Thế hệ robot biết bộc lộ cảm xúc được trình làng tại CES

Tại CES năm nay, hàng loạt ông lớn công nghệ liên tục tung ra những sản phẩm át chủ bài, trong đó không thể thiếu vắng các dòng robot hiện đại.

CES (Consumer Electronics Show) - Triển lãmThiết bị Điện tử Tiêu dùng là hội nghị hàng năm được tổ chức bởi Consumer Technology Association (Hiệp hội Công nghệ Tiêu dùng) và cũng là một trong những chương trình thương mại về công nghệ lớn nhất trên thế giới với hơn 170.000 người tham dự.

Mỗi năm, các công ty từ nhỏ đến lớn tham dự triển lãm, trưng bày những sản phẩm mới và tốt nhất mà họ có thể cung cấp cho thị trường. CES 2018 diễn ra từ ngày 9/1 đến ngày 12/1 tại Trung tâm Hội nghị Las Vegas (bang Nevada, Mỹ).

Đến với triển lãm năm nay, Omron Automation cho ra mắt mẫu robot mang tên Forpheus với khả năng chơi bóng bàn bằng cách dự đoán hành động đối phương qua hệ thống quan sát ngôn ngữ hình thể, từ đó đưa ra những phương án tối ưu.

"Con robot sẽ phân tích cảm xúc và trình độ của đối phương thông qua vài lượt đầu, sau đó nó sẽ dự đoán được những bước tiếp theo. Chúng tôi không đem bán loại robot chơi bóng bàn nữa mà chỉ giới thiệu cho người xem về sự tiến bộ của công nghệ thời nay", Keith Kersten - người chịu trách nhiệm phát triển Forpheus chia sẻ.

Honda, ông lớn của ngành sản xuất xe hơi xứ sở hoa anh đào, cho ra mắt một hệ thống chương trình robot mang tên 3E (Empower, Experience, Empathy). Cụ thể, loại robot 3E-A18 có khả năng phản ứng với cảm xúc con người biểu hiện qua nét mặt được lập trình của robot.

Bên cạnh đó, công ty Blue Frog Robotics của Pháp giới thiệu Buddy, robot mô phỏng cảm xúc con người và được lên kế hoạch ra mắt chính thức vào năm sau.

Forpheus - robot có khả năng đọc vị hành vi của người dùng.

Forpheus - robot có khả năng đọc vị hành vi của người dùng.

"Buddy được lập trình cấu tạo não phức tạp. Nó có thể tự hành động để thu hút sự quan tâm từ chủ nhân, hay sẽ trở nên tức giận nếu như bị chạm vào đôi mắt", Jean-Michel Mourier - đại diện Blue Frog Robotics trả lời.

Loại robot mang tên Sanbot và Pepper của Qihan Technology và Softbank Robotics được "nhân hóa hết mức" khi có khả năng tự học hỏi và phản ứng theo từng giai đoạn cảm xúc của người dùng.

"Pepper có khả năng đón biết trạng thái tâm lý của bạn chỉ bằng việc phân tích nụ cười, cái nhíu mày, giọng nói hay những hành động không lời, đặc biệt hơn là phân tích hành vi người dùng chỉ qua góc độ phần đầu của cơ thể", SoftBank giới thiệu.

Pepper, robot có khả năng phân tích cảm xúc.

Pepper, robot có khả năng phân tích cảm xúc.

Emoshape, công ty chuyên cung cấp các loại chip điện tử cho ngành công nghiệp game, ứng dụng thực tại ảo và nhiều mảng khác, có trụ ở tại New York hứa hẹn sẽ nghiên cứu chế tạo ra loại "chip cảm xúc" cho phép robot có khả năng xử lý cảm xúc y hệt con người. Ngoài việc tích hợp cho robot hình người, loại chip còn được dùng cho sách điện tử giúp người dùng cảm nhận rõ ràng đoạn văn.

"Đã có khá nhiều nghiên cứu về việc làm thế nào để máy móc có cảm xúc giống người. Chúng tôi lại theo hướng ngược lại, tự tạo cảm xúc cho máy móc", Patrick Levy-Rosenthal - nhà sáng lập Emoshape cho biết.

Theo news.zing.vn