TP HCM sắp trả tiền cho người bán điện mặt trời áp mái cho điện lực


Từ nay đến ngày 15-4, Điện lực Sài Gòn sẽ chốt chỉ số, tiến hành quyết toán, chi trả cho những khách hàng đã ký biên bản ghi nhớ với điện lực và có sản lượng điện thừa bán lại cho ngành điện.

Sáng 25-4, Công ty Điện lực Sài Gòn (trực thuộc Tổng công ty Điện lực TP HCM) đã ký hợp đồng mua bán điện với 49 khách hàng lắp đặt điện mặt trời áp mái trên địa bàn quận 1, quận 3 - TP HCM. 

Đại diện Tổng Công ty Điện lực TP HCM ký hợp đồng mua bán điện với khách hàng sáng 25-4

Đại diện Tổng Công ty Điện lực TP HCM ký hợp đồng mua bán điện với khách hàng sáng 25-4

Ông Phan Vân Phong Vũ, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Sài Gòn, cho biết hợp đồng sẽ là cơ sở để công ty thanh toán tiền điện cho khách hàng đã lắp đặt điện mặt trời áp mái có sản lượng điện dư bán lại cho ngành điện. Trước đây, do vướng thủ tục thanh toán, những khách hàng này chỉ được ký biên bản ghi nhớ chứ chưa được ký hợp đồng chính thức.

Dẫn hướng dẫn của Bộ Công Thương, ông Vũ cho biết tiền điện được tính bằng VNĐ và sẽ được chuyển khoản cho khách hàng theo từng năm. Đối với khách hàng là doanh nghiệp có phát hành hóa đơn, hằng tháng, công ty điện lực nhận hóa đơn và thanh toán tiền điện theo hoá đơn cho doanh nghiệp.

Với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân không phát hành hoá đơn, công ty điện lực lập bảng kê để thanh toán tiền điện (không bao gồm thuế GTGT) mỗi tháng.

Theo quy định, giá mua điện mặt trời là 9,35 cent/kWh (áp dụng cho các hợp đồng mua bán điện mặt trời vận hành thương mại trước ngày 1-7-2019), thời hạn hợp đồng có giá trị 20 năm. Tuy nhiên, do chênh lệch tỉ giá USD so với VNĐ, Tập đoàn điện lực hướng dẫn chia các thời điểm mua điện mặt trời với mức giá khác nhau.

Cụ thể, dự án điện mặt trời vận hành trước ngày 1-1-2018 có giá mua điện là 2.086 đồng/kWh; trong năm 2018 giá mua điện là 2.096 đồng/kWh; trong năm 2019 là 2.134 đồng/kWh. Kể từ năm 2020 và các năm tiếp theo giá mua điện tính theo sự chênh lệch tỉ giá từng năm cụ thể.

Về cách xác định thuế GTGT, đối với đơn vị doanh nghiệp có phát hành hóa đơn, đơn vị lắp đặt khai thuế bằng phương pháp khấu trừ 10%. Trường hợp đơn vị lắp đặt kê khai thuế trực tiếp trên thuế GTGT thì nộp 2%/doanh thu.

Riêng trường hợp hộ gia đình không phát hành hóa đơn, nếu mức doanh thu trên 100 triệu đồng/năm được áp dụng mức thuế 2%, còn doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm không phải chịu thuế.

Rất nhiều khách hàng ở TP HCM quan tâm tìm hiểu điện mặt trời áp mái

Rất nhiều khách hàng ở TP HCM quan tâm tìm hiểu điện mặt trời áp mái

Cũng tại buổi ký kết, Điện lực TP HCM đã tuyên truyền, vận động khoảng 150 khách hàng là hộ gia đình, doanh nghiệp lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái.

Trước đó, ngày 24-4, tại buổi đối thoại với Tổng Công ty Điện lưc TP HCM, khá nhiều doanh nghiệp ở các KCX-KCN TP HCM quan tâm đến hiệu quả của điện năng lượng mặt trời, đặc biệt ngay trong thời điểm nắng nóng kỷ lục, hóa đơn tiền điện tăng vọt và các chính sách cho điện mặt trời đã thông thoáng.

Ông Nguyễn Duy Quốc Việt, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP HCM, dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy TP HCM nằm trong khu vực có bức xạ mặt trời lớn. Số giờ nắng mùa khô lên tới 300 giờ/tháng, mùa mưa khoảng 150 giờ/tháng.

Cường độ bức xạ mặt trời trung bình của TP là khá cao, đạt 1.581 kWh/m2/năm, tương ứng 4,3 kWh/m2/ngày nên tiềm năng phát triển điện mặt trời hiện nay là rất thuận lợi. Trong đó, hơn 50% tiềm năng đến từ các KCX-KCN do khu vực này có nhiều nhà xưởng sở hữu mặt bằng mái rộng, thích hợp lắp đặt hệ thống điện mặt trời. 

Ông Việt cũng thông tin thêm Tổng Công ty đang triển khai các công ty điện lực thành viên ký hợp đồng mua bán điện mặt trời với khách hàng. Từ nay đến ngày 15-4 sẽ chốt chỉ số, tiến hành quyết toán, chi trả cho những khách hàng đã ký biên bản ghi nhớ với điện lực và có sản lượng điện thừa bán lại cho ngành điện.

Tính đến nay trên địa bàn TP đã có 1.432 công trình lắp đặt điện mặt trời áp mái, công suất lắp là 17,46MWp.

Thanh Nhân - Người lao động

Bài gốc

Xem thêm