TP.HCM sẽ có bãi giữ xe máy cho khách đi xe buýt
Tại các bến xe buýt và khu vực cửa ngõ TP.HCM sẽ có điểm giữ xe máy cho hành khách sử dụng xe buýt.
Đó là một trong những định hướng nhằm nâng cao sản lượng vận tải hành khách công cộng tại TP.HCM, được Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP cho biết sáng 23-4.
Theo báo cáo của Sở GTVT, trong 4 tháng đầu năm 2019, sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại TP giảm, đạt 91,1% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân khiến sản lượng sụt giảm, Sở GTVT đánh giá là do số lượng tuyến xe buýt có trợ giá đang hoạt động giảm 5 tuyến, trong khi nhiều tuyến xe có phương tiện cũ, dẫn đến chất lượng dịch vụ khó đảm bảo và không thu hút người đi.
Mặt khác, Sở GTVT cũng cho rằng sự phát triển của các loại hình Grab, Go-Viet..., đang cạnh tranh khá lớn với xe buýt và hành khách có xu hướng sử dụng những dịch vụ này cho những chuyến đi có cự ly ngắn.
Trước vấn đề này, một trong những định hướng đưa ra để nâng cao sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt được Sở GTVT đưa ra là sẽ rà soát và điều chỉnh các tuyến xe kết nối với những khu vực có nhu cầu đi lại cao như khu dân cư, trung tâm thương mại, trường học, các phương thức vận tải khác...
Đồng thời, Sở GTVT cũng thông tin sẽ rà soát, đề xuất tổ chức các điểm giữ xe máy cho khách đi xe buýt tại bến xe buýt và khu vực cửa ngõ TP.
Hiện các đơn vị đang tổ chức sắp xếp lại mạng lưới xe buýt theo kế hoạch và triển khai thực hiện đề án quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng TP.HCM đến năm 2025 để hình thành mạng lưới xe buýt liên thông, phủ khắp.
Vừa qua, Sở GTVT có tờ trình gửi UBND TP.HCM xin chủ trương đầu tư dự án "Tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga thuộc tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên)".
Cụ thể, Sở GTVT đề xuất UBND TP chấp thuận chủ trương giao Trung tâm Quản lý giao thông công cộng làm chủ đầu tư thực hiện nghiên cứu dự án với quy mô đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ kết nối các tuyến xe buýt với tuyến metro số 1, tổ chức lại các tuyến xe buýt có lộ trình hoạt động trên xa lộ Hà Nội và bổ sung các tuyến buýt gom kết nối với các nhà ga thuộc tuyến metro số 1.
Theo đó, hệ thống xe buýt dọc xa lộ Hà Nội (đường song song với tuyến metro trên cao) được thay đổi theo hướng từ "điểm nối điểm" sang "tuyến trục - tuyến nhánh". Việc thay đổi này nhằm đảm bảo người dân tại các địa bàn như quận 2, 9, Thủ Đức, Bình Thạnh, Bình Dương... đều có thể tiếp cận được các nhà ga metro bố trí dọc xa lộ Hà Nội thông qua hệ thống xe buýt.
Khi metro số 1 hoạt động, số tuyến xe buýt trên trục xa lộ Hà Nội sẽ phát triển thêm 7 tuyến buýt nhánh và 18 tuyến buýt gom khách đi sâu vào các khu dân cư, làng đại học, khu công nghiệp, khu công nghệ cao... Hệ thống buýt nhánh và buýt gom khách này tạo thành các đường "xương cá" kết nối vào các nhà ga metro.
Ngoài ra, trong các nghiên cứu cũng đã tính đến phương án khai thác giao thông thủy để kết nối với metro số 1. Cụ thể trong thiết kế chi tiết cho nhà ga khu vực Ba Son, nhà ga Tân Cảng gần bờ sông Sài Gòn có lối dẫn từ nhà ga đến các bến tàu thủy này.
Gia Minh - Người lao động