Khởi nghiệp – những điều không cần đến tài năng


Có rất nhiều người tài năng, nhưng không phải tất cả những người tài năng đều thành công, thật ra có rất nhiều người trong số họ đã thất bại. Lần cuối cùng bạn đọc báo và thấy báo chí khen ngợi một tài năng nhưng sau vài năm tài năng đó “lặn mất tăm” là khi nào?

1.jpg

Tài năng không phải là một yếu tố then chốt quyết định sự thành công của bạn khi khởi nghiệp. Khởi nghiệp là con đường khó nhằn. Khi mọi việc trở nên quá rối rắm, hãy quay trở lại với những nguyên tắc cơ bản. Sau đây là một vài trong số những điều giản dị, nhưng không phải ai cũng thấu hiểu và làm được.

1. Đúng giờ

Lần cuối bạn trễ giờ là khi nào? Cách đây một năm hay mới ngày hôm qua? Tôi từng tham gia một chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, theo mô hình người cố vấn – người được cố vấn (mentor – mentee), các startup sẽ được cố vấn bởi những doanh nhân dày dạn kinh nghiệm. Điều khiến tôi trăn trở (mà lại không mấy ngạc nhiên) là ở buổi kết nối, gần như toàn bộ các cố vấn đều có mặt đúng giờ, còn hơn một nửa các chủ startup lại đi trễ giờ.

Dù đã hiểu những tình huống như vậy không có gì mới ở trong vốn sống của mình, nhưng tôi vẫn tự hỏi có chuyện gì đang diễn ra ở đây vậy? Các nhà startup còn bận rộn hơn cả các cố vấn và họ bận rộn đến nỗi không thể có mặt đúng giờ? Ngày xưa khi khởi nghiệp, cứ mỗi 1 phút được gặp người cố vấn, tôi đã phải chuẩn bị 10 phút trước đó để có đầy đủ những thông tin, số liệu, kế hoạch, giải pháp đề xuất. Công thức ở đây là: (Thời gian bạn chuẩn bị cho cuộc gặp) = (Thời gian của cố vấn dành cho bạn) x 10 lần.

Và hẳn nhiên, tôi hiểu rằng thời gian đó thay vì dùng để kiếm được hàng đống tiền, những cố vấn đã dành cho tôi vì họ muốn đóng góp tạo ra giá trị cho xã hội, tôi cần phải tôn trọng điều đó và đừng đi trễ để họ bị lãng phí dù chỉ là một phút.

Có lẽ bạn sẽ nghĩ rằng: “Đi trễ chỉ là một chuyện nhỏ, tôi vẫn là người tốt”, thế nhưng nếu cứ tiếp tục giữ nguyên cách hành xử như vậy, uy tín của bạn sẽ bị tổn thất. Một lần thất tín vạn lần bất tin, ai sẽ dám làm ăn với những người kém uy tín đây? Ai sẽ muốn giúp đỡ những người đã tự hạ thấp giá trị của họ và không tôn trọng người khác? Nếu không có nhiều người mong muốn bạn thành công, bạn sẽ không thể thành công. Văn hóa kinh doanh tại Việt Nam đã đủ tồi tệ, hãy là một phần của giải pháp và thay đổi từ bản thân mình, bằng một chi tiết đơn giản nhất: luôn đúng giờ.

brad-neathery-nPy0X4xew60-unsplash.jpg

2. Kiên trì

Một anh chàng nọ nhảy vào kinh doanh Soda, anh ta lập công ty và đặt tên sản phẩm của mình là 1 UP. Tất bại! Anh ta bắt đầu lại và đặt tên là 2 UP. Lại phá sản! Anh ta không từ bỏ, tiếp tục với cái tên 3 UP. Tiếp tục thất bại! Lần này là 4 UP. Rồi 5 UP. Và 6 UP. Vẫn thất bại! Bằng nghị lực của mình, anh ta dấn thân một lần nữa với tên gọi 7 UP. Và ngày hôm nay chúng ta có loại nước ngọt 7 UP bán trên toàn thế giới. 7 UP thành công rực rỡ sau 6 lần thất bại. Tế còn những người khác khởi nghiệp bao nhiêu lần thì thành công?

  • 3 lần: Steven Spielberg (đạo diễn phim Công viên khủng long, 3 lần đoạt giải Oscar) bị trường Đại học Southern California từ chối. Sau đó, ông bỏ học và trở thành đạo diễn lừng danh thế giới.

  • 25 lần: trước khi được xuất bản và thành công vang dội, quyển sách The 4 Hour Work Week của Tim Ferris bị các nhà xuất bản từ chối.

  • 400 lần: các công ty của Richard Branson thất bại trước khi ông thành lập đế chế Virgin.

  • 1.009 lần: số lần Colonel Sanders – người sáng lập ra KFC bị từ chối khi ông chào bán công thức gà rán.

  • 1.500 lần: Sylvester Stallone bị từ chối khi ông chào bán kịch bản bộ phim Rocky.

  • 5.126 lần: James Dyson bị thất bại khi tạo ra máy hút bụi đầu tiên.

  • 10.000 lần: Tomas Edison bị thất bại khi tạo ra bóng đen điện đầu tiên.

    Đặc điểm chung của tất cả những doanh nhân khởi nghiệp thành công: không bao giờ phản bội lại giấc mơ của mình.

3. Nỗ lực

Malcolm Gladwell – tác giả cuốn sách Những kẻ xuất chúng – chia sẻ về “Quy tắc 10.000 giờ”, theo đó bất kỳ một ai đã trở thành vĩ nhân đều đã từng đầu tư 10.000 giờ trong cuộc đời của mình để tập trung ren luyện chuyên sâu về phương diện mà sau này họ sẽ được đánh giá là một chuyên gia ở đẳng cấp thế giới. Điều đó đúng với cả Bill Gates, những nhà sáng lập Google, cho đến Te Beatles, Beethoven, hay Mozart,...

Bạn đã sử dụng 10.000 giờ cho việc gì? Việc sử dụng 10.000 giờ vào trong đúng vòng tròn lợi thế cạnh tranh của bạn cũng là điều hết sức quan trọng. Cho dù bạn có tố chất của tài năng, nhưng nếu không được trui ren, tài năng cũng trở nên vô nghĩa. Sự nỗ lực sẽ chắp cánh cho tài năng của bạn.

Đam mê + Nỗ lực + Chọn đúng lợi thế cạnh tranh = Tài năng

Tài năng + Khổ công = Thành công

Bill Gates nỗ lực đến 18 tiếng một ngày khi ông khởi nghiệp. Ngày hôm nay sau khi đã thay đổi thế giới lần thứ nhất với Microsof (đã từng có lúc mọi gia đình đều có PC và mọi PC đều cài hệ điều hành Windows), ông vẫn tiếp tục nỗ lực như vậy với một sứ mệnh khác: thay đổi thế giới này thành một nơi tốt đẹp hơn với các hoạt động xã hội và từ thiện. Bill Gates được đánh giá là một thiên tài, nhưng ông ấy đã, đang, và sẽ nỗ lực mỗi ngày. Còn bạn thì sao? Nếu như tài năng của bạn không bằng Bill Gates, mà bạn còn không chịu nỗ lực bằng ông ấy, thì sự chênh lệch vị trí giữa bạn và Bill Gates ngày hôm nay có gì là không hợp lý? Và liệu ông trời có gì bất công với bạn hay không?

nathan-dumlao-LPRrEJU2GbQ-unsplash.jpg

4.    Vị tha

Vị tha ở đây không phải là tha thứ, mà là vị tha nhân, sống vì người khác mà hy sinh lợi ích của cá nhân mình. Đã bao giờ bạn ở trong tình cảnh là một chủ doanh nghiệp khi Tết đến phải lo cho anh em công nhân viên đầu tiên, mọi người đều phải có lương có thưởng, đến đêm 30 Tết khi giải quyết hết cho mấy anh em về nhà ăn cái Tết vui cùng gia đình, trong túi bạn chẳng còn đồng nào? Bạn ngồi đó, đọc những mẩu tin về các doanh nghiệp khác đã không thể vượt qua được Tết năm nay, thầm nghĩ rằng mình còn may mắn hơn nhiều người, và bạn mỉm cười, một cách thanh thản...

Đã bao giờ bạn cảm thấy mệt mỏi, chán nản, sợ hãi, muốn bỏ cuộc, nhưng lại nhìn những người đồng đội xung quanh, nhìn những người nhân viên và công ăn việc làm của mấy mươi con người đang nuôi sống gia đình, bạn lại gắng gượng? Nhớ đến lý do mình bắt đầu, tinh thần trách nhiệm dâng cao, niềm đam mê rực sáng trở lại, và bạn lại có năng lượng để hành động.

Đã bao giờ bạn vì thực hiện một lời hứa với khách hàng nhưng có thể gây tổn hại nhất thời đến công ty, nhưng vì phương châm của doanh nghiệp là phụng sự khách hàng và mang lại điều có giá trị nhất cho họ, bạn vẫn sẵn lòng?

Đã bao giờ bạn không thể ngừng suy nghĩ về sứ mệnh mà startup của mình đang đi, rằng hãy thực tế, hãy nghĩ đến mô hình kinh doanh: làm sao để kiếm tiền, nhưng tiền chưa phải là thứ quan trọng nhất bây giờ, mà điều quan trọng là làm sao để phục vụ và mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho những người khách hàng của mình? Nếu bạn muốn những người đồng sáng lập nghĩ đến bạn và công ty, bạn phải nghĩ đến họ. Nếu bạn muốn nhân viên nghĩ đến khách hàng, bạn cũng hãy nghĩ cho nhân viên.

Vị tha là một phẩm chất không thể thiếu để thắt chặt sợi dây thân ái giữa mọi người, giữa những người đồng sáng lập, giữa sếp và nhân viên, giữa công ty với khách hàng. Một tuyên ngôn sứ mệnh của doanh nghiệp thật hoành tráng nhưng lại không hướng đến người khác, vì người khác, thì thật là vô nghĩa. Có ai đó đã nói rằng một cuộc sống vì người khác mới là cuộc đời đáng sống. Và cuộc đời chỉ trở nên đáng sống ở thời điểm mà bạn tìm ra điều mình có thể chết vì nó.

Sách “Khởi nghiệp - Dẫn đầu cuộc đua” do Saigon Books phát hành

Sách “Khởi nghiệp - Dẫn đầu cuộc đua” do Saigon Books phát hành

Như Quỳnh (tham khảo cuốn “Khởi nghiệp – Dẫn đầu cuộc đua”)


Xem thêm