Không lo độc quyền, thao túng giá khi Grab mua lại Uber

Các chuyên gia cho rằng việc Grab mua lại Uber tại Đông Nam Á sẽ khiến hãng taxi công nghệ này mạnh thêm, nhưng không ảnh hưởng nhiều đến người đi xe.

Biển cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ (Grab/Uber) được cắm trên một số tuyến phố Hà Nội. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Biển cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ (Grab/Uber) được cắm trên một số tuyến phố Hà Nội. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết, việc hướng đến độc quyền là quy luật trong kinh tế thị trường khi có một số doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh.

Trước đây, khi Việt Nam chưa có Grab, Uber thì các hãng taxi như Vinasun, Mai Linh là những "đại gia" trên thị trường taxi. Những hãng taxi mạnh chiếm lĩnh thị trường khiến các công ty bé phải phá sản hoặc sáp nhập lại để đủ sức cạnh tranh.

"Bây giờ khi thị trường cạnh tranh mạnh mẽ hơn, Vinasun mất 2.000 tài xế thì Uber/Grab cũng có rất nhiều lái xe thất nghiệp. Khi trời mưa gió, giờ cao điểm, xăng dầu tăng giá khiến giá taxi Grab tăng thì người tiêu dùng có quyền lựa chọn đi hay không, chuyển qua đi taxi thường hay xe bus. Không thể nói đó là thao túng giá. Người ta đã nghiên cứu kỹ thị trường rồi mới đưa ra mức giá đó", ông Liên nói.

Chuyên gia này dẫn chứng khi ông sang Úc và gặp tắc đường nghiêm trọng, giá taxi Uber tăng gấp 3 lần. Có nhiều ý kiến phản đối nhưng hãng chỉ giải thích nếu họ không tăng giá thì không thể điều được xe đến vì họ không có xe riêng mà phụ thuộc sự tình nguyện của tài xế.

Như vậy hoàn toàn do thị trường quyết định. Nếu giá cao quá thì người dân có thể không sử dụng. Theo ông Liên, việc Grab xây dựng thương hiệu là để phát triển, phục vụ người dân. 

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải, chuyên gia về giao thông đô thị, cho rằng, việc Grab mua lại Uber tại Việt Nam chỉ thuần túy là việc hoàn thiện khâu tổ chức của doanh nghiệp, không ảnh hưởng nhiều đến người đi lại.

"Họ sẽ mạnh lên nhưng vẫn phải làm tốt hơn chứ không thể tăng giá vô tội vạ. Bản thân việc kết hợp này chứng tỏ họ còn nhiều khó khăn, bất cập và đang phải hoàn thiện", ông Thủy nói.

Chuyên gia này cho rằng, quan trọng nhất là Bộ Giao thông Vận tải phải sớm hoàn thiện cơ chế quản lý đảm bảo cạnh tranh bình đẳng và quyền lợi của khách hàng.

"Đảm bảo tự do cạnh tranh không có nghĩa thuế phải bằng nhau. Chỉ tương đối công bằng vì Grab họ tổ chức tốt hơn, ứng dụng công nghệ 4.0, chi phí tốt hơn thì giá sẽ tốt hơn và người dân thích. Văn bản phải phù hợp thực tế, mang tính khoa học. Cái này mới quan trọng", TS Thủy cho hay.

Sáng 26/3, Grab công bố mua lại toàn bộ hoạt động của Uber tại Đông Nam Á. Theo đó, Grab tiếp nhận hoạt động kinh doanh của Uber tại Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và tích hợp các dịch vụ này vào nền tảng công nghệ tài chính và di chuyển đa phương thức của Grab.

Đổi lại, Uber sẽ có được 27,5% cổ phần trong Grab, con số tương ứng với thị phần hiện nay của Uber tại khu vực.

Hoàng Dương - Báo tin tức

Bài gốc

Tin tứcdmsttin tức, grab