gian nhanh nhất để cấp cứu có hiệu quả. 

Theo quy trình này, khi có người bệnh nguy kịch, bác sĩ điều trị kích hoạt báo động đỏ. Chỉ sau 5 phút, toàn bộ ê-kíp có mặt tại phòng mổ thực hiện theo nhiệm vụ chuyên môn của từng thành viên.

Nếu có vấn đề phát sinh cần hỗ trợ trong quá trình cấp cứu thì thực hiện các bước của quy trình báo động đỏ liên viện. Theo đó, bệnh viện được gọi hỗ trợ sẽ điều động nhân sự để thực hiện cấp cứu liên viện sau khi xác định rõ các thông tin cần thiết về tình trạng của người bệnh. 

Sở Y tế TPHCM đã triển khai quy trình này từ năm 2016 đến các bệnh viện của thành phố. Nhờ quy trình này mà nhiều bệnh nhân đã được cứu sống kịp thời.

Được biết, hội thi năm nay có 20 giải pháp được trao thưởng, bao gồm: 1 giải Nhất, 6 giải Ba và 13 giải Khuyến khích. Các giải pháp đạt giải đều có ý nghĩa khoa học, tính mới, sáng tạo, hiệu quả kinh tế xã hội và có khả năng triển khai ứng dụng vào sản xuất, thương mại.

Hội thi năm nay không có giải nhì. Giải pháp “Tạo cá Sóc chuyển gene phát sáng huỳnh quang ở mô cơ” của TS. Nguyễn Quốc Bình và cộng sự (Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM) đoạt giải Ba.

64aGN1 (1).jpg

Giải pháp này đã tạo ra giống cá có sức phát sáng toàn thân màu lục lam, đỏ và cam. Đây là lần đầu tiên TPHCM tạo được giống cá này. Giải pháp đã được triển khai rộng trong ngành nuôi cá cảnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao bởi dễ nuôi và dễ sinh sản.

Một số giải pháp đoạt giải khác Hội thi lần này như: Xây dựng hệ thống xử lý nước thải bằng cây Sậy tại bệnh viện Nam Ái; Thiết kế và chế tạo máy vận chuyển nhôm; Phân lập và thiết lập một số chất chuẩn, ứng dụng vào công tác kiểm nghiệm dược liệu;…

Theo ông Phan Minh Tân - Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TPHCM - các giải pháp đạt giải kỳ này sẽ được Ban tổ chức xem xét, đề xuất hỗ trợ kinh phí triển khai thử nghiệm hoặc ứng dụng vào một lĩnh vực tương ứng. Từ đó, làm cơ sở để chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm.

Trong buổi lễ trao giải thưởng, Ban tổ chức cũng đã chính thức phát động Hội thi Sáng tạo kỹ thuật TPHCM lần thứ 25 (2017 – 2018) ở 6 lĩnh vực: Điện, điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông; Cơ khi và tự động hóa, giao thông; Công nghệ sinh học, nông nghiệp, thực phẩm; Công nghệ vật liệu, xây dựng, thủy lợi; Công nghệ môi trường, tiết kiệm năng lượng; Y tế, giáo dục.

Kiều Anh - Khoa học phát triển