Cùng SpeedUp nghe cộng đồng khởi nghiệp "giãi bày"

Không thể phủ nhận những nỗ lực, quyết tâm của tất cả các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp đã đem lại những nét khởi sắc cho phong trào khởi nghiệp TP.HCM. Tuy nhiên, để các startup thực sự khởi nghiệp thành công, tạo ra cú hích mạnh mẽ cho sự phát triển của nền kinh tế thành phố thì vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết .

Những xu thế công nghệ mới nhất đã và đang được các startup Việt ứng dụng ngày càng hiệu quả trong những sản phẩm của mình. Điều đó minh chứng rõ ràng về sự nhạy bén và trình độ công nghệ của các startup Việt.

Nâng cao toàn diện chất lượng startup

Phần lớn startup của Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn hạt giống và Series A

Phần lớn startup của Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn hạt giống và Series A

Tuy nhiên, đánh giá chung từ Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP HCM về hoạt động khởi nghiệp nói chung, đa số các startup tại Việt Nam được đầu tư mới ở giai đoạn hạt giống (seed stage), quy mô nhỏ, khả năng tăng trưởng đột phá không cao. Các nhà đầu tư cũng chưa mặn mà đầu tư các khoản vốn "mồi" ban đầu cho startup.

Theo nhiều chuyên gia, một trong những lý do chính dẫn đến điều này là do phần lớn startup Việt vẫn quá coi trọng vấn đề kỹ thuật mà chưa quan tâm đúng mức đến yếu tố thị trường.

Những startup đã có kinh nghiệm thương mại hóa sản phẩm cũng nhận định khả năng đánh giá và tiếp cận thị trường đang là một hạn chế của startup Việt. Ông Nguyễn Thuần Phác, Giám đốc công ty sản xuất đồ chơi thông minh thực tế ảo EKID nhận xét: các startup vẫn đang thiếu sự hỗ trợ tiếp cận thị trường lớn và loay hoay tìm cách đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách riêng lẻ.

Từ kinh nghiệm của nhà đầu tư, ông Phan Đình Tuấn Anh – Sáng lập của mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần Angel 4 Us cho rằng: nhiều startup “chết” vì “chỉ tập trung đưa ra sản phẩm mà không test (thăm dò - PV) được thị trường”. Đồng thời, ông Tuấn Anh còn nhấn mạnh đến một yếu tố thường bị các startup bỏ quên là vấn đề nhân sự.

Những khó khăn mà công ty Lucky Telecom đang gặp phải chính là ví dụ điển hình cho vấn đề trên.

Dự án “Hệ thống xếp hàng khám bệnh thông minh” của công ty Lucky Telecom là một trong 14 dự án nhận được hỗ trợ từ chương trình Speed up 2017. Sản phẩm của công ty cũng đã được triển khai ở nhiều bệnh viện tại TP.HCM, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế.

Tuy nhiên, công ty vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong công việc hành chính mà nguyên nhân theo ông Nguyễn Quang Huy, Trưởng Phòng Quản trị - Hành chính của công ty Lucky Telecom là do phần lớn nhân sự đều là dân kỹ thuật, thiếu kinh nghiệm và kiến thức về quản lý, hành chính.

Cần sự hỗ trợ của cả hệ sinh thái

Sự thành công của startup không chỉ đến từ sự nỗ lực của chính họ mà cần sự hợp tác, hỗ trợ từ tất cả các thành phần trong hệ sinh thái.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM giao lưu với cộng đồng khởi nghiệp

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM giao lưu với cộng đồng khởi nghiệp

Tuy nhiên, theo ông Tuấn Anh, hiện nay, hỗ trợ cho startup “vừa thừa vừa thiếu, có nhiều nơi hỗ trợ nhưng không hiệu quả. Nguồn lực hỗ trợ nhiều nhưng cách hỗ trợ phù hợp thì lại thiếu.”

Chính vì thế, chương trình Speedup 2017 được nhiều startup và các đơn vị ươm tạo đánh giá là bước đi thiết thực, đi đúng trọng tâm, thể hiện sự tiên phong của thành phố Hồ Chí Minh trong việc hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên phạm vi toàn quốc. 

Bên cạnh những đánh giá tích cực, các đơn vị, nhóm khởi nghiệp cũng đề xuất những đóng góp để chương trình nâng cao hiệu quả hơn nữa.

Hà Văn Lộc là trưởng nhóm dự án khởi nghiệp mang tên Sài Gòn TCS. Đây là dự án khởi nghiệp cung cấp các sản phẩm nhang ngải cứu, máy hơ ngải cứu có nguồn gốc hoàn toàn từ thiên nhiên hỗ trợ điều trị một số bệnh cho con người. Nhóm của Lộc đã được nhận hỗ trợ 700 triệu đồng từ chương trình SpeedUp, đây cũng là khoản hỗ trợ đầu tiên mà nhóm nhận được từ nhà nước. Song, đại diện của Sài Gòn TCS cho rằng, với các dự án nông nghiệp, Nhà nước không chỉ hỗ trợ tài chính mà cần có thêm những cơ chế hỗ trợ về đất đai và y tế.

Do không có quỹ đất, hiện nay nhóm của Lộc đang phải liên hệ các tỉnh lân cận để thuê đất với giá khá cao. Điều này khiến dự án gặp rất nhiều khó khăn.

“Mặt khác, dự án về nông nghiệp làm các sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh như nhóm mình, rất cần đến quá trình kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay ngành y tế cũng chưa có cơ chế nào hỗ trợ cho vấn đề này”- Lộc nói.

Cũng nhận được hỗ trợ khởi nghiệp về nông nghiệp nhưng dự án của ông Nguyễn Văn Thuấn là sản phẩm đông trùng hạ thảo, nấm ăn sạch. Ông Thuấn cho biết, chương trình SpeedUp là chương trình hỗ trợ rất thiết thực cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông cũng mong muốn được các vườn ươm hỗ trợ hơn nữa trong việc phát triển thị trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

Các doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp rất cần quỹ đất để sản xuất. 

Các doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp rất cần quỹ đất để sản xuất. 

Vườn ươm có thể hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển thị trường cho sản phẩm như đưa vào các chương trình triển lãm nông nghiệp, kết nối với hệ thống siêu thị của thành phố để phân phối. Với sự tham gia của vườn ươm (là một đơn vị nhà nước), khách hàng sẽ tin tưởng hơn về quy trình sản phẩm", ông Thuấn bày tỏ.

Bên cạnh đó, nhiều startup vẫn còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận, tìm hiểu thông tin của các chương trình hỗ trợ. Anh Bùi Hà Thái, Giám đốc điều hành Schoolbus - một trong những dự án nhận được hỗ trợ từ SpeedUp 2017, cho biết trong thời gian đầu tiếp cận, Schoolbus cũng mất khá nhiều thời gian để tìm hiểu thông tin. Bởi vậy, anh Thái đề xuất nên tăng cường truyền thông, giới thiệu về các chương trình hỗ trợ một cách rộng rãi và phổ biến hơn.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng vườn ươm nên tích cực hơn trong việc hướng dẫn các startup chuẩn bị hồ sơ dự án, cũng như tham gia hỗ trợ startup bảo vệ hồ sơ, dự án trước hội đồng thẩm định.

Cần hành lang pháp lý rõ ràng cho vườn ươm

Theo nhiều chuyên gia từ các vườn ươm, nếu muốn tăng khả năng gọi được vốn hỗ trợ thì các doanh nghiệp khởi nghiệp cần cải thiện kỹ năng chuẩn bị hồ sơ, trình bày dự án.

Còn đối với các dự án đã nhận được hỗ trợ, ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp Công viên phần mềm Quang Trung, khuyến nghị phần vốn được cấp chỉ là một phần để các startup có thêm nguồn lực phát triển dự án. Quan trọng nhất vẫn chính là sự nỗ lực của các nhóm dự án. 

“Với các vườn ươm tư nhân, họ đặt kỳ vọng thu hồi vốn vì lợi nhuận khi tham gia ươm tạo doanh nghiệp. Nhưng đối với các vườn ươm công lập như chúng tôi, không đặt lợi ích về lợi nhuận lên trên hết. Chúng tôi ươm tạo các doanh nghiệp có các dự án vì cộng đồng, phục vụ cho cộng đồng và giải quyết các vấn đề của xã hội”- ông Tuấn nói.

Mặc dù đánh giá cao sự nhiệt tình và chủ động tháo gỡ các vướng mắc về hành chính cho các đơn vị vườn ươm và startup, nhưng đại diện vườn ươm Vietnam Silicon Valley Accelerator (VSVA), cho rằng Hội đồng chuyên gia của của Sở KH&CN TP.HCM cần có thang đánh giá chung nhất quán. Ngoài ra, VSVA đề xuất Sở KH&CN TP.HCM và hội đồng chuyên gia cũng nên chú trọng hơn nữa các yếu tố về kinh doanh, bởi theo VSVA đây là những yếu tố quyết định sự thành công của startup.

Trong khi đó, chia sẻ về các khó khăn của vườn ươm, ông Nguyễn Hải An, Giám đốc Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, cho biết hiện vẫn chưa có quy định hành lang pháp lý rõ ràng cho các vườn ươm. Trong đó, có các vấn đề pháp lý liên quan đến ký kết hợp đồng hỗ trợ cho doanh nghiệp và cổ phần của vườn ươm khi tham gia vào dự án khởi nghiệp.

Doanh nghiệp khởi nghiệp nhận được sự hỗ trợ từ chương trình SpeedUp thông qua vườn ươm. Tức là vườn ươm là đơn vị trung gian đứng ra nhận trách nhiệm với cơ quan nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp. Chúng tôi đang đề xuất cho phép các vườn ươm công lập được phép đóng góp cổ phần, ký kết các hợp đồng kinh tế với doanh nghiệp để có hành lang pháp lý rõ ràng và tạo an toàn cho vườn ươm về mặt luật”- ông An nói.

Phạm Sơn - Hà Thế An (Khám phá)