Sở KH&CN TP. HCM tiên phong hỗ trợ người dân lắp đặt điện mặt trời
Chương trình sẽ hỗ trợ cho các đối tượng lắp đặt điện mặt trời trên địa bàn TP.HCM với giá là 2000 đồng/KWh điện tạo ra từ hệ thống điện năng lượng mặt trời
Giải quyết vướng mắc cho thị trường mua bán điện cạnh tranh
Theo TS Nguyễn Hùng, Phó Viện trưởng Viện kỹ thuật, ĐH công nghệ TP.HCM (HUTECH), các mô hình thị trường điện trên thế giới có 3 cấp độ: nguồn phát cạnh tranh, bán buôn cạnh tranh và bán lẻ cạnh tranh. Hiện trong khu vực Đông Nam Á, một số nước như Thái Lan, Singapore… đã xây dựng thị trường điện bán buôn cạnh tranh và đang hướng đến thị trường điện bán lẻ.
Tại các quốc gia này có nhiều công ty phát điện độc lập, nhiều công ty truyền tải độc lập, và nhiều công ty bán lẻ… giúp người tiêu dùng có thể chọn lựa nhà cung cấp có giá cả và chất lượng dịch vụ tốt nhất.
Thị trường này cho phép các hình thức mua bán điện qua chợ tập trung hoặc hợp đồng song phương. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến mức độ cạnh tranh và vận hành lưới điện và thị trường điện.
“Tùy vào điều kiện kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia mà họ lựa chọn cấu trúc mô hình và cơ chế vận hành thị trường điện khác nhau. Sự phát triển cạnh tranh sẽ góp phần thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng mặt trời, góp phần cho sự phát triển nguồn năng lượng Quốc gia và nền tảng cho sự phát triển kinh tế của đất nước” - TS Hùng cho hay.
Trong khi đó, tại Việt Nam, thị trường bán buôn điện cạnh tranh đã được Bộ Công thương phê duyệt thiết kế chi tiết với lộ trình triển khai gồm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn thí điểm từ năm 2016-2018 và chính thức vận hành từ năm 2019.
Tuy đạt được một số kết quả nhất định, nhưng công tác vận hành thí điểm đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết như, bộ máy nhân sự ở các tổng công ty điện lực còn yếu, sự phát triển hạ tầng CNTT còn chậm, chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển nhanh của thị trường…
Ông Diệp Thế Cường, Trưởng phòng năng lượng mới, Trung tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, cho biết vấn đề về thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam được các chuyên gia, nhà nghiên cứu đặt ra khá lâu rồi. Tuy nhiên, để tạo ra một thị trường điện cạnh tranh phải đi theo một lộ trình chứ không phải là câu chuyện ngày một ngày hai.
Vấn đề hiện nay là các nhà đầu tư có thể bỏ tiền vào hệ thống nhà máy phát điện trong đó có điện mặt trời. Tuy nhiên, vấn đề truyền tải điện lại là một rào cản vì phải phụ thuộc vào đường truyền tải của ngành điện. Nếu đầu tư vào truyền tải điện thì chi phí cũng vô cùng lớn. Mặt khác, nếu đầu tư vào điện thì phải tuân thủ các nguyên tắc về điều tiết điện và thực hiện các cam kết về công suất phát điện.
“Hiện nay, các đối tác quốc tế đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam hoàn thiện vấn đề này. Khi thị trường điện mặt trời và năng lượng tái tạo phát triển mạnh lưới điện sẽ bị quá tải. Ngành điện cần cải tạo đầu tư, nâng cấp lưới điện đáp ứng được đường truyền tải phục vụ cho người dân” - ông Cường chia sẻ.
Ưu tiên phát triển pin mặt trời trên mái nhà
TS Nguyễn Hùng cho biết, TP.HCM là đô thị có cường độ và thời gian chiếu ánh sáng mặt trời cao, tiềm năng phát triển và ứng dụng năng lượng mặt trời tương đối lớn. Điều này phù hợp với việc đầu tư lắp đặt các hệ thống pin mặt trời trên mái nhà sử dụng trong hộ gia đình, tòa nhà, trường học, công ty, doanh nghiệp, bãi đỗ xe hoặc dự án điện mặt trời nối lưới… Các hệ thống này sẽ đóng góp thêm một lượng điện khá lớn để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.
Đặc biệt, với việc ban hành Quyết định số 11/2017 của Thủ tướng Chính phủ, quy định Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị thành viên được ủy quyền có trách nhiệm mua toàn bộ điện năng sản xuất từ các dự án điện mặt trời. Thời hạn của hợp đồng mua bán điện mặt trời cũng lên tới 20 năm. Ngoài ra, một số cơ chế chính sách ưu đãi khác như thuế, đất đai… cũng là những tín hiệu tích cực nhằm khuyến khích phát triển các dự án đầu tư vào điện mặt trời.
“Tuy nhiên, nhà nước nên sớm ban hành chính xác giá mua bán điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà, cơ chế bù trừ điện năng qua lại với EVN. Hiện nay người dân đang sử dụng các thiết bị ắc quy để tích trữ điện khi không dùng đến. Việc tích trữ điện dùng ắc quy sẽ phát sinh các chi phí cao về đầu tư thiết bị, vận hành, bảo dưỡng. Số tiền này không phải là nhỏ. Vì thế, cần sớm đưa vào sử dụng công tơ hai chiều. Khi dư thừa điện năng sẽ tự động bán lên lưới theo giá tại điểm giao nhận, khi có nhu cầu lấy điện về xài thì cũng dễ dàng hơn” - TS Hùng cho biết.
Theo ông Nguyễn Lâm, Phòng quản lý năng lượng, Sở Công thương TP.HCM, với đặc thù của thành phố là đô thị lớn, quỹ đất hạn chế, việc phát triển điện mặt trời tại đây không khả thi đối với các nhà máy điện mặt trời công suất lớn. Vì vậy, TP chủ yếu xem xét tập trung theo hướng phát triển ứng dụng hệ thống pin mặt trời cho các toà nhà.
“Sở Công thương TP.HCM sẵn sàng hỗ trợ kết nối các Sở ngành liên quan khi doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng như người dân muốn làm dự án điện mặt trời” - ông Lâm nói.
Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tiếp tục "trợ giá" điện mặt trời
Nếu trước đây người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư còn e dè trong việc đầu tư điện mặt trời thì trong những năm gần đây, công suất lắp đặt nguồn điện mặt trời trên địa bàn TP. HCM đã tăng khá nhanh. Năm 2010 mới chỉ có 400 KWp, đến năm 2015 lên đến gần 1 MWp và đến tháng 7-2017, công suất lắp đặt điện mặt trời trên địa bàn ước tính đạt 3 MWp. Điều này cho thấy, người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến điện mặt trời.
Theo ông Diệp Thế Cường, trong năm 2015, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã xây dựng thí điểm cơ chế hỗ trợ đầu tư điện mặt trời trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2015-2016. Đây cũng là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện cơ chế hỗ trợ các hộ dân lắp đặt hệ thống điện mặt trời.
Chương trình này được giới thiệu cho 100 đối tượng gồm 50 tòa nhà, 30 doanh nghiệp, còn lại là các tòa nhà công của 24 quận huyện tại TP.HCM. Theo đó, chương trình đã hỗ trợ cho các đối tượng lắp đặt điện mặt trời trên địa bàn TP.HCM với giá là 2000 đồng/KWh điện tạo ra từ hệ thống điện năng lượng mặt trời.
“Trước khi phát triển chương trình này, công suất lắp đặt điện mặt trời trên địa bàn thành phố năm 2010 chỉ đạt khoảng 400 KWh. Nhưng khi áp dụng chương trình này, tổng công suất điện mặt trời đã tăng lên đáng kể. Cho đến khi chương trình kết thúc vào cuối năm 2016 thì công suất lắp đặt điện mặt trời trên địa bàn TP đã đạt xấp xỉ gần 3 MWp”- ông Cường nói.
Nói về các chính sách về điện mặt trời của TP.HCM trong thời gian tới, ông Diệp Thế Cường, cho biết, theo đánh giá mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), tiềm năng về năng lượng mặt trời trên mái nhà của TP.HCM ước tính lên đến 6GW.
"Dựa trên các đánh giá đó, cùng với các Quyết định số 11 vừa ban hành, Sở KH&CN TP.HCM sẽ xây dựng một chương trình hành động phát triển riêng cho TP trong giai đoạn 2018-2022. Các chương trình hành động này đặt mục tiêu hằng năm phải gia tăng công suất lắp đặt điện mặt trời tại TP.HCM lên 1MW.
Cùng với cơ chế chung của của Chính phủ, Sở sẽ lồng ghép các cơ chế hỗ trợ khác để khuyến khích phát triển điện mặt trời. Cụ thể, với cơ chế hỗ trợ hiện nay là 9,35 cent (khoảng hơn 2000 đồng) 1KWh điện mặt trời thì chúng tôi sẽ hỗ trợ thêm từ 2 đến 5 cent/1KWh. Ngoài ra, vấn đề nội địa hóa, nghiên cứu và phát triển hệ thống điện mặt trời... cũng sẽ được hỗ trợ" - ông Cường cho hay.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Phòng quản lý năng lượng, Sở Công thương An Giang, cho biết hiện nay, tỉnh này đang thực hiện trên dưới 10 dự án về điện mặt trời. Trong đó, có một số dự án đang trong giai đoạn đánh giá tiền khả thi để triển khai.
Dự án trọng điểm của An Giang trong thời điểm hiện tại là dự án điện mặt trời do Công ty Sao Mai - một doanh nghiệp chuyên cung cấp điện mặt trời làm chủ đầu tư. Dự án năng lượng mặt trời này dự kiến có công suất phát điện khoảng 210 MW.
“Dự án đang trong giai đoạn đánh giá tiền khả thi và sẽ có kế hoạch cụ thể trong thời gian tới. Đây là tín hiệu đáng khích lệ khi tại An Giang đã có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến điện mặt trời” - ông Hưng cho hay.
Mới đây, Tập đoàn SY Group đến từ Hàn Quốc cũng đã ký biên bản ghi nhớ đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời tại xã Long Điền, huyện Đông Hải, Bạc Liêu.
Đây được xem là dự án năng lượng mặt trời có quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay với tổng diện tích 400 ha, tổng công suất 300 MW và tổng vốn đầu tư hơn 10.240 tỷ đồng.
Dự án được chia làm hai giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 có quy mô 50 MW và giai đoạn 2 sau khi hoàn thành sẽ nâng tổng công suất nhà máy lên 300 MW. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2017 - 2019.
Hà Thế An - Báo Khám phá