Một người Việt là 'anh hùng môi trường' vì giúp giảm nhiệt điện than
Ngày 23-4, Quỹ môi trường Goldman ở San Francisco (Mỹ) công bố bảy anh hùng môi trường nhận Giải thưởng môi trường Goldman năm 2018, trong đó có một công dân Việt Nam.
Sáu anh hùng khác được vinh danh đến từ Colombia, Pháp, Philippines, Mỹ và Nam Phi (2 người).
Giải thưởng môi trường Goldman là giải thưởng lớn nhất thế giới dành cho các nhà hoạt động môi trường cơ sở.
Trung tâm Sáng kiến truyền thông và phát triển (MDI) dẫn thông cáo báo chí của Quỹ môi trường Goldman cho biết giải thưởng này được trao tặng hằng năm cho các anh hùng môi trường từ sáu khu vực lục địa trên thế giới, công nhận những nhà hoạt động cơ sở vì những thành tựu quan trọng trong việc bảo vệ môi trường.
Bà Ngụy Thị Khanh, giám đốc Trung tâm phát triển Sáng tạo xanh (GreenID), một tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Hà Nội, được vinh danh vì đã sử dụng các nghiên cứu khoa học và thúc đẩy các cơ quan nhà nước Việt Nam tham gia vào vận động cho các dự án năng lượng dài hạn bền vững và giảm sự lệ thuộc nguồn than.
Những nỗ lực của bà đã giúp loại bỏ được 115 triệu tấn khí thải carbon dioxide từ Việt Nam mỗi năm.
Francia Márquez (Colombia) giành giải thưởng vì đã gây áp lực lên Chính phủ Colombia và tổ chức những người phụ nữ của La Toma, khu vực Cauca, ngăn chặn việc khai thác vàng trái phép trên mảnh đất tổ tiên của họ.
Cô Claire Nouvian (Pháp) dẫn đầu một chiến dịch vận động tập trung dữ liệu chống lại thực tiễn khai thác hủy diệt của việc đánh bắt hải sản ở tầng đáy sâu.
Công việc của cô đã giành được sự ủng hộ của Pháp thông qua lệnh cấm khai thác, làm tiền đề cho một lệnh cấm của toàn EU.
Makoma Lekalakala và Liz McDaid (Nam Phi) đã xây dựng một liên minh rộng lớn để ngăn chặn thương vụ đàm phán hạt nhân khổng lồ của Nam Phi với Nga.
Công việc của họ đã dẫn đến một chiến thắng pháp lý mang tính bước ngoặt đối với thỏa thuận bí mật trị giá 76 tỉ USD, bảo vệ Nam Phi không trở thành nơi chứa chất thải hạt nhân của thời đại.
Ông Manny Calonzo (Philippines) đã đứng mũi chịu sào trong chiến dịch vận động chính sách nhằm thuyết phục Chính phủ Philippines ban hành lệnh cấm sản xuất, sử dụng và bán sơn chì. Những nỗ lực của ông đã bảo vệ hàng triệu trẻ em Philippines khỏi bị ngộ độc chì.
Cô LeeAnne Walters (Mỹ) giành giải thưởng vì đã dẫn dắt phong trào công dân kiểm tra nước máy ở Flint, Michigan, và phơi bày cuộc khủng hoảng nước Flint, buộc các chính quyền địa phương, tiểu bang và liên bang phải hành động để đảm bảo phương thức tiếp cận với nước uống sạch.
Giải thưởng môi trường Goldman được thành lập vào năm 1989 bởi các nhà lãnh đạo công dân San Francisco và các nhà từ thiện Richard và Rhoda Goldman.
Những người đoạt giải được lựa chọn bởi một ban giám khảo quốc tế từ những đề cử bí mật do một mạng lưới các tổ chức và cá nhân môi trường trên toàn thế giới đệ trình.
D. An - Báo Tuổi trẻ