KHCN tuần qua: VN sắp biến rơm thành xăng máy bay, xà bông không tuột và cá voi xanh quý hiếm

Công nghệ xử lý rác thải nông nghiệp Carbolosic vừa được chuyển giao tại VN sẽ biến những phế phẩm nông nghiệp như rơm, cỏ, lõi ngô… thành phân bón, đường và xăng máy bay.

 
 

1. Loại mực đổi màu chớp nhoáng

Các nhà nghiên cứu thuộc Viện công nghệ Massachusetts (MIT) vừa chế tạo ra một loại mực đổi màu tên Colormod. Colormod kết hợp lên các vật thể thông qua máy in 3D, dưới tác động của tia cực tím, chúng sẽ đổi màu. Màu mực có thể thay đổi vài lần khi thực hiện quá trình này.

Theo kết quả thí nghiệm, quá trình đổi màu diễn ra trong khoảng 23 phút. Ánh sáng càng mạnh thì thời gian càng được rút ngắn. Colormod được kỳ vọng sẽ giúp thay đổi nền công nghiệp may mặc và một số ngành công nghiệp khác liên quan đến mực in.

2. Xà bông không gây trơn trượt

Xà bông TetraSoap lấy cảm hứng thiết kế từ những trụ chắn sóng ngoài biển (tetrapod), có khả năng không gây trơn trượt trong lúc sử dụng.

Xà bông TetraSoap lấy cảm hứng thiết kế từ những trụ chắn sóng ngoài biển (tetrapod), có khả năng không gây trơn trượt trong lúc sử dụng.

TetraSoap là loại xà bông mô phỏng theo hình dạng của những trụ chắn sóng ngoài biển (tetrapod), có khả năng không gây trơn trượt trong lúc sử dụng. Thiết kế sáng tạo giúp cục xà bông có thể dễ dàng thoát nước nhanh và không gặp tình trạng ngấm nước.

TetraSoap được tạo ra từ hỗn hợp chiết xuất của cây thầu dầu, tinh dầu nhựa thơm chiết xuất từ nhựa cây, tinh dầu cam quýt hữu cơ và dầu cây trà. Hỗn hợp này pha trộn và đóng khuôn trong 30 ngày. TetraSoap hiện được bán ra với giá 23 USD.

3. Tăng kích thước noron giúp cải thiện IQ

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Amsterdam tiến hành thí nghiệm trên các tình nguyện viên từng phẫu thuật não, nhằm so sánh kích thước và hình dạng của các tế bào não trích từ thùy thái dương với điểm IQ của các tình nguyện viên.

Họ phát hiện những người có điểm IQ cao hơn là những người có tế bào não lớn hơn đáng kể. Ngoài ra, noron của những người thông minh hơn cũng có nhiều sợi nhánh hơn, cho phép chúng kết nối với các tế bào khác. Điều này có tác động hiệu quả trong việc truyền thông tin.

Khi kiểm tra khả năng truyền tín hiệu điện giữa các tế bào não, tế bào não của người có chỉ số IQ cao truyền tín hiệu ổn định và tiếp tục ngay cả mức kích thích điện cao. Nghiên cứu này mở rộng hứa hẹn để tăng cường trí tuệ cho con người và điều trị thiểu năng trí tuệ.

4. Nghiên cứu mới: Ăn trứng tốt cho tim mạch

Một nghiên cứu mới vừa được thực hiện trên hơn 500.000 người, cho thấy người ăn trứng thường xuyên sẽ giảm được nguy cơ mắc các bệnh về tim mạnh. Ảnh: TheHealthSite.com.

Một nghiên cứu mới vừa được thực hiện trên hơn 500.000 người, cho thấy người ăn trứng thường xuyên sẽ giảm được nguy cơ mắc các bệnh về tim mạnh. Ảnh: TheHealthSite.com.

Một nghiên cứu thực hiện bởi các nhà khoa học Anh Quốc và Trung Quốc được thực hiện trên nửa triệu người tình nguyện có sức khỏe tốt (không bị các bệnh như ung thư, bệnh tim hay béo phì) từ 30 đến 79 tuổi tại Trung Quốc. Sau đó, họ theo dõi về thói quen ăn trứng và sức khỏe của những người này trong vòng gần 9 năm.

Kết quả cho thấy những người ăn trứng hằng ngày sẽ giảm thiểu rủi ro mắc các bệnh tim mạch. Cụ thể nếu ăn một quả trứng mỗi ngày, tỷ lệ mắc đột quỵ xuất huyết sẽ giảm 26%, tỷ lệ tử vong do đột quỵ xuất huyết giảm 28% và tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch giảm 18%. Ngoài ra, những người ăn năm quả trứng mỗi tuần sẽ giảm 12% tỷ lệ mắc bệnh nhồi máu cơ tim so với những người thỉnh thoảng mới ăn trứng.

5. Tạo ra giác mạc cấy ghép bằng công nghệ in 3D

Giác mạc cấy ghép nhân tạo được tạo ra từ công nghệ in 3D với nguyên liệu là một chất gel chiết xuất từ rong biển và collagen. Ảnh: Newcastle University.

Giác mạc cấy ghép nhân tạo được tạo ra từ công nghệ in 3D với nguyên liệu là một chất gel chiết xuất từ rong biển và collagen. Ảnh: Newcastle University.

Các nhà khoa học tại Đại học Newcastle (Anh) đã trộn tế bào gốc từ một giác mạc hiến tặng khỏe mạnh với alginate, một chất gel chiết xuất từ rong biển và collagen để tạo ra một loại mực sinh học có thể sử dụng để in các giác mạc cấy ghép.

Loại mực in sinh học này là thành phần giúp giữ các tế bào gốc sống được trong các giác mạc in 3D. Công nghệ 3D giúp việc in ấn diễn ra trong 10 phút. Các chuyên gia tiếp tục tiến hành các nghiên cứu sâu và kỳ vọng kỹ thuật này có thể ứng dụng phổ biến trong vòng 5 năm tới.

6. Robot giúp giảm khả năng va chạm giữa chim và máy bay

Từ lâu, những chú chim đã là mối nguy hại của ngành hàng không. Thiệt hại do va chạm của các chú chim vào máy bay hay lọt vào động cơ gây thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm. Công ty Clear Flight Solutions vừa tạo ra một robot mô phỏng loài chim săn mồi cỡ lớn để giải quyết vấn đề này.

Chú chim robot sẽ bay quanh khu vực sân bay, nhằm dọa đuổi các chú chim ra khỏi sân bay và ngăn làm tổ trong khu vực gần đó. Thiết kế chú trọng vào khả năng đập cánh mang đến dấu hiệu của một con chim đang đi săn để cảnh báo các loài chim khác. Robird được điều khiển bằng tay và hiện đã đi vào sử dụng.

7. Thùng rác trí tuệ nhân tạo

Thùng rác Bin.E sử dụng trí tuệ nhân tạo giúp phân loại rác ngay từ khi bỏ rác vào thùng. Ảnh: Bin.E.

Thùng rác Bin.E sử dụng trí tuệ nhân tạo giúp phân loại rác ngay từ khi bỏ rác vào thùng. Ảnh: Bin.E.

Công ty Bin.E đã phát triển một loại thùng rác có thể tự nhân diện và phân loại rác. Quá trình phân loại bắt đầu ngay khi rác được bỏ vào. Sử dụng kết hợp các cảm biến, công nghệ nhận diện hình ảnh và trí tuệ nhân tạo, thùng rác Bin.E sẽ xác định vật thể đó thuộc dạng hỗn hợp, kính, nhựa hay giấy rồi nén lại trước khi chuyển vào ngăn chứa phù hợp.

Ngoài ra, chúng cũng kết nối trực tiếp tới kho dữ liệu bên ngoài. Khi một trong các ngăn chứa đầy, Bin.E sẽ báo cho dịch vụ bảo trì và công ty quản lý rác thải để nhân viên đến thu gom. Hiện tại, Bin.E đang được thử nghiệm tại Anh.

8. Phát hiện cá voi xanh tại Biển Đỏ

Tại vịnh Aqaba ở mũi phía bắc của Biển Đỏ, con cá voi xanh dài khoảng 24m vừa được phát hiện. Theo Bộ Môi trường Ai Cập, đây là lần đầu tiên loài động vật lớn nhất hành tinh này xuất hiện ở Biển Đỏ.

Con cá voi này đã bơi quãng đường hơn 2.000 km từ Ấn Độ Dương, băng qua eo biển Bab al-Mandab để tiến vào Biển Đỏ. Các nhà chức trách Ai Cập đã chỉ dẫn đội giám sát để bảo vệ an toàn cho con vật thuộc nhóm Nguy Cấp này và hỗ trợ nó hoàn thành hành trình di cư tới vùng biển lạnh ở phía bắc.

9. Người Việt chế tạo ‘nhân viên ảo’

Tính năng từ text sang voice và ngược lại. Ảnh: FPT.AI.

Tính năng từ text sang voice và ngược lại. Ảnh: FPT.AI.

Khi gọi đến tổng đài FPT, nhiều người nghe đều nghĩ là tiếng của nhân viên tổng đài mà không biết đó là tính năng chuyển đổi text to speech (từ văn bản sang giọng nói) đang được Công ty FRT triển khai trong hệ thống bán hàng từ đầu năm nay. Trước đây khi chưa dùng tính năng trên, FRT cần 5-7 nhân viên làm nhiệm vụ này.

Text to speech FRT đang sử dụng là một trong những sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) của Ban công nghệ Tập đoàn FPT - doanh nghiệp tiên phong ở Việt Nam đưa AI ứng dụng vào cuộc sống. Năm 2017, tập đoàn đã trình làng FPT.AI là nền tảng hỗ trợ con người trong quá trình tự động ra quyết định.

10. Việt Nam nhập công nghệ biến rơm thành xăng máy bay

Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức ký kết chuyển giao công nghệ xử lý rác thải nông nghiệp Carbolosic. Công nghệ được phát triển bởi các tiến sĩ ở Trường Đại học Central Florida (Mỹ). Quảng Ninh là địa phương đầu tiên nhận chuyển giao công nghệ này vào tháng 7 tới.

Công nghệ này dùng các phụ phẩm nông nghiệp là nguyên liệu đầu vào để sản xuất thành đường, phân bón, ethanol. Đặc biệt, công nghệ này kết hợp cellulose với công nghệ đường (CTS) cùng quá trình lên men và xử lý hóa học tiêu chuẩn để thu lại một loại nhiên liệu sinh học dùng cho hàng không. Được biết, mỗi năm cả nước thải ra 34 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp. 70% trong số đó có thể tái chế.

Quang Niên, Uyên Bùi (Báo Khám phá)

Bài gốc