'Lợi đơn, lợi kép' khi dùng chế phẩm sinh học phòng trừ bệnh cho cây lạc

Sử dụng chế phẩm sinh học TP để phòng trừ bệnh cho cây lạc vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa thân thiện với môi trường và đảm bảo sức khỏe cho người nông dân.

Đây là giải pháp được nhóm nghiên cứu của ThS. Hoàng Thị Hồng Quế và cộng sự Trường Đại học Nông lâm Huế nghiên cứu. Giải pháp này đã được ứng dụng thành công tại tỉnh Nghệ An, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, tăng khả năng phòng trừ bệnh trên 50% và năng suất lạc tăng từ 12-25%.

Chia sẻ với Tạp chí Khám phá, ThS. Hoàng Thị Hồng Quế cho biết, lạc là cây công nghiệp, cây thực phẩm ngắn ngày thuộc họ đậu, có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, sâu bệnh phát sinh, phát triển gây ảnh hưởng lớn tới năng suất và phẩm chất cây trồng. 

Trong đó, nhóm bệnh gây hiện tượng héo rũ trên cây lạc là một trọng những loại bệnh hại nghiêm trọng, khó phòng trừ nhất. Nguyên nhân gây bệnh là do: vi khuẩn, nấm, tuyến trùng... Theo khảo sát thì bệnh thối trắng gây tỉ lệ bệnh là 5-25%, có thể lên tới 60%, còn bệnh thối đen cổ rễ gây tổn thất có thể lên đến 50% năng suất cây trồng.

Những biện pháp phòng trừ bệnh hại hiện nay chủ yếu dựa vào biện pháp hoá học nhưng vẫn không đem lại hiệu quả và ảnh hưởng đến môi trường. Vì vậy, việc tìm ra một biện pháp phòng trừ mới thân thiện với môi trường là rất cần thiết. Một trong các hướng đó là dùng biện pháp sinh học, sử dụng các vi sinh vật đối kháng trong phòng trừ sinh học trực tiếp hay gián tiếp tiêu diệt sâu, bệnh hại.

Trong nghiên cứu của chị Quế, chế phẩm sinh học TP kết hợp nấm đối kháng Trichoderma và vi khuẩn đối kháng Pseudomonas có tác dụng tương hỗ và thúc đẩy phát huy hiệu quả phòng bệnh. Hai chủng Trichoderma và Pseudomonas là chủng vi sinh bản địa đã được chị Quế và đồng nghiệp tuyển chọn và đăng ký ở ngân hàng gen Thế giới.

Chế phẩm có dạng bột và đơn giản dễ sử dụng. Người trồng chỉ cần xử lý hạt giống với liều lượng 100g chế phẩm TP cho 1kg hạt giống trộn đều 30 phút trước khi gieo. Khi lạc bắt đầu phân cành tưới chế phẩm thêm một lần nữa.

ThS. Hoàng Thị Hồng Quế cho biết thêm, chế phẩm này có giá thành rẻ, chỉ khoảng 35.000đồng/sào, dễ sử dụng, hiệu quả cao, thân thiện với môi trường và đặc biệt là không độc hại đối với sức khỏe con người. Đây là giải pháp kỹ thuật thay thế cho các hóa chất bảo vệ thực vật để góp phần sản xuất sạch, bền vững cần được phổ biến, chuyển giao rộng rãi đến người sản xuất.

Hồ Thành - Báo Khám phá

Bài gốc