Chương trình hóa mục tiêu: Bước đi sáng tạo của Sở KH&CN TP.HCM
Việc tiến hành chương trình hóa các mục tiêu chính là tiền đề để hình thành các chiến lược, kế hoạch phát triển Khoa học và Công nghệ sau này.
Năm 1986, trong bối cảnh cả nước thực hiện chính sách “đổi mới”, hoạt động Khoa học và Công nghệ tại TP.HCM cũng được đổi mới theo hướng tích cực. Ủy Ban Khoa học Kỹ thuật Thành phố (nay là Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh) đã bắt đầu thực hiện: chương trình hóa các mục tiêu, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của địa phương.
Các hoạt động quản lý Khoa học và Công nghệ của thành phố bắt đầu được chuyển đổi từ dạng phân tán sang giai đoạn chương trình hóa, tập trung vào các mục tiêu phát triển trọng điểm phù hợp với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
Những công nghệ mới, tiên tiến được tích cực nghiên cứu và ứng dụng, đóng góp cho sự phát triển của các ngành sản xuất mũi nhọn, đưa Khoa học và Công nghệ gắn chặt với đời sống.
Việc tập hợp các hướng nghiên cứu phân tán rời rạc trở thành một chương trình nghiên cứu có định hướng cụ thể, rõ ràng. Sự nỗ lực tổ chức lại lực lượng khoa học kỹ thuật, làm cho khoa học, kỹ thuật gắn chặt với sản xuất theo đúng định hướng của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI đề ra, đã mang đến kết quả cụ thể. Đó là việc đưa kết quả của “Chương trình nghiên cứu sử dụng dầu thô Việt Nam” vào ứng dụng sản xuất.
Theo đó, ngày 19/6/1986, Xí nghiệp Liên doanh chế biến Dầu Khí Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập với sự liên doanh của Công ty Lương thực, Ủy Ban Khoa học Kỹ thuật Thành Phố (Sở KH&CN Thành phố Hồ Chí Minh), Sở Giao thông Vận tải thành phố, Công ty Vật tư tổng hợp thành phố.
Cho đến tháng 5 năm 1988, nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam ra đời tại Cát Lái (Saigon Petro) với nguyên liệu là dầu thô Bạch Hổ, có công suất 40.000 tấn/năm (sau này được nâng lên 350.000 tấn/năm với nguyên liệu là condensate Việt Nam).
Cho đến nay, Saigon Petro vẫn là điểm sáng của thành phố, tạo tiền đề cho các nhà máy chế biến lọc dầu khác ra đời. Nhà máy lọc dầu Cát Lái đồng thời còn tạo môi trường để học sinh, sinh viên đến tham quan và thực tập. Đây cũng là nơi đào tạo nhiều kỹ sư, công nhân giỏi chuyên môn về dầu khí.
Rất nhiều chương trình thúc đẩy sự phát triển của các hoạt động về Khoa học và Công nghệ đã ra đời sau đó, các chương trình mục tiêu được xây dựng theo chu kỳ 5 năm.
Chỉ tính riêng giai đoạn: 2001 - 2005 đã thành lập 17 chương trình nghiên cứu khoa học, trong đó tập trung phát triển các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn như Công nghệ thông tin; Công nghệ sinh học; Cơ khí chế tạo - tự động hóa và Công nghệ vật liệu.
Triển khai nghiên cứu 1.488 đề tài, 51 dự án; tổng kinh phí đầu tư là 122,8 tỷ đồng; tỷ lệ các đề tài sau khi nghiệm thu được đưa vào ứng dụng là khoảng 25%.
Bước sang giai đoạn 2011-2015, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã triển khai các chương trình trọng điểm gắn với 6 chương trình đột phá của thành phố. Các hoạt động này đã đóng góp vào chất lượng tăng trưởng GDP của thành phố. Tỉ trọng đóng góp của TFP (năng suất các yếu tố tổng hợp) vào tăng trưởng GDP là 32,82 %; tăng 1,82 lần so với giá trị bình quân giai đoạn 2006-2010 là 18,06 %.
Có thể nói, việc tiến hành chương trình hóa các mục tiêu chính là tiền đề để hình thành các chiến lược, kế hoạch phát triển Khoa học và Công nghệ sau này. Chính chiến lược, kế hoạch phát triển đã đưa Khoa học và Công nghệ trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội, là nhân tố chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Hà Thế An - Báo khám phá