20 tấn cá chết tại Hồ Tây, nên nuôi cá ở đây nữa không?

Sốc nhiệt, thiếu Oxy, ô nhiễm tầng đáy hồ do nước thải khiến cá chết hàng loạt với số lượng lớn….vẫn chỉ là những chuyện cũ  nói lại. Giải pháp mới là gì?

Hiện tượng cá chết tại Hồ Tây (Hà Nội) đã diễn ra rải rác trong khoảng 1 tháng qua và xuất hiện nhiều nhất vào 8, 9/7. Cá chết tập trung dọc theo tuyến đường Vệ Hồ, Trích Sài, dạt vào bờ ở khu vực ngã 3 Vệ Hồ - Lạc Long Quân, trước số nhà 185 với khối lượng lớn.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội, trả lời báo Thanh Niên ngày 10/7 cho biết, lượng cá chết ở Hồ Tây đã cơ bản vớt xong, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cùng các bên liên quan thu gom được khoảng 20,5 tấn cá chết và chuyển đi tiêu hủy tại bãi rác Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
 
Theo ghi nhận của Nhà chức trách địa phương cá chết chủ yếu là cá rô phi, cá mè, cá chép và số lượng lớn cá dầu…

Xác định nguyên nhân ban đầu

Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cùng cơ quan chức năng sau đó đã lấy mẫu xét nghiệm và nhận định hiện tượng cá chết có thể là do sốc nhiệt, thiếu oxy khi mưa xuống bất ngờ sau nhiều ngày nắng nóng.

Thời tiết nắng nóng kéo dài có những ngày nhiệt độ lên đến 40oC ngoài không khí, trên các ao, hồ nhiệt độ nước đôi khi lên đến 36 - 380C, nhiệt độ này nằm ngoài giới hạn nhiệt độ của các loài cá nuôi truyền thống (22 - 280C) như rô phi, mè, chép. Do vậy cá sẽ yếu dần, ăn kém và nguy cơ chết rất cao.

Cùng với đó, khi nhiệt độ môi trường không khí và môi trường nước lên cao, oxy hòa tan vào nước sẽ thấp, mức độ tiêu thụ oxy của các loài thủy sinh vật trong ao tăng dẫn đến các hiện tượng thiếu oxy trong nước.
 
Ôxy hòa tan, hay còn được gọi tắt là DO (dissolved Oxygen), là lượng dưỡng khí oxy hòa tan trong nước, rất cần thiết cho sự hô hấp của sinh vật dưới nước như cá, tôm, động vật lưỡng cư, côn trùng v.v....

Khi nồng độ DO trở nên quá thấp sẽ dẫn đến hiện tượng khó hô hấp, giảm hoạt động ở các loài động thực vật dưới nước và có thể gây chết. Nồng độ DO trong tự nhiên khoảng từ 8-10ppm mức độ dao động này phụ thuộc vào nhiệt độ, sự phân hủy hóa chất và một số tác nhân khác.
 
Ngoài ra, nhiệt độ lên cao quá trình chuyển hóa hóa học, phản ứng sinh hóa mạnh dẫn đến thiếu oxy trong tầng đáy, làm kích hoạt quá trình phân hủy kỵ khí các chất hữu cơ, thức ăn thừa ở đáy (bùn đáy) tạo thành các khí: NH3, H2S, CH4, CO2 ...là những chất độc hại với cá, tôm và gây chết hàng loạt.

Hồ Tây cần thêm Oxy hòa tan

Tháng 10/2016, tại hồ Tây cũng từng xảy ra hiện tượng cá chết với số lượng khoảng 200 tấn. Nhà chức trách đã phải điều động hơn 1.000 công nhân thu gom cá trong nhiều ngày. Sau vụ việc, toàn bộ hồ được xử lý để làm sạch nguồn nước và cung cấp thêm oxy.
 
Việc mỗi khi thời tiết thay đổi, Hồ Tây luôn diễn ra hiện tượng cá chết rải rác hoặc hàng loạt, việc này gây rất nhiều lo lắng và ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân xung quanh khu vực Hồ do mùi hôi thối bốc lên. Ngoài ra, hiện tượng cá chết cũng làm mất mỹ quan với một trong những biểu tượng của Hà Nội.

Nguyên nhân cá chết có thể là do thiếu oxy nhưng tại sao lại thiếu oxy thì phải nhìn vào thực tế đó là lượng chất thải ô nhiễm xả ra hồ quá lớn. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người dân cũng như trách nhiệm của các cơ quan quản lý.
 
Bàn về giải pháp khắc phục tình trạng cá chết hàng loạt ở hồ Tây, phát biểu trên báo Đất Việt,  TS. Bùi Quang Tề nguyên Trưởng phòng Sinh học thực nghiệm, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I cho rằng: “Trước tiên phải ngăn chặn các nguồn nước thải đưa vào hồ.

Đây là nhiệm vụ số một, không làm được điều này thì đừng làm những việc khác.Việc tiếp theo cần làm là phải vớt tất cả cá chết ở dưới hồ lên. Bởi lẽ, số cá này sẽ là tác nhân khiến cho hồ Tây bị ô nhiễm nặng hơn”.
 
Mật độ cá quá lớn ở Hồ Tây cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm lượng oxy hòa tan trong nước, do đó nên giảm mật độ cá trong hồ bằng việc trục vớt và đánh bắt bớt cá theo định kỳ từng giai đoạn.

Đồng thời, các cơ quan chức năng nên có kế hoạch sử dụng những biện pháp sinh học phù hợp như dùng chế phẩm MC, Biowater, Biofloc để phân hủy mùn bã hữu cơ tăng cường oxy, loại khí độc như: H2S, NH3, ổn định PH cho Hồ. Dùng vôi nông nghiệp, chủ động bón xuống Hồ sau những trận mưa lớn cũng là biện pháp cân bằng PH rất hiệu quà và an toàn với môi trường.

Đáng nói là những biện pháp này không mới. Câu hỏi đặt ra là: Đến lúc nào,cá Hồ Tây lại tiếp tục chết hàng loạt???

Tạ Thương (tổng hợp)