Cao trào đại chiến cửa hàng tiện lợi: 7-Eleven khai trương 2 cửa hàng/tháng, Vingroup đặt mục tiêu 4.000 cửa hàng Vinmart+, Petrolimex sẽ mở shop tại các cây xăng trên cả nước
Cứ mỗi tháng, 7-Eleven lại cho ra đời 2 cửa hàng mới với kế hoạch đạt 100 cửa hàng trong vòng 3 năm nữa.
Trong suốt nhiều thập kỷ, người Việt đã quen mua bán và ăn vặt ở các khu chợ truyền thống. Đó là một không gian nhộn nhịp đầy màu sắc của các quầy hàng ngoài trời, bày bán mọi thứ từ hoa quả, rau củ tới bánh mì.
7-Eleven mang tới Việt Nam một mô hình mới. Chuỗi cửa hàng tiện lợi Nhật Bản này mở cửa hàng đầu tiên vào tháng 8 năm ngoái, với điều hòa nhiệt độ, wifi miễn phí ở khu trung tâm tại TP Hồ Chí Minh. Kể từ đó, cứ mỗi tháng, 7-Eleven lại cho ra đời 2 cửa hàng, với tham vọng đạt 100 cửa hàng trong vòng 3 năm nữa.
GS Retail - chuỗi siêu thị mini Hàn Quốc cũng đã mở rộng sang Việt Nam vào tháng 1. Trong khi đó, các chuỗi địa phương không ngừng tuyên bố những kế hoạch mới để tấn công thị trường với hàng ngàn cửa hàng mới.
Cuộc chiến giữa các chuỗi cửa hàng tiện lợi là thước đo cho thấy cấp độ mà Việt Nam đã đạt được khi quốc gia này bắt đầu mở cửa thương mại và đầu tư từ đầu những năm 2000. Các nhà máy được đặt tại đây bởi các tập đoàn lớn như Samsung đã biến Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất. Thu nhập trung bình của người dân tăng lên 2.385 USD từ mức 400 USD từ năm 2000. Trong nửa đầu năm 2018, GDP tăng 7,1%, mức cao nhất trong vòng 1 thập kỷ.
"Tôi đang chứng kiến hiện tượng domino. Khi các nhà bán lẻ khác chứng kiến thành công của các đơn vị nước ngoài khi vào thị trường, Việt Nam sẽ càng có nhiều hãng bán lẻ hơn, nhiều thương hiệu hơn và nhiều tay chơi lớn hơn", theo Willy Kruh - chuyên gia mảng tư vấn tiêu dùng toàn cầu tại Canada của KPMG nói.
Là một trong những thị trường tiêu dùng trẻ tuổi nhất thế giới, với hơn một nửa trong số 93 triệu người Việt Nam ở độ tuổi dưới 35, Việt Nam đang khiến các nhà đầu tư nước ngoài cực kì ưa chuộng.
Chua Hak Bin - một chuyên gia phân tích tại Maybank nhớ lại trong chuyến công tác ở châu Âu vừa qua, khi các khách hàng hỏi về Việt Nam, ông đã khẳng đinh: "Tốc độ tăng trưởng như vậy là một hiện tượng. Đó chắc chắn là một ngôi sao nhạc rock".
Trong vài tháng vừa qua, có rất nhiều thương vụ IPO xuất hiện. Nếu như tháng 11, Vincom Retail thu về 709 triệu USD thì đến tháng 4, Techcombank đã mang về 922 triệu USD trong đợt IPO của mình. Một tháng sau đó, Vinhomes lại lên sàn và thu về 1,4 tỷ USD.
"Những gì bạn đang có bây giờ là một nhóm người trẻ và tầng lớp trung lưu thích mua sắm và như vậy sẽ ngày càng có nhiều khoản đầu tư hơn", Jeffrey Periman - lãnh đạo khu vực Đông Nam Á của Warburg Pincus nói.
Cô sinh viên Võ Thị Hoài Ngân là một dạng khách hàng điển hình. Vào một buổi chiều trong tuần tại TP Hồ Chí Minh, Ngân đã bỏ qua các quầy hàng bán nước mía và nước dừa vệ đường để tiến vào mua chai nước tại một cửa hàng tiện lợi Circle K.
"Em và người bạn cùng lớp thích tới đây cho những bữa ăn nhanh. Ở đó có wifi, ghế và bàn đầy đủ", Ngân chia sẻ.
Circle K - một chuỗi cửa hàng tiện lợi thuộc sở hữu bởi công ty ở Canada dẫn đầu làn sóng các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam từ 10 năm trước khi họ mở cửa hàng đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh. Chuỗi FamilyMart theo sau vào năm 2009.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này không mấy cất cánh cho tới năm 2014 khi nền kinh tế trải qua cuộc khủng hoảng nợ và kiểm soát được lạm phát. Năm đó, McDonald's và Domino cũng đã mở cửa hàng đầu tiên tại đây.
Mới đây, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam cũng lên kế hoạch mở những siêu thị mini tại chính các trạm xăng trên khắp cả nước. Còn Vingroup đặt mục tiêu sẽ có 4.000 cửa hàng Vinmart+ vào năm 2020.
Trên khắp châu Á, những siêu thị bán lẻ cỡ lớn dần trở nên không thực tế nữa khiến những cửa hàng tiện lợi mở rộng nhanh hơn bất kỳ loại hình kinh doanh thực phẩm và đồ lặt vặt nào khác. Tại Indonesia, 2 chuỗi Alfamart và Indomaret đã mở tới 1.000 siêu thị nhỏ và cửa hàng tiện lợi mỗi năm.
"Việt Nam đang bắt đầu hành trình. Họ đang ở điểm thu nhập bình quân đầu người mà thương mại hiện đại bắt đầu tăng tốc".
Cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ chuyên gia kinh tế tiến hành nghiên cứu chính thức khẳng định cửa hàng tiện lợi là dấu hiệu của sự phát triển. Tuy nhiên theo các nhà nghiên cứu, sự tiến triển của tiêu dùng có thể dự đoán được khi xã hội giảu có hơn. Với thu nhập bình quân hàng năm dưới 2.000 USD, mọi người mua những thứ như xe đạp và nhu yếu phẩm cơ bản. Nhưng ở khoảng 2.000 - 6.000 USD, là mức bình quân của một người Việt Nam bây giờ, các hàng hoá tiêu dùng sẽ là xe tay ga, tủ lạnh và bia.
Ông Vũ Thanh Tú, CEO 7-Eleven Việt Nam đặt cược rằng xu hướng mua sắm mới sẽ gồm cả việc người tiêu dùng sẽ ghé thăm cửa hàng tiện lợi như 7-Eleven nhiều hơn. Cho đến nay, công ty chủ quản Seven System Vietnam có 19 cửa hàng trên khắp cả nước. Ông Tú khẳng định 7-Eleven sẽ cần mở rộng tới 100 cửa hàng để có thể có lãi, một bước đi phải mất nhiều năm.
"Chúng tôi đang trải qua quá trình chuyển đổi từ các cửa hàng tạp hoá nhỏ lẻ sang thương mại hiện đại. Đây là những gì mà Nhật Bản trải qua từ 40 năm trước. Mọi người đang làm việc nhiều hơn và ít có thời gian cho những bữa cơm tại gia hơn", CEO này chia sẻ.
Vân Đàm - TTVN