8 phát minh nổi tiếng từ thời chiến vẫn còn giá trị
Trong gian đoạn Chiến tranh thế giới thứ nhất, nhiều phát minh đã ra đời và còn được ứng dụng đến ngày nay.
Đèn cực tím y tế
Mùa đông năm 1918, phân nửa số trẻ em Đức mắc chứng còi xương nhưng không ai biết nguyên nhân.
Trong hoàn cảnh đó, bác sĩ Kurt Huldschinsky (1883-1940) trong thành phố thử nghiệm đặt 4 trẻ em dưới đèn hơi thủy ngân tiết ra ánh sáng cực tím và thấy sau một thời gian xương chúng cứng cáp hơn.
Từ đây, trẻ em trong vùng được cho ngồi dưới ánh đèn nhằm chữa bệnh còi xương. Phương pháp này nhanh chóng lan rộng khắp đất nước.
Gói trà
Gói trà không phải là phát minh phục vụ trực tiếp cho Thế chiến I nhưng diễn ra vào giai đoạn này.
Trong một lần tình cờ trong năm 1908, nhà buôn Mỹ gửi trà trong một bịch nhỏ đến khách hàng nhưng vô tình đánh rơi vào trong nước nóng. Ông nhận thấy rõ ràng đây là cách pha trà thuận tiện.
Ngay sau đó công ty Đức Teekanne học hỏi ý tưởng này để trở thành công ty đầu tiên sản xuất trà gói nhỏ làm bằng cotton.
Những gói trà lúc đầu được gọi là "tea bomb" được nhiều quân nhân sử dụng vì tiện lợi.
Đồng hồ đeo tay
Đồng hồ đeo tay không được phát minh dành riêng cho Thế chiến I nhưng nhờ sự kiện này mà chúng phát triển vượt bậc.
Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, người dân rất cần biết thời gian nhưng chỉ người giàu mới có đủ tiền mua đồng hồ bỏ túi.
Lúc này các công ty nhận thấy trong chiến tranh, biết thời gian vô cùng quan trọng nên đã phát triển một mẫu đồng hồ tiện lợi để binh sĩ có thể rảnh tay chiến đấu.
Trong cuộc chiến Boer lần 2 (1899-1902), đồng hồ đeo tay chính thức được sử dụng.
Ngay sau đó đồng hồ đeo tay trở thành "mốt" và được các quốc gia trang bị cho binh sĩ của mình.
Băng vệ sinh
Trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, công ty Mỹ Kimberly-Clark phát minh ra vật liệu bằng cellucotton có khả năng hút ẩm gấp 5 lần cotton thông thường nhưng giá thành lại rẻ hơn phân nửa.
Khi Mỹ tham chiến năm 1917, công ty Kimberly-Clark sử dụng cellucotton sản xuất những miếng băng bó vết thương với tốc độ dây chuyền khoảng 115,824 - 152,4m/phút.
Trên chiến địa, do thấy khả năng hút ẩm tuyệt vời của loại vải này, các y tá Pháp bắt đầu dùng thấm máu những lần "tới tháng".
Chiến tranh kết thúc năm 1918, sản phẩm của công ty Kimberly-Clark không còn cung ứng cho quân đội với số lượng lớn nữa nên công ty chuyển sang hướng đi mới: sản xuất băng vệ sinh.
Sau 2 năm nghiên cứu, thử nghiệm miệt mài, loại băng vệ sinh đầu tiên của công ty ra đời tên Kotex vào tháng 10-1920.
Xúc xích chay
Người phát minh xúc xích chay là Konrad Adenauer (1876-1967) - thủ tướng Đức đầu tiên của Tây Đức.
Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, Adenauer là thị trưởng bang Cologne. Khi quân đội Anh bao vây thành phố, cư dân dần chết đói, Adenauer tìm những vật phẩm sẵn có để thay thế cho nguồn thức ăn khan hiếm, nhất là thịt, giúp đỡ người dân.
Ông lên ý tưởng sử dụng hỗn hợp bột gạo, lúa mạch và bột bắp từ Romania làm bánh mì thay cho lúa mì đang khan hiếm. Khi Romania tham chiến, nguồn cung bột bắp cũng cạn kiệt.
Từ những nguyên liệu còn lại, ông nghĩ ra ý tưởng làm xúc xích không thịt nhưng không được áp dụng vì đi ngược lại với văn hóa Đức vốn vang danh món xúc xích.
Tuy nhiên người hưởng lợi lại là nước Anh khi nhanh chóng áp dụng phát minh này phục vụ chiến tranh. Khi hòa bình, mẫu xúc xích này trở thành món ăn mới lạ trong quần chúng.
Dây kéo
Giữa thế kỷ 19, nhiều hãng quần áo nỗ lực tìm ra cách cài áo ngoài dùng nút và kim bấm như trươc đây.
Gideon Sundback (1880-1954), người Mỹ gốc Thụy Điển lên ý tưởng tạo ra một dụng cụ không móc, cấu tạo từ 2 đường như hàm răng có thể dính vào nhau gọi là dây kéo.
Quân đội Mỹ trong chiến tranh thế giới thứ 2 áp dụng thiết kế này cho quân phục và giày cao, đặc biệt với thủy quân. Sau chiến tranh, từ thiết kế trong quân đội, dây kéo đi vào đời sống rộng rãi.
Thép không gỉ
Thép không gỉ hay inox là một dạng hợp kim của sắt chứa tối thiểu 10,5% crom.
Thép không gỉ gắn liền với tên tuổi của một chuyên gia ngành thép người Anh là ông Harry Brearley (1871-1948).
Năm 1913, ngay trước Thế chiến I, ông đã sáng chế ra một loại thép đặc biệt có khả năng chịu mài mòn cao bằng việc giảm hàm lượng cacbon xuống và cho crom vào trong thành phần thép (0.24% C và 12.8% Cr).
Trong Thế chiến I, thép không gỉ được ứng dụng trong động cơ máy bay. Sau đó, thép không gỉ thực sự phát triển trong các lĩnh vực khác như sản xuất thiết bị gia dụng như muỗng đĩa và các thiết bị y tế.
Giờ mùa hè
Vào năm 1784, Benjamin Franklin (1706-1790) từng đề xuất chỉnh giờ mỗi khi đông đến và hè sang để tiết kiệm ánh sáng. Một số đề xuất khác cũng xuất hiện ở New Zealand (1895) và Anh (1909) nhưng không hiệu quả.
Thay đổi đến trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Do thiếu than nghiêm trọng, chính quyền Đức quyết định vào ngày 30-4-1916 chỉnh đồng hồ đi thẳng từ 23h lên 0h, tạo ra một giờ dư giúp tận dụng được nhiều hơn ánh sáng ban ngày.
Các quốc gia bắt đầu học theo, điển hình là nước Anh bắt đầu chỉnh giờ mùa hè vào ngày 21-5-1916 và nước Mỹ vào ngày 31-3-1918 năm sau đó.
Trọng Nhân - Báo Tuổi trẻ