Hà Nội truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm bằng mã QR

Theo kế hoạch mới được UBND TP.Hà Nội ban hành, năm 2018 Thành phố sẽ thí điểm ứng dụng phần mềm sử dụng mã QR trong quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc với các sản phẩm trái cây tại các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn nội thành.

Kế hoạch duy trì, phát triển hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2018 - 2020 vừa được UBND TP.Hà Nội ban hành.

Kế hoạch nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm trên địa bàn Hà Nội; giảm thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, nhân lực, chi phí quản lý; nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, chống thất thu cho ngân sách nhà nước; làm công cụ hữu hiệu phục vụ công tác thống kê, xây dựng chính sách quản lý, điều tiết và phân phối trên thị trường các sản phẩm minh bạch về xuất xứ nguồn gốc phù hợp với quá  trình hội nhập quốc tế.

Đồng thời, tăng cường giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn được sản xuất, tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội; nâng cao kiến thức, ý thức trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn.

Đặc biệt, với người tiêu dùng, kế hoạch hướng tới mục đích bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và sức khỏe, niềm tin của người tiêu dùng; được tham  gia, phát huy quyền giám sát, kiểm tra của mình với hoạt động của cơ quan nhà nước thông qua việc sử dụng, chia sẻ và được cung cấp thông tin về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm.

Để hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra, Kế hoạch của UBND TP.Hà Nội cũng nêu rõ các giải pháp sẽ được Thành phố tập trung triển khai. Trong đó, bên cạnh các giải pháp về tham mưu, chỉ đạo và tuyên truyền, tập huấn, Kế hoạch cũng dự kiến những nội dung công việc nhằm triển khai duy trì và phát triển hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm.

Cụ thể là, hoàn thiện chương trình, xây dựng quy trình quản lý, hướng dẫn sử dụng hệ thống phần mềm ứng dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm phục vụ quản lý, kiểm soát nông sản thực phẩm đảm bảo an toàn từ các cơ quan quản lý đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố; hướng dẫn truy xuất nguồn gốc bằng công cụ điện tử từ cơ sở sản xuất ban đầu, cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến ở những vùng, hợp tác xã sản xuất tập trung, cở sản xuất nông sản thực phẩm chủ lực theo chuỗi trên địa bàn Thành phố đến các cửa hàng, siêu thị, chợ đầu mối.

Quản lý nhận diện, truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm theo chuỗi từ trang trại đến người tiêu dùng; quy trình kiểm soát, truy xuất nguồn gốc ứng dụng CNTT được thực hiện xuyên suốt theo đường đi của sản phẩm từ nơi sản xuất, sơ chế, chế biến, vận chuyển kinh doanh tại chợ đầu mối, siêu thị, cửa hàng bán lẻ đến người tiêu dùng.

Đáng chú ý, theo lộ trình được UBND TP.Hà Nội đưa ra trong Kế hoạch, năm 2018, cùng với việc thí điểm ứng dụng phần mềm sử dụng mã QR trong quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm trái cây tại các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn nội thành, Thành phố cũng sẽ thí điểm ứng dụng quy trình mã xác thực chống hàng giả; đồng thời hỗ trợ thí điểm ứng dụng phần mềm sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc đối với một số sản phẩm nguy cơ cao về mất an toàn thực phẩm như tau, thịt, thủy sản.

Theo đó, sẽ xây dựng quy định và thiết lập mã số định danh với các cơ sở trong chuỗi nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố, thử nghiệm hệ thống theo dõi luồng di chuyển của sản phẩm, xây dựng cơ sở dữ liệu trung tâm cho phép truy cập trực tuyến trên Internet thông qua mã QR của sản phẩm bằng điện thoại thông minh; hỗ trợ thiết bị truy xuất công cộng tại các điểm kinh doanh nông sản thực phẩm; tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho người sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh và người tiêu dùng.

Cũng theo lộ trình của Thành phố, năm 2019, sẽ thực hiện mở rộng ứng dụng phần mềm sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông sản thực phẩm khác, tập trung tại các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, trang trại, cơ sở giết mổ tập trung, cơ sở chế biến quy mô lớn, siêu thị, chợ đầu mối; hỗ trợ doanh nghiệp, Ban quản lý chợ bố trí các khu vực, thiết bị tương tác, hỗ trợ người tiêu dùng thực hành truy xuất nguồn gốc trực tuyến các sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn.

Năm 2020, Hà Nội phấn đấu 100% chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn Thành phố ứng dụng phần mềm sử dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin đến người tiêu dùng. Đồng thời, tăng tỷ lệ truy xuất nguồn gốc ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ, chợ bán lẻ đạt từ 30 - 50%.

UBND Thành phố giao Sở NN&PTNT Hà Nội chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, dự toán hàng nằm trình Ủy ban phê duyệt và triển khai Kế hoạch duy trì, phát triển hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm trên địa bàn Hà Nội.

Vân Anh - ICTNews