DigiFarm – Bước sáng tạo trong nông nghiệp ở nước chậm phát triển

DigiFarm, một giải pháp đạt giải ý tưởng sáng tạo thế giới năm 2018 đang ‘thay hình đổi dạng’ cuộc sống của những người nông dân nghèo vùng Kenya. Chỉ với chiếc di động, họ có thể tiếp cận với nguồn cung cấp hạt giống gieo trồng, gia súc và thuốc trừ sâu, thậm chí là kết nối với các nhà đầu tư cho vay vốn một cách dễ dàng.

p-1-world-changing-ideas-developing-world-tech-digifarms.jpg

Kenya là một vùng nông thôn nghèo tại châu Phi. Người dân ở đây sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp nhưng họ không có cơ hội tiếp cận với các kiến thức, kĩ năng, và nguồn hỗ trợ về chăn nuôi và trồng trọt.

Hầu hết các kinh nghiệm canh tác được truyền từ đời này sang đời khác nên còn lạc hậu, chưa bắt kịp các tiến bộ trong nông nghiệp. Vì vậy, người dân không có cách nào cải thiện sản lượng nông nghiệp cũng như hiệu quả canh tác.

DigiFarm là một ứng dụng miễn phí trên điện thoại di động, được tung ra vào cuối năm 2017, là ‘tia hi vọng’ cho nền nông nghiệp Kenya. Ứng dụng này cung cấp cho người dùng các thông tin, kiến thức cần thiết về canh tác nông nghiệp như chăn nuôi gia súc và thâm canh mùa vụ.

Chưa dừng lại ở đó, DigiFarm còn kết nối người nông dân với các nguồn cung cấp đầu vào cho canh tác và các đối tác đầu tư vay vốn.

Khi đăng kí tài khoản trên DigiFarm, người dân sẽ lưu lại các thông tin về quy mô canh tác, số lượng gia súc và các hoạt động thâm canh của nông trại. Từ đó, ứng dụng sẽ phân tích các dữ liệu và đưa ra lời khuyên cũng như hướng dẫn tập huấn các hoạt động canh tác phù hợp với từng mô hình sản xuất.

 

Đặc biệt, ngoài bổ trợ về kiến thức, DigiFarm còn giúp nông dân tiếp cận với các dịch vụ thông minh như sử dụng voucher điện tử để mua gia súc, cây giống, thuốc trừ sâu với giá ưu đãi tại các đại lý đáng tin cậy qua iProduce được kết nối với DigiFarm.

Thú vị hơn là khi nông dân đăng kí sử dụng DigiFarm, họ có thể liên hệ vay vốn với các đối tác, nhà đầu tư của ứng dụng này. Tuy nhiên, hiện chức năng này còn bị hạn chế bởi mức vay vốn chưa cao, số tiền chỉ đủ đáp ứng nhu cầu mua các yếu tố đầu vào cho canh tác như giống hay thuốc trừ sâu.

Các khoản vay này được thiết kế dưới dạng voucher tín dụng, nhờ đó, DigiFarm có thể kiểm soát số tiền cho vay, đồng thời, người dân cũng nắm được và điều chỉnh chi phí đầu tư sao cho phù hợp.

Giờ đây, với chiếc điện thoại trong tay, người dân ở Kenya đã có thể biết chính xác tình trạng gia súc, chất lượng cây trồng tại nông trại của mình ra sao, liên hệ vay vốn thế nào bằng cách ‘hỏi’ DigiFarm.

DigiFarm ra đời đã thổi một làn gió mới cho nền nông nghiệp Kenya và được người dân tại đây phản hồi tích cực. Sau 45 ngày hoạt động, ứng dụng đã đón nhận 90,000 nông dân đăng kí. Đến thời điểm hiện tại, con số này đã lên đến 800,000 người.

Trong tương lai, DigiFarm mong đợi có thể giúp đỡ  hàng triệu nhà nông ở Kenya, Tanzania, Ấn Độ và Zambia, giúp họ có cơ hội tiếp cận với nguồn thông tin, nguồn tài chính, đặc biệt là thị trường tiêu thụ nông sản.

Vì những đổi mới này, DigiFarm đã đạt giải Ý tưởng sáng tạo năm 2018 của tạp chí Fast Company.

 

Nước ta cũng là một nước nông nghiệp thuần túy với hơn một nửa dân số sống nhờ vào nghề nông. Nông nghiệp Việt Nam cũng đã có nhiều khởi sắc nhờ việc ứng dụng công nghệ vào canh tác. Một số ứng dụng tương tự như DigiFarm trên smartphone đã xuất hiện giúp nâng cao hiệu quả nuôi trồng như mô hình trồng nấm linh chi của anh Nguyễn Hùng Sinh ở An Giang.

Nhờ ứng dụng điện thoại điều khiển từ xa để biết được nhiệt độ và độ ẩm của vườn, trại nấm của anh đã cho năng suất tăng hơn 30% so với phương pháp thông thường.

Thông qua phần mềm, người nông dân có thể biết được độ ẩm và nhiệt độ trong vườn. Chỉ cần ra lệnh tưới trên điện thoại, hệ thống phun sương sẽ bắt đầu tưới và tự động dừng khi độ ẩm đã đạt ngưỡng quy định, vừa tiết kiệm thời gian, công sức lại có thể  vừa nâng cao năng suất nuôi trồng.

Những phần mềm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp như DigiFarm đã, đang và sẽ làm ‘chuyển mình’ nền nông nghiệp theo khuynh hướng hiện đại, hiệu quả và nghề nông sẽ không còn là cái nghề “chân lấm tay bùn” như người ta vẫn nghĩ nữa.

Pham Thu Ha