Các bước để mở quán cà phê


Nêu những bước sau đây đã được tinh lọc và rút ra những ý cơ bản nhất dành riêng cho mô hình kinh doanh quán cafe.

NowPOS - 8 ly do nen so huu phan mem quan ly quan bar NowPOS - Anh 2.jpg

Bước 1: Lên ý tưởng và lựa chọn phong cách cho quán cà phê

Bước 2: Khảo sát thị trường

Bước 3: Phân tích ý tưởng và xác định mô hình kinh doanh cụ thể

Bước 4: Phân tích tính khả thi của dự án trong vai trò chủ đầu tư

Bước 5: Viết concept kinh doanh chi tiết

Bước 6: Tìm các đối tác chuyên môn

Bước 7: Xây dựng thực đơn kinh doanh

Bước 8: Xây dựng hệ thống quản trị quán

Bước 9: Lập kế hoạch Marketing

Bước 10: Lập kế hoạch tài chính

Bước 11: Phản biện, điều chỉnh hoàn thiện kế hoạch

Bước 12: Chuẩn bị vốn đầu tư

Bước 13: Tìm mặt bằng phù hợp concept kinh doanh

Bước 14: Thiết kế và thi công mặt bằng

Bước 15: Mua sắm trang thiết bị, set up và hoàn thiện cơ sở vật chất

Bước 16: Triển khai kế hoạch marketing

Bước 17: Tuyển dụng và đào tạo nhân sự

Bước 18: Ráp quy trình và chạy thử

Bước 19: Tổ chức event khai trương

Bước 20: Điều hành hoạt động kinh doanh

Đây chỉ là bài viết đầu tiên trong chuỗi bài “Quy trình set up quán cà phê, nhà hàng”. Mình sẽ dành thời gian để viết chi tiết từng bước trong qui trình trên thành từng bài viết riêng. Hy vọng sẽ giúp ích được phần nào cho các bạn tham gia khởi nghiệp ngành F&B.

Dù chủ đề này mình chia sẻ nhiều lần với cộng đồng khởi nghiệp ngành F&B, nhưng thỉnh thoảng vẫn có bạn vào nhắn tin hỏi muốn mở quán cà phê cần làm gì? bắt đầu từ đâu? bao nhiêu tiền mới mở được quán? Thường thường thì biên độ lơị nhuận của quán cà phê là bao nhiêu?… Nên hôm nay mình dành thời gian viết lại chủ đề này lên blog để các bạn có thể đọc khi cần thiết.

Từ khi có ý tưởng kinh doanh quán, cho đến khi một quán cà phê chính thức ra đời, là cả một quá trình dài. Chúng ta quen dùng cụm từ “mở quán cà phê”, “mở quán ăn”, mở nhà hàng”… Nên nhiều bạn khởi nghiệp ngành này cũng làm y chang, đầu tiên đi thuê mặt bằng, tìm người thiết kế và thi công cho mình cái quán đẹp đẹp theo ý của mình, rồi mở ra bán.. mà không biết rằng mình đã sai ngay từ bước đầu tiên - chưa kịp định hình việc kinh doanh của mình rõ ràng, đã chi tiền trước, rồi chạy theo thời gian để giảm chi phí, nhưng vô tình chi phí phát sinh theo sau không kiểm soát được. Chưa kể điều quan trọng nhất – chắc gì ý tưởng kinh doanh đã khả thi để có thể triển khai.

Mình đã từng ngồi nhiều quán cà phê, được các chủ nhân chia sẻ trong vòng 1 năm, bạn là chủ nhân thứ ba, thứ tư của quán (vậy là trung bình 1 quán cà phê tồn tại khoảng 3 - 4 tháng rồi sang cho chủ mới), nhưng khi được hỏi bạn có chắc chắn mình có thể làm tốt ở quán này không? - Các bạn trả lời giống giống nhau và rất vô tư: kinh doanh mà, đâu nói chắc được điều gì! cố gắng thôi!… Và cứ mỗi lần đổi chủ như vậy, quán cà phê được đắp thêm lớp áo mới, hay thay đổi vài chi tiết mới. Khách hàng cũng mới ở những ngày đầu tiên - bạn bè và người thân ủng hộ, rồi lại giông giống nhau - đều vắng. Sau một tháng gặp lại, chủ quán mặt buồn buồn tâm sự, em chỉ đủ tiền cầm cự thêm khoảng 1 tháng nữa thôi, cô có biết ai muốn sang quán giới thiệu cho em nhé!

Cũng có nhiều bạn chạy đôn chạy đáo tìm mặt bằng mở quán, nhưng chưa hề định vị rõ ràng mình cần tìm mặt bằng ở đâu, giá thuê bao nhiêu là hợp lý nên cò cho thuê dắt đi xem khắp nơi, vừa mất thời gian vừa bị rối, và đa phần chốt ở mặt bằng với giá thuê cao hơn dự kiến, chỉ đơn giản vì mặt bằng này nhìn thích hơn. Nhưng khi mình hỏi về ý định kinh doanh, hỏi quán cà phê của bạn có gì đặc biệt? thì bạn lúng túng trả lời rằng bạn nghĩ đầu tư sau thì phải đầu tư đẹp hơn mấy quán đầu tư trước đó, thức uống phải ngon,… Hỏi tiếp, bạn đã có bản vẽ thiết kế quán chưa? - Trả lời rằng bạn chỉ mới thuê được mặt bằng, giờ phải chờ bên thiết kế vẽ đã…, còn thức uống thì sao? bạn đã có công thức riêng của mình rồi chứ? - bạn khoe với mình mới học xong lớp pha chế ở một cơ sở dạy nghề. Lại buồn, vì hiện giờ các trường toàn dạy công thức của nhà cung cấp, đâu còn dạy nghề pha chế nữa, nên lại sắp xuất hiện thêm một quán pha chế thức uống từ xi rô.

Chưa kể, có nhiều bạn khoe mới học xong lớp “Mở quán cà phê” và được dạy một mô hình quán đầu tư nhẹ nhàng khoảng 300 triệu, cho mình xem giáo trình. Thì ra đây là lý do hàng loạt quán cà phê xuất hiện trong vòng 3 năm trở lại đây, đều giống nhau ở mô hình, kể cả menu cũng giống, chỉ khác nhau vị trí và cách vẽ tường. Giờ, bước ra ngõ là gặp quán, quán nào cũng giống quán nào, nên vào quán nào tiện nhất là được…

Theo xu hướng “Quốc gia khởi nghiệp”, hàng loạt chương trình dạy khởi nghiệp ra đời, đa phần dạy các bạn tinh thần khởi nghiệp theo kiểu khởi nghiệp để làm giàu, truyền cảm hứng khởi nghiệp. Học xong, muốn bỏ ngay công việc văn phòng đang làm, muốn bỏ học nửa chừng để mà khởi nghiệp. Trong số đó nhiều bạn chọn kinh doanh quán cà phê vì cho là ngành kinh doanh dễ kiếm tiền. Có bạn còn nói kinh doanh thức uống lợi nhuận cao vì 1 vốn 4 lời, có bạn còn nói ngành này nhàn, vừa làm vừa giải trí được,… Buồn thêm!

Đã qua cái thời mà chủ quán “chơi quán cà phê” - dùng từ “chơi” vì chưa nói tới lợi nhuận, họ mở quán vì đam mê. Nhưng “chơi” mà ra tiền, vì chủ nhân đam mê thật sự, nên quán cà phê có gu riêng, thu hút được lượng khách hàng hợp gu và trung thành. Chưa kể, vì đam mê mà chủ quán luôn chăm chút cho quán mỗi ngày, khách hàng vì thế mà càng hài lòng, càng gắn bó…

Mình viết ra vài trường hợp trên chỉ để muốn bạn đọc kiểm lại xem mình có đang giống trường hợp này trên đây không? Liệu dự định mở quán cà phê hay nhà hàng của mình có thật nghiêm túc? Liệu mình đã sẵn sàng để thành công hay sắp gặp quá nhiều rủi ro chưa lường được?… Trên các buổi talkshow của mình, nhiều bạn thắc mắc rằng, lẽ ra cần truyền cảm hứng nghề, sao mình chia sẻ rủi ro nhiều quá! Mình cười, giờ nhiều chương trình truyền cảm hứng quá rồi, mình mong các bạn lắng lại xem mình có thật sự hiểu về ngành kinh doanh này, sau khi nghe xong có còn sẵn sàng tham gia, và nghiệm lại nghiêm túc lý do khởi nghiệp, vì sao chọn ngành này?…

Dĩ nhiên, ngoài các trường hợp mình kể ra ở trên cũng có rất nhiều bạn thật sự đam mê, mong muốn tìm tòi kiến thức để làm đúng ngay từ đầu và nỗ lực khởi nghiệp với ngành kinh doanh tưởng dễ mà không dễ này.

Nguyễn Trúc Chi