TP.HCM: Khu vực công tiên phong trong đổi mới sáng tạo
Kết quả của Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TP.HCM (I-Star) 2018 đã cho thấy khối đơn vị nhà nước tại TP.HCM không hề chậm chân trong việc đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ đem lại lợi ích cho cộng đồng.
Vừa qua, Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TP.HCM (I-Star 2018) lần đầu tiên đã vinh danh các cá nhân, tổ chức tiêu biểu trong hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại TP.HCM.
Sau 5 tháng phát động, Ban tổ chức nhận được tổng cộng 169 bài dự thi hợp lệ. Trong đó có 52 bài dự thi là những tổ chức, cá nhân có giải pháp đổi mới sáng tạo, giải quyết những vấn đề của cộng đồng và mang lại hiệu quả thiết thực cho Thành phố.
2 giải thưởng dành cho nhóm đối tượng này đã được trao cho các giải pháp sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến đang được các đơn vị nhà nước sử dụng để giải quyết những vấn đề thực tế một cách hiệu quả.
WEBGIS - Hệ thống quản lý thông tin bệnh truyền nhiễm
Năm 2016, Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM đã phối hợp với Trung tâm Ứng dụng Hệ thống Thông tin Địa lý TP.HCM (HCMGIS) xây dựng và triển khai hệ thống phần mềm giám sát bệnh truyền nhiễm trên địa bàn thành phố. Hệ thống này đã mang đến những hiệu quả tích cực trong công tác quản lý dịch bệnh trên địa bàn thành phố.
Ông Nguyễn Đình Dũng, đại diện Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết: “Trước đây, quy trình báo cáo ca bệnh sốt xuất huyết qua rất nhiều bước. Phần lớn thực hiện thủ công hoặc qua email. Do đó, quá trình gửi và phản hồi ca bệnh mất 2-3 ngày, chưa kể có sự chênh lệch số liệu. Bản đồ dịch tễ của các địa phương rất sơ sài và khó theo dõi.”
Từ khi Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM áp dụng Hệ thống quản lý bệnh truyền nhiễm trên nền tảng GIS do Sở Y tế TP.HCM và Sở KH&CN TP.HCM phối hợp thực hiện, những hạn chế trên đã được khắc phục triệt để.
Không chỉ giảm thời gian gửi và phản hồi ca bệnh, hệ thống còn giúp Trung tâm lập bản đồ và theo dõi các ổ dịch một cách nhanh chóng và trực quan. Nhờ đó, các ổ dịch sớm được khoang vùng và xử lý dứt điểm trước khi bùng phát.
Hệ thống đã được triển khai đến 322 phường xã, kết nối 79 bệnh viện và lưu trữ hơn 43.000 ca bệnh. Đồng thời, đã có hơn 40 lớp tập huấn được về Hệ thống được tổ chức với sự tham gia của khoảng 900 cán bộ chống dịch của thành phố, quận, huyện, phường, xã.
Trong thời gian tới, Hệ thống sẽ tiếp tục phát triển thêm các lớp dữ liệu mới như điểm nguy cơ gây phát sinh sốt xuất huyết, xây dựng bản đồ phun hóa chất diệt muỗi, xây dựng ứng dụng trên thiết bị di động, mở rộng triển khai cho các loại dịch bệnh khác như tay chân miệng, Zika và hoàn thiện hệ thống giám sát nước.
Chia sẻ về giải thưởng I-Star 2018, ông Phạm Quốc Phương, giám đốc HCMGIS, nói: “Việc ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo đem lại giá trị to lớn cho cộng đồng và các cơ quan quản lý, nhất là các công nghệ có tính thiết thực cao như công nghệ GIS. Nhóm thực hiện dự án đa số các bạn trẻ. Sự ghi nhận này có ý nghĩa to lớn, khuyến khích động viên các bạn trẻ cống hiến, nâng cao khả năng của mình. Giải thưởng không chỉ có giá trị vật chất mà có ý nghĩa tinh thần, tính lan tỏa rất lớn thúc đẩy phong trào đổi mới sáng tạo của thành phố.”
Giám sát, xử lý trật tự công cộng với “Bình Thạnh trực tuyến”.
Quận Bình Thạnh là địa phương đầu tiên tại TP.HCM triển khai và ứng dụng phần mềm trên điện thoại di động để tạo điều kiện cho người dân dễ dàng phản ánh vi phạm về trật tự đô thị bao gồm: lấn chiếm lòng lề đường, vi phạm về vệ sinh môi trường, xây dựng không phép…
Với ứng dụng “Bình Thạnh trực tuyến”, người dân khi phát hiện vi phạm chỉ cần chụp ảnh, nhập địa chỉ vi phạm, chọn hành vi vi phạm và gửi tin tại ứng dụng. Hình ảnh vi phạm sẽ tự động chuyển ngay lập tức đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường có địa điểm vi phạm, lãnh đạo quận và các phòng ban liên quan.
Trong thời gian 2 giờ kể từ khi nhận tin phản ánh, Ủy ban nhân dân phường phải cử ngay lực lượng xử lý đến địa điểm vi phạm. Kết quả xử lý được cập nhật tại chỗ (bao gồm: biên bản hoặc quyết định xử phạt, hình ảnh khắc phục) và công khai kết quả xử lý trên ứng dụng để người dân theo dõi, giám sát. Nếu kết quả giải quyết chưa đạt yêu cầu thì người dân có thể tiếp tục nêu ý kiến tại nội dung phản ánh.
Qua thời gian vận hành từ tháng 4.2017 đến nay đã có hơn 10.000 lượt tải ứng dụng và gần 12.000 tin báo phản ánh. Đại diện UBND quận Bình Thạnh nhận xét, ứng dụng đã đem lại những chuyển biến tích cực về ý thức của người dân trên địa bàn quận. Tất cả các vi phạm có thể bị phát hiện và phản ánh bất kỳ lúc nào khiến cho người dân không dám vi phạm, từ đó thay đổi được ý thức và hành vi của mình. Bên cạnh đó, quá trình và kết quả xử lý phản ánh được công khai buộc các cán bộ, công chức phải nâng cao trách nhiệm, hạn chế các tiêu cực.
Ngoài ra, ứng dụng còn cho phép người dùng đăng ký hồ sơ Dịch vụ công trực tuyến, tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ, lấy số thứ tự nộp hồ sơ tại bộ phần Tiếp nhận và Hoàn trả kết quả mà không cần đến trực tiếp, xem thông tin quy hoạch và đánh giá hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước...
Hiện nay, mô hình này đã được mở rộng sang nhiều quận huyện khác của TP.HCM. Ngoài Bình Thạnh, các quận huyện như quận 8, quận 9, Nhà Bè, Tân Phú, Tân Bình cũng đã đưa các ứng dụng “trực tuyến” vào sử dụng.
Phạm Sơn - Khampha.vn