Giao thông công cộng TP HCM được quy về một mối

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM sẽ tổ chức, điều hành và quản lý tất cả các hoạt động liên quan đến vận tải hành khách công cộng tại TP.

Lãnh đạo Sở GTVT trao quyết định tổ chức lại Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng, đổi tên đơn vị này thành Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM sáng 26-1

Lãnh đạo Sở GTVT trao quyết định tổ chức lại Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng, đổi tên đơn vị này thành Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM sáng 26-1

Sáng 26-1, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM tổ chức lễ công bố quyết định tổ chức lại Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng, đổi tên đơn vị này thành Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM, với những chức năng, nhiệm vụ mới.

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP HCM, cho biết theo quy hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, ngoài hệ thống xe buýt, taxi, TP HCM sẽ có thêm 8 tuyến tàu điện ngầm (metro), 3 tuyến xe điện mặt đất và 6 tuyến xe buýt nhanh. Bên cạnh đó là mạng lưới nhà ga, trạm dừng, hệ thống vé, hệ thống điều hành giao thông thông minh...

Những hệ thống này, theo ông Cường cần phải được quản lý ngay từ khâu quy hoạch cho đến các giai đoạn thiết kế, thi công và vận hành. Để thực hiện, giám đốc Sở GTVT đánh giá cần một cơ quan mới, với chức năng, nhiệm vụ khác những cơ quan, đơn vị đang hoạt động hiện nay và đó là mục đích để hình thành Trung tâm Quản lý giao thông công cộng của TP HCM (gọi tắt là trung tâm). Đơn vị này sẽ trực thuộc Sở GTVT TP.

Theo ông Bùi Xuân Cường, giai đoạn từ nay tới năm 2022, hệ thống giao thông cộng TP HCM sẽ bắt đầu tiếp nhận các mô hình dịch vụ mới như tuyến metro số 1, xe buýt nhanh... Do đó, Trung tâm ngoài việc vẫn tổ chức và quản lý hệ thống xe buýt, taxi..., còn đảm nhận việc quản lý cũng như điều hành các dịch vụ mới.

Từ năm 2023, khi hệ thống hạ tầng giao thông của TP cơ bản hoàn thiện theo quy hoạch, giao thông công cộng đảm nhận từ 20%-30% nhu cầu đi lại của người dân thì Trung tâm Quản lý giao thông công cộng sẽ được nâng cấp và trực thuộc UBND TP nhằm thống nhất đầu mối quản lý giao thông.

Theo Sở GTVT TP HCM, giai đoạn trước mắt, trung tâm sẽ phải điều chỉnh lại cơ cấu tổ chức, các quy chế hoạt động trong nội bộ... Đồng thời tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin.

Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm, cho biết ngoài những nhiệm vụ nêu trên, đơn vị còn có trách nhiệm thực hiện theo các yêu cầu, chỉ đạo của giám đốc Sở GTVT và nhiều nhiệm vụ khác trong việc lên kế hoạch, xây dựng và phát triển hệ thống giao thông công cộng của TP HCM.

Theo Gia Minh (Người Lao động)