Heo Đan Mạch được 'hưởng' chế độ chăm sóc đặc biệt tại Củ Chi

Mô hình chăn nuôi heo có nguồn gốc Đan Mạch tại TP.HCM là một trong những mô hình tiêu biểu về ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN về nông nghiệp.

1531901291-heo-dm-1.jpg

Trước thực trạng giống heo Đan Mạch nhập về khá cao và chưa thích nghi được với điều kiện khí hậu Việt Nam, Phân viện Chăn nuôi Nam bộ đã thực hiện dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi heo có nguồn gốc Đan Mạch tại thành phố Hồ Chí Minh”. Đây cũng là một trong những mô hình tiêu biểu của TPHCM trong việc ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN về nông nghiệp.

Lai tạo thành công giống heo Đan Mạch

Trong 3 năm trở lại đây, giống heo Đan Mạch được chú trọng đưa về Việt Nam nhằm mục đích tăng chất lượng đàn giống trong nước. Hiện nay, ở nước ta, một số cơ sở giống đã tiến hành lai tạo heo giống có nguồn gốc Đan Mạch với heo có nguồn gốc từ các nước khác như Mỹ, Canada… Việc lai tạo nhằm mục đích khai thác tối đa năng suất của heo giống thuần Đan Mạch cũng như tận dụng được đặc điểm thích nghi của các giống heo đã được nhập về trước đó.

Trên địa bàn TPHCM, mặc dù người chăn nuôi đã áp dụng tốt khoa học kĩ thuật về dinh dưỡng thức ăn, thú y…, nhưng chất lượng con giống vẫn chưa tương xứng. Vì vậy, những năm qua giống heo Đan Mạch vẫn chủ yếu là được nhập về.

Tuy nhiên, giá thành của heo thuần Đan Mạch rất cao, giống heo này sống ở vùng ôn đới, khi nhập về Việt Nam với khí hậu nhiệt đới cần có thời gian thích nghi và phải thay đổi điều kiện chăn nuôi.

Trước đó, Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ cũng đã đã lai tạo thành công giống heo Đan Mạch với một số giống đã nhập sẵn trong nước như Mỹ, Canada cho ra heo giống có khả năng sản xuất cao, thích nghi tốt và giá thành thấp hơn nhiều so với giá heo thuần Đan Mạch.

Để đẩy mạnh công tác chuyển giao các nguồn gen tốt của giống heo Đan Mạch này ra thị trường, Phân viện Chăn nuôi Nam bộ đã thực hiện dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi heo có nguồn gốc Đan Mạch tại thành phố Hồ Chí Minh”.

Chuyển giao nguồn gen tốt

Ông Phạm Ngọc Trung, Chủ nhiệm dự án, cho biết sau khi chọn được hộ xây dựng mô hình tại Hợp tác xã Chăn nuôi heo An toàn Tiên Phong (Củ Chi), dự án triển khai điều chỉnh chuồng nuôi để phù hợp với đặc tính của heo Đan Mạch.

Theo đó, chuồng trại được điều chỉnh có hệ thống thông gió, làm mát, nhiệt độ chuồng đảm bảo 27 - 32oC, độ ẩm từ 65 - 75%, đủ ánh sáng... Nền chuồng bằng tấm đan hoặc nền xi măng có độ dốc từ 2-30, đảm bảo khô thoáng, máng ăn, máng uống tự động bằng inox chống gỉ. Nước uống cho heo cũng phải đảm bảo đủ số lượng (12 - 15 lít/con/ ngày), chất lượng và áp lực nước 1,5 - 2 lít/ phút.

Ông Trung cho biết thêm, việc chọn heo giống cũng phải được truy xuất nguồn gốc bao gồm ngày sinh, giống, mã số bố, mã số mẹ, giá trị giống ước tính. Đồng thời, tạo miễn dịch cho heo bằng vaccine, khẩu phần ăn hợp lý, vệ sinh phòng dịch nghiêm ngặt.

Theo đó, phương tiện vận chuyển khi về tới trại phải xịt sát trùng rồi nghỉ 10 - 15 phút trước khi vào trại. Tài xế, người theo xe phải tắm sát trùng và thay đồng phục trước khi vào trại. Người ra vào trại cũng phải tuân thủ theo các quy định bắt buộc như khi vào cổng phải phun sát trùng và nghỉ 10 - 15 phút, không tiếp xúc với heo ít nhất 24 giờ...

Ngoài ra, heo phải được chăm sóc và nuôi dưỡng đúng cách như cung cấp đầy đủ thức ăn cho heo (bổ sung cám đúng khẩu phần, đúng loại cám, đúng thể trạng và lứa của heo, cám không bị mốc, vệ sinh máng ăn sạch sẽ, bảo quản thức ăn đúng quy trình kỹ thuật)…

Nhờ áp dụng các biện pháp chăn nuôi nói trên mà năng suất của giống heo có nguồn gốc Đan Mạch cao hơn so với các giống hiện tại khoảng 10%, chất lượng cũng được nâng lên. Số con đẻ ra/ổ tăng lên so với các giống heo khác khoảng 15%, số con đẻ ra còn sống/ổ tăng lên 10-12%.

Ngoài ra, thông qua những khóa tập huấn kỹ thuật, trình độ kỹ thuật chăn nuôi của người dân đã được cải thiện đáng kể. Người dân đã dần dần thay đổi nhận thức, phương thức chăn nuôi, áp dụng kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.

Cần tiếp tục nhân rộng mô hình

Ông Trung cho biết, thành công của Dự án không chỉ là hiệu quả kinh tế thu được từ các mô hình, vệ sinh môi trường chăn nuôi vượt trội so với nông hộ chăn nuôi truyền thống, mà còn nâng cao trình độ hiểu biết của người dân về kỹ thuật chăn nuôi heo.

Không những thế, Dự án còn thúc đẩy mối liên kết chặt chẽ giữa các nhà khoa học, nhà quản lí, cán bộ kỹ thuật của địa phương và người chăn nuôi. Đây là cơ hội để chuyển giao kỹ thuật phát triển chăn nuôi heo cho người dân ở huyện Củ Chi.

Theo ông Trung cho rằng, nội dung dự án phù hợp với chính sách của huyện Củ Chi, đặc biệt là phù hợp với thực trạng chăn nuôi heo và trình độ của người dân nên được người dân đồng tình hưởng ứng.  

“Vì vậy, mô hình cần tiếp tục được nhân rộng để TPHCM đạt được mục tiêu TPHCM là trung tâm cung cấp giống gia súc, gia cầm chất lượng cao cho cả nước”- ông Trung cho biết thêm.  

Khả Hân - Báo Khám phá

Bài gốc