Hà Nội sẽ ứng dụng AI trong giải đáp, hướng dẫn về dịch vụ hành chính công
Cùng với việc hoàn thành Cổng thông tin du lịch Hà Nội cung cấp thông tin thiết yếu cho du khách vào cuối tháng 12/2017, Hà Nội cũng dự kiến ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giải đáp, hướng dẫn công dân, doanh nghiệp về dịch vụ hành chính công của Thành phố.
Được UBND TP.Hà Nội xác định là năm đột phá căn bản về CNTT, năm 2017 Thành phố đã tiếp tục triển khai mạnh mẽ các hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT nhằm tạo bước chuyển biến căn bản về xây dựng Chính phủ điện tử và xây dựng thành phố thông minh.
Thời gian qua, UBND TP.Hà Nội cũng đã chỉ đạo Sở TT&TT hoàn thiện và trình UBND Thành phố phê duyệt Khung kiến trúc, chiến lược, lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030 làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện và xây dựng đề án thành phố thông minh.
Thông tin từ Sở TT&TT Hà Nội cho hay, hiện Thành phố đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu (CSDL) dân cư cho hơn 7,5 triệu người dân Hà Nội và khai thác hiệu quả phục vụ triển khai các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công dân, doanh nghiệp và phục vụ công tác quản lý điều hành của Thành phố.
Công tác phối hợp và chia sẻ CSDL dân cư với các sở, ban, ngành của Thành phố cũng đã được triển khai tích cực. Đến nay, Công an Thành phố đã nghiên cứu việc kết nối, khai thác CSDL dân cư để chia sẻ thông tin với Bảo hiểm xã hội Thành phố, Sở Tư pháp, Sở GD&ĐT, Cục Thuế, Sở KH&ĐT nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đáp ứng việc tăng cường liên thông, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến phục vụ công dân, tổ chức, cá nhân người nộp thuế… trên địa bàn Thành phố. Trong năm nay, liên ngành Công an và TT&TT Thành phố đã ký kết quy chế khai thác CSDL dân cư với Cục Thuế, Sở KH&ĐT.
Bên cạnh đó, thực hiện Chỉ thị 07 ngày 13/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phối hợp triển khai xây dựng CSDL quốc gia về dân cư, Sở TT&TT đã tham mưu với UBND Thành phố ra văn bản chỉ đạo các ngành trong việc triển khai quản lý, khai thác và sử dụng CSDL dân cư của Thành phố.
Hiện Sở TT&TT Hà Nội đang phối hợp với Công an Thành phố, Sở Tài chính báo cáo UBND Thành phố về việc khai thác CSDL dân cư sang các lĩnh vực để phục vụ người dân và phục vụ công tác quản lý các điểm bán SIM, thẻ điện thoại của các doanh nghiệp viễn thông, kiểm tra xe chính chủ, đăng ký doanh nghiệp, tra cứu thông tin của ngân hàng và văn phòng công chứng.
Sở LĐTB&XH Hà Nội đang phối hợp với Công ty Nhật Cường đề xuất giải pháp kết nối CSDL dân cư để thực hiện Đề án xây dựng CSDL quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng CNTT và giải quyết chính sách an sinh xã hội đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 708 ngày 25/5/2017.
Đáng chú ý, Sở TT&TT Hà Nội cho biết, năm 2017 Thành phố đã hoàn thành việc xác định các yêu cầu và tích cực chuẩn bị triển các thành phần quan trọng xây dựng thành phố thông minh như: Trung tâm giám sát, điều hành tập trung của Thành phố; Hệ thống giao thông thông minh; Hệ thống du lịch thông minh.
Cụ thể, từ tháng 6/2017, Hà Nội đã triển khai thí điểm ứng dụng tìm kiếm và thanh toán trông giữ xe ô tô qua điện thoại di động (iParking) trên 2 tuyến phố Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm), với 17 điểm đỗ, sức chứa 248 xe. Đến nay, đã có trên 130.000 lượt giao dịch đỗ xe và thanh toán thông qua ứng dụng iParking.
Thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, từ ngày 1/9/2017, ứng dụng iParking đã được triển khai mở rộng tại 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa và được sử dụng tại 89 điểm trông giữ phương tiện phục vụ không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm. Các quận, huyện, thị xã được giao nghiên cứu phương án mở rộng iParking đối với trông giữ xe máy.
Hiện nay, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang phối hợp với Công ty cổ phần FPT khảo sát lại tọa độ, danh mục cơ sở hạ tầng vận tải hành khách công cộng để thực hiện số hóa CSDL vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Thành phố, xây dựng bản đồ số giao thông, cổng thông tin giao thông của Thành phố.
Dự kiến đến ngày 31/12/2017 sẽ hoàn thành triển khai “Hệ thống thông tin giao thông tích hợp, xây dựng bản đồ giao thông Hà Nội, cung cấp thông tin về tình trạng giao thông và vận tải hành khách công cộng theo thời gian thực phục vụ công tác quản lý, điều hành, điều tiết giao thông của các cơ quan quản lý nhà nước, người dân và du khách”.
Với lĩnh vực du lịch, dự kiến cũng vào cuối tháng 12/2017, sẽ hoàn thành Cổng thông tin du lịch Hà Nội cung cấp đầy đủ các thông tin thiết yếu cho du khách đến thăm Hà Nội và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giải đáp, hướng dẫn công dân, doanh nghiệp về dịch vụ hành chính công của Thành phố.
Bên cạnh đó, Thành phố đang chuẩn bị quy hoạch các đầu số viễn thông để cung cấp thông tin cho người dân và doanh nghiệp theo hình thức tập trung qua mạng viễn thông và mạng xã hội gắn với việc hình thành Trung tâm giám sát, điều hành tập trung, bao gồm: đầu số tiếp nhận, xử lý, cung cấp các thông tin liên quan đến dịch vụ hành chính công và các vấn đề dân sinh bức xúc (dự kiến sử dụng đầu số 1024); đầu số cung cấp các dịch vụ công ích có thu phí, lệ phí và thực hiện thanh toán qua mạng viễn thông (dự kiến dùng đầu số 9556); và đầu số tích hợp các cuộc gọi khẩn cấp (112).
Vân Anh - ICTNews