Giáo dục Phần Lan: Không đặt nặng thi cử, không xếp hạng, học sinh vui là được


Không đưa ra những cuộc thi áp lực, không đánh giá xếp hạng, chương trình giảng dạy tại Phần Lan tập trung vào vui chơi và sáng tạo để các em phát huy khả năng sáng tạo và học vui hơn.

Các chuyên gia giáo dục Phần Lan và Việt Nam tại phiên thảo luận “Phát  triển giáo dục trong tương lai” trong khuôn khổ WHISE 2018

Các chuyên gia giáo dục Phần Lan và Việt Nam tại phiên thảo luận “Phát triển giáo dục trong tương lai” trong khuôn khổ WHISE 2018

Giáo dục Phần Lan và cách làm "chơi mà học"

Làm thế nào để cải thiện chất lượng giáo dục, phát huy được khả năng của từng học sinh và chuẩn bị cho các em những kiến thức, kỹ năng cần thiết trong hoàn cảnh xã hội, công nghệ đang biến đổi nhanh chóng? Đây là một nội dung quan trọng được thảo luận tại tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TP.HCM năm 2018 (WHISE 2018).

Chia sẻ về kinh nghiệm của Phần Lan, bà Kristina Kaihari, Tham tán Giáo dục, Cơ quan Phát triển Giáo dục quốc gia Phần Lan, cho biết chương trình giảng dạy tại Phần Lan tập trung vào vui chơi và sáng tạo để các em phát huy khả năng sáng tạo và học vui hơn. Trong đó, người giáo viên đóng vai trò tạo động lực cho học sinh.

“Phần Lan không đưa ra những cuộc thi áp lực mà cố gắng tạo môi trường để các em học sinh thể hiện được bản thân. Chúng tôi không xếp hạng học sinh hay xếp hạng lớp. Chúng tôi không quan tâm tới việc kiểm tra hay đánh giá mà quan tâm tới việc làm sao học sinh đến trường học được kiến thức và kiến thức thu hút sự quan tâm của học sinh”, bà Kristina nói.

Bà Kristina Kaihari, Tham tán Giáo dục, Cơ quan Phát triển Giáo dục quốc  gia Phần Lan, giới thiệu về những kinh nghiệm giáo dục tại Phần Lan

Bà Kristina Kaihari, Tham tán Giáo dục, Cơ quan Phát triển Giáo dục quốc gia Phần Lan, giới thiệu về những kinh nghiệm giáo dục tại Phần Lan

Tinh thần khởi nghiệp cũng được đưa vào giáo dục từ sớm cho các em. Các em được tìm hiểu về kinh tế, về các nền văn hóa khác và được tiếp xúc với các doanh nghiệp. Học sinh từ 12 - 13 tuổi được tham gia trực tiếp như người đi làm trong môi trường giả lập thu nhỏ của một thành phố, một doanh nghiệp.

Đại diện của công ty FinlandWay từ Phần Lan cũng cho biết, chương trình của FinlandWay được thiết kế theo cách “học mà chơi”, kết hợp cùng lúc giữa các trò chơi, trải nghiệm của học sinh và sự tham gia tích cực của các em. Thậm chí các em học mà không nhận ra mình đang học.

Theo cách học này, chương trình không chia rõ các môn học mà với mỗi sự kiện, hiện tượng sẽ được phân tích dưới nhiều góc độ của các môn học khác nhau và tạo điều kiện khuyến khích các em tham gia, thể hiện ý kiến cá nhân của mình.

Gỡ khó cho giáo dục Việt Nam

Những kinh nghiệm, cách làm trên nhận được sự đánh giá cao bởi đây cũng là những mục tiêu mà giáo dục tại Việt Nam đang hướng tới. Cách đánh giá học sinh cũng đã có sự thay đổi. Với học sinh từ lớp 1-3, không đánh giá điểm số. Giáo viên cũng được chủ động hơn để cá biệt hoá cho từng học sinh. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn đang gặp nhiều khó khăn.

Tình trạng quá tải học sinh trong các lợp học diễn ra phổ biến tại các  trường học hiện nay, đặc biệt là tại những thành phố lớn như TP.HCM

Tình trạng quá tải học sinh trong các lợp học diễn ra phổ biến tại các trường học hiện nay, đặc biệt là tại những thành phố lớn như TP.HCM

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, nói: “Phụ huynh luôn hỏi con họ đạt được trình độ nào rồi, chính vì vậy chúng tôi phải luôn đánh giá để báo cáo với phụ huynh và xã hội. Số lượng học sinh quá đông nên quá trình đánh giá không chặt chẽ và không phát huy được năng lực các em đang có.”

Cùng với đó, chất lượng đầu ra của các trường đại học, làm thế nào để sinh viên ra trường có đủ kiến thức, kỹ năng nhanh chóng đáp ứng được yêu cầu công việc, tránh việc phải đào tạo lại cũng là vấn đề nóng đang được đặt ra.

Về vấn đề này, bà Kristina cho biết cải cách giáo dục đã được Phần Lan thực hiện từ 10 năm nay bắt đầu từ các trường cấp 2. Kiến thức trong trường vẫn là trọng tâm nhưng những vẫn đề nóng đang diễn ra và kết nối trách nhiệm xã hội, giữ gìn môi trường, kiến thức về nghiên cứu và phát triển, các sự kiện quốc tế, các diễn biến đang diễn ra trên toàn thế giới cũng rất quan trọng.

Ở các trường đại học, các môn học sẽ được đánh giá thường xuyên để xem môn nào chưa hiệu quả hoặc đang hiệu quả để thực hiện cải cách. Mỗi môn học có đại diện của các ngành đó để đóng góp và điều chỉnh. Ngoài ra, các trường cấp 2, cấp 3 và đại học kết nối chặt chẽ với nhau và tăng cường hợp tác quốc tế. 

Ông Tuomas Oksanen, CEO Oksidia, trình bày về hệ thống phần mềm phục vụ giáo dục của công ty Oksidia

Ông Tuomas Oksanen, CEO Oksidia, trình bày về hệ thống phần mềm phục vụ giáo dục của công ty Oksidia

Cùng với đó, công nghệ thông tin cũng được ứng dụng rộng rãi để giúp việc học tập và quản lý quá trình học được tiện lợi và hiệu quả hơn. Công ty Oksidia đã phát triển nền tảng giáo dục dựa trên điện toán đám mây cung cấp cho người dùng có thể dễ dàng quản lý sử dụng phòng học, lịch dạy của giáo viên. Giáo viên cũng có thể xây dựng giáo trình và theo dõi quá trình học của học viên. Đánh giá của giáo viên được ghi lại bằng giọng nói giúp giảm tải cho các giáo viên.

PGS.TS Trịnh Thuỳ Anh, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh - ĐH Mở TP.HCM, nhấn mạnh việc thực tế hoá nội dung giảng dạy và kết nối với doanh nghiệp như gửi sinh viên đến các công ty để học và làm luận văn.

“Thông qua đó, chúng tôi có thể cải thiện chương trình học tốt hơn. Chúng tôi cũng yêu cầu sinh viên tham gia nhiều vào đồ án, ví dụ làm các nghiên cứu thị trường hoặc các báo cáo liên quan tới sản phẩm, xuất nhập khẩu...”, bà Trịnh Thùy Anh nói.

Phạm Sơn - Khampha.vn

Bài gốc

Xem thêm