Giảm mật độ ô tô trong đô thị: Không thể và có thể

Hà Nội có vẻ như đang đi trước Thành phố Hồ Chí Minh trong việc hạn chế ô tô cá nhân vào nội đô. Dù bị đánh giá là phương pháp tiêu cực, nhưng xu thế “cấm xe” đang trở nên phổ biến và là lựa chọn gần như duy nhất của chính quyền 2 thành phố lớn nhất nước.

Chỉ bằng 1 biển báo cấm, hàng chục ngàn chiếc taxi sẽ không còn chen chân trên đường vào giờ cao điểm.

Chỉ bằng 1 biển báo cấm, hàng chục ngàn chiếc taxi sẽ không còn chen chân trên đường vào giờ cao điểm.

Anh Tạ Văn Thúy, một lái xe “hợp đồng điện tử” (tên gọi chính thức về những xe sử dụng ứng dụng công nghệ như Uber hay Grab) ngỡ ngàng khi biển cấm ‘xe hợp đồng” được cắm ở đầu phố Kim Mã, tuyến đường gần như độc đạo để vào trung tâm Hà Nội.

Đây cũng là 1 trong 11 tuyến đường ở Thủ đô có biển báo cấm này. Dù chỉ là cấm lưu thông vào khung giờ cao điểm (6h đến 9h và 16h đến 19h), nhưng như thế là quá đủ để khách hàng buộc phải rời xa taxi công nghệ của anh Thúy, nếu muốn kịp giờ đi làm.

Phương pháp cấm xe thủ công của Hà Nội

Chỉ bằng một biển báo cấm, Sở GTVT Hà Nội đã ngay lập tức giật được mục tiêu hạn chế phương tiện cá nhân vào nội đô trong giờ cao điểm. Cách làm này đơn giản và hiệu quả đến bất ngờ.

Trong khi đó, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn đang loay hoay triển khai đề án đã được phê duyệt, đó là lập các trạm thu phí quanh khu vực trung tâm thành phố để thu tiền ô tô ra vào. Mục tiêu cuối cùng của giải pháp mang tính công nghệ cao này cũng chỉ là hạn chế phương tiện vào khu vực trung tâm thành phố.

Theo số liệu của Sở GTVT thành phố Hà Nội, chỉ bằng 1 biển báo cấm, 25.000 chiếc taxi công nghệ ở Hà Nội sẽ không còn chen chân trên đường vào giờ cao điểm cùng với gần 20.000 xe taxi. Những con phố chật hẹp hy vọng sẽ thông thoáng hơn và nạn tắc đường, vốn xảy ra như cơm bữa, hy vọng sẽ giảm nhiệt.

Một phương pháp “thủ công” khác cũng được Hà Nội áp dụng ngay từ 1/1/2018, đó là nâng giá vé trông giữ xe ô tô ở nội đô.

Nếu trước đây, giá gửi xe 120 phút là 30.000; giờ tiếp theo là 20.000đ thì từ đầu năm 2018, giá trông xe đã tăng khá cao: Hai giờ đầu, mỗi giờ là 25.000đ/lượt.

Giờ thứ 3 và 4 là 35.000đ/lượt. Giờ thứ năm là 45.000đ/lượt. Giá giữ xe tháng (ban ngày) tăng từ 700.000đ lên 1.000.000đ/tháng với xe 4 chỗ; 1.400.000đ/tháng với xe 7 chỗ.

Anh Bùi Hữu Nghĩa, chủ một tiệm cắt tóc trên phố Tăng Bạt Hổ - Hà Nội, cho biết, anh và nhiều bạn bè đã quyết định để ô tô ở nhà, đi làm bằng xe máy hoặc các phương tiện giao thông công cộng khác.

Trước những phản ứng của nhiều người, ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho biết: "Chính quyền thành phố quyết định, Sở không thể làm khác. Mọi sự đã được thông báo công khai".

Trong khi đó, tại Thành phố Hồ Chí Minh, những con số thống kê cho thấy toàn thành phố đang có 24.000 xe dưới 9 chỗ ngồi đăng ký chạy Uber và Grab; hơn 11.000 xe taxi.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, chưa thấy UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho triển khai trên thực tế biện pháp nào trong lĩnh vực này, trừ quyết định tạm đình chỉ hoạt động 48 bãi trông giữ xe không phép trên các tuyến phố Quận 1 của ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch quận.

Đề án công nghệ cao của Thành phố Hồ Chí Minh

1517161016-thu-phi-xe-o-to-vao-trung-tam-tphcm-kho-kha-thi.jpg

Một trong những biện pháp hạn chế ô tô vào trung tâm Thành phố được nhắc đến nhiều nhất là Đề án “Thu phí ô tô vào trung tâm để tránh ùn tắc”. Đây là sản phẩm của Công ty Công nghệ Tiên Phong (ITD).

Theo đề án này, một “Vùng trung tâm” sẽ được lập ra tại một phần Quận 1. Nhà đầu tư sẽ bỏ ra 1.500 tỷ đồng thiết lập 34 cổng thu phí.  Ô tô ra vào trong giờ cao điểm (6h-9h và 16h đến 19h) sẽ bị thu 40.000đ/lượt cho xe con và 50.000đ/lượt cho xe khách. Xe taxi thu 30.000đ/lượt; miễn phí với xe buýt. Xe thuộc các đơn vị trong “Vòng trung tâm” được giảm 25% giá vé.

Nhà đầu tư kỳ vọng giải pháp này sẽ hạn chế được 40% số ô tô đi vào trung tâm Thành phố. Giải pháp cũng sẽ làm lợi 245 tỷ đồng sau 15 năm hoạt động.

Cách tính dựa trên ước đoán 1 người 1 giờ làm được 120.000đ, vậy 0,2 giờ kẹt xe tương đương với 40.000đ, từ đó nhân với số dân, nhân với 15 năm là ra số tiền hiệu quả của giải pháp. Số tiền thu được dùng để phát triển vận tải hành khách công cộng. Theo cách tính này, mỗi năm, Thành phố đang bị phung phí 140 tỷ đồng do kẹt xe.

Ý kiến ủng hộ thì ít, những băn khoăn thì nhiều, dù nhà đầu tư đã đưa ra những ví dụ thuyết phục về những mô hình tương tự ở Thụy Điển hay Singapore. Đại diện Sở GTVT Thành phố, ông Võ Khánh Hưng, cho biết “sẽ tập hợp các ý kiến, báo cáo và xin chỉ đạo của UBND Thành phố.

Chưa biết Thành phố Hồ Chí Minh sẽ giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, giảm mật độ phương tiện cá nhân trên các tuyến đường ra sao; giải pháp mà Hà Nội đang áp dụng cũng cần có thời gian để đánh giá tổng thể.

Nhưng kẹt xe thì không chờ đợi. Hiện tại, việc tắc đường ở hai thành phố lớn nhất nước này đã trở thành chuyện thường ngày với những người dân nơi đây.

Phong Vũ - Báo Khám phá