Chuyên gia Phần Lan chia sẻ cách dạy đổi mới sáng tạo 'học ít, chơi nhiều'


Tại Phần Lan, các em học sinh từ 12 - 13 tuổi đã được tham gia trực tiếp như người đi làm trong môi trường giả lập thu nhỏ của một thành phố, một doanh nghiệp.

Bà Kristina Kaihari, Tham tán Giáo dục, Cơ quan Phát triển Giáo dục quốc gia Phần Lan, phát biểu tại sự kiện.

Bà Kristina Kaihari, Tham tán Giáo dục, Cơ quan Phát triển Giáo dục quốc gia Phần Lan, phát biểu tại sự kiện.

Chiều nay 18.10, tại Trung tâm Hội nghị Riverside Palace - TP.HCM, các chuyên gia giáo dục từ Phần Lan sẽ chia sẻ về những công nghệ giáo dục hiện đại tại Phần Lan, xu hướng giáo dục trong tương lai, phương pháp và kinh nghiệm trong việc phát triển giáo dục tại Phần Lan tại hội thảo “Phát triển giáo dục trong tương lai”.

Đây là một trong những sự kiện quan trọng trong chuỗi sự kiện chính của tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TP.HCM năm 2018 (WHISE 2018), diễn ra trong 2 ngày 18.10 - 19.10.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, chất lượng nhân sự là một yếu tố then chốt, quyết định sự thành công của hoạt động đổi mới sáng tạo tại mỗi doanh nghiệp, địa phương cũng như cả quốc gia.

Bà Kristina Kaihari, Tham tán Giáo dục, Cơ quan Phát triển Giáo dục quốc gia Phần Lan, cho biết chương trình giảng dạy tại Phần Lan tập trung vào vui chơi và sáng tạo để các em phát huy khả năng sáng tạo và học vui hơn. Trong đó, người giáo viên đóng vai trò tạo động lực cho học sinh. Ngoài ra, Phần Lan không đưa ra những cuộc thi áp lực mà cố gắng tạo môi trường để các em học sinh thể hiện được bản thân.

Toàn cảnh hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo.

Ngoài ra, mỗi địa phương sẽ có những đặc điểm riêng và các trường có thể tự chủ xây dựng chương trình riêng dựa trên chương trình giáo dục cốt lõi của quốc gia. Hệ thống giáo dục cũng luôn được cập nhật. Từ năm 2016, giáo dục Phần Lan áp dụng quan điểm giáo dục nhấn mạnh 4 nội dung: Phát huy vai trò tự học của học sinh; Tăng cường kết nối trong trường học và môi trường trường học với xã hội; Trường học là cộng đồng học tập; Tập trung phát triển sức khỏe tinh thần thể chất của học sinh.

Sau 9 năm giáo dục cơ bản, khi học sinh đến 15 tuổi sẽ được lựa chọn chương trình học phù hợp với mình theo hướng hàn lâm hoặc trung học dạy nghề. Bà Kristina cho biết chỉ khoảng 46% học sinh lựa chọn hướng hàn lâm. Với những học sinh lựa chọn học nghề sau 3 năm học có thể tiếp tục học lên các trường đại học ứng dụng.

Tinh thần khởi nghiệp cũng được đưa vào giáo dục từ sớm cho các em. Các em được tìm hiểu về kinh tế, về các nền văn hóa khác và được tiếp xúc với các doanh nghiệp.

Phần Lan đã triển khai các chương trình Me&My City, Me&My Globe, Me&My Business. Trong đó, các em học sinh từ 12 - 13 tuổi được tham gia trực tiếp như người đi làm trong môi trường giả lập thu nhỏ của một thành phố, một doanh nghiệp

Bên cạnh những chia sẻ của bà Kristina, tại hội thảo còn có phiên thảo luận về những khó khăn, thách thức trong tương lai của giáo dục tại Việt Nam và đề xuất các nội dung hợp tác giữa  TP.HCM với các thành phố khác của Phần Lan trong lĩnh vực giáo dục.

Phạm Sơn - Khampha.vn

Bài gốc

Xem thêm