Chuyên gia nước ngoài âm thầm đóng góp cho ngành công nghệ cao TP.HCM
Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) đang có 3 nhà khoa học nước ngoài làm việc và có nhiều đóng góp cho Việt Nam trong các lĩnh vực công nghệ cao.
GS.TS Susumu Sugiyama ký hợp đồng làm việc tại SHTP từ tháng 1 năm 2017. Trước khi làm việc tại Việt Nam, ông là giáo sư danh dự tại ĐH Ritsumekan (Nhật Bản). GS Sugiyama cũng từng làm việc tại trung tâm nghiên cứu và phát triển của hãng Toyota, các viện nghiên cứu vi cơ, các tổ chức nghiên cứu về công nghệ cao tại Nhật Bản.
Khi mới về làm việc, GS Sugiyama đã “để mắt” tới TS Nguyễn Văn Tâm. Nhận thấy đây là một chuyên gia có nhiều triển vọng trong lĩnh vực polymer, GS Sugiyama đã kết nối với đồng nghiệp của mình ở ĐH Ritsumekan, đưa TS Tâm sang Nhật Bản tham gia khóa đào tạo 3 tháng về lĩnh vực này.
Hiện nay TS Tâm đang làm việc tại Viện nghiên cứu công nghệ của ĐH Ritsumekan và Viện công nghệ tỉnh Hyogo, Nhật Bản.
GS Sugiyama đã cùng với các đồng nghiệp tại Phòng thí nghiệm công nghệ bán dẫn, Trung tâm nghiên cứu và triển khai, Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP Labs) nghiên cứu thành công cảm biến áp suất ứng dụng trong hệ thống quan trắc mực nước tại cống nước thải.
Trong dự án này, 50 mô đun cảm biến áp suất đã được chế tạo, tiến hành lắp đặt 15 trạm quan trắc môi trường do công ty thoát nước đô thị TP.HCM quản lý.
Cũng chính GS Sugiyama là người giới thiệu TS Maxime Projetti (quốc tịch Pháp) làm việc tại Khu công nghệ cao TP.HCM. TS Projetti nhận bằng tiến sỹ tại Khoa cơ học và vi kỹ thuật, ĐH Ecole Centrale Paris năm 2014. Ông là một chuyên gia chuyên thiết kế và phát triển các loại cảm biến áp suất ứng dụng trong môi trường khắc nghiệt.
Tháng 5 năm 2017, TS Maxime Projetti làm việc tại phòng thí nghiệm cơ khí chính xác và tự động hóa của SHTP Labs. TS Projetti đã tiến hành thiết kế cách linh kiện vi cơ điện tử (Mems) sử dụng trong hệ thống quan trắc ngập lụt tại TP.HCM.
TS Projetti hiện đang tham gia chương trình French Tech Vietnam (do Chính phủ Pháp tài trợ) nhằm khuyến khích hợp tác giữa doanh nghiệp, nghiên cứu viên và kỹ sư Việt Nam và Pháp. Có thể nói, TS Maxime Projetti chjính là cầu nối giữa SHTP Labs và mạng lưới các doanh nghiệp tại Pháp trong lĩnh vực vi cơ điện tử.
Một chuyên gia Nhật Bản khác là Th.s Kazuhiko Nakamura, hiện là cố vấn phòng thí nghiệm bán dẫn tại SHTP Labs từ tháng 1 năm 2017. Ông nhận bằng thạc sỹ kỹ thuật tại ĐH Kyushu (Nhật Bản), sau đó trở thành nghiên cứu viên tại trung tâm R&D của công ty Olympus Optical.
Làm việc tại Việt Nam, Th.s Nakamura thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm nghiên cứu của SHTP Lab tại các hội chợ, triển lãm công nghệ của Nhật Bản. Ông cũng đang hỗ trợ 2 nghiên cứu viên của Việt Nam đang học tại Viện khoa học và công nghệ tiên tiến Nhật Bản (AIST).
Ông Ngô Võ Kế Thành, Giám đốc STHP Labs cho rằng, các chuyên gia nước ngoài đã đem không khí nghiên cứu chuyên nghiệp trong hoạt động nghiên cứu tại đơn vị. Đây là cơ hội để các nhà khoa học trong nước có điều kiện trao đổi với các chuyên gia để nâng cao sự tự tin và sáng tạo công nghệ.
“Những chuyên gia nước ngoài còn giúp chúng tôi có các mối quan hệ hợp tác quốc tế bao gồm các trường ĐH, viện nghiên cứu, doanh nghiệp trong nghệ về vi cơ điện tử, vi mạch, vật liệu nano,…”- ông Thành nói.
Ông Thành cũng cho biết, các chuyên gia nước ngoài hiện nay đang gặp khó khăn trong việc xin visa (hiện tại dài nhất là 1 năm), chưa có chỗ lưu trú và phải ở khách sạn, và đi lại phải sử dụng taxi. Thuế thu nhập của các chuyên gia còn cao (20%/ tổng thu nhập).
Ông Thành kiến nghị, Sở Khoa học và Công nghệ và Sở Nội vụ TP.HCM cần rút ngắn thời gian thẩm định chuyên gia. UBND TP.HCM cần sớm có những hỗ trợ về nơi lưu trú, phương tiện di chuyển để các chuyên gia yên tâm cống hiến lâu dài cho thành phố.
Hà Thế An - Khampha.vn