Những vụ giải cứu thần kỳ trên Thế Giới

Những ngày qua, Thế giới đang hướng về Thái Lan, dõi theo đội bóng nhí 13 người bị kẹt dưới hang động sâu. Hơn 1.000 chuyên gia, thợ lặn chuyên nghiệp, bác sĩ và hải quân từ Anh, Mỹ, Trung Quốc được huy động cho cuộc giải cứu. Trong lịch sử, đã từng xảy ra những vụ giải cứu kỳ diệu tương tự, để lại những bài học về niềm tin, sự đoàn kết và lòng nhân đạo.

33-banner.jpg

Giải cứu 33 thợ mỏ Chile

bị kẹt 700m dưới lòng đất trong 2 tháng

Đây có lẽ là cuộc giải cứu nhiều cảm xúc nhất lịch sử Thế giới hiện đại.

Vào lúc 14h địa phương ngày 5/8/2010, đường hầm dẫn vào khu mỏ vàng và đồng ở miền bắc Chile sụp xuống, làm 33 thợ mỏ mắc kẹt 700m dưới lòng đất.

Hơn 15 ngày cày xới khu mỏ trôi qua, hàng loạt máy khoan được huy động, nhưng không hề có dấu hiệu của những người mất tích. Không tín hiệu, không thức ăn, nước uống, nhiệt độ dưới mỏ thì khá cao và độ ẩm rất lớn, kể cả những người lạc quan nhất cũng bắt đầu nghĩ rằng không còn hy vọng.

Đúng lúc tuyệt vọng nhất, ngày 22/8 - tức 17 ngày từ khi sụp hầm, một máy khoan đã khoan xuống độ sâu 688m, đúng nơi các thợ mỏ đang trú ẩn. Cả Thế giới vỡ oà trong xúc động khi một tờ giấy được những người thợ mỏ gửi lên: "Chúng tôi 33 người vẫn ổn trong khu trú ẩn".

Tổng thống Chile cầm trên tay mảnh giấy nhắn của 33 thợ mỏ bị mắc kẹt

Tổng thống Chile cầm trên tay mảnh giấy nhắn của 33 thợ mỏ bị mắc kẹt

Và cuộc giải cứu quy mô lớn đã được khởi động. Đầu tiên, phải cung cấp lương thực tiếp tế cho các thợ mỏ. Thực phẩm đặc biệt dành cho phi hành gia, các loại thuốc men được gửi xuống theo đường ống có tên "Chim câu", vừa kịp lúc để duy trì sự sống cho những người thợ mỏ gần như đã cạn kiệt sức lực và ý chí.

Tiếp theo, phải tiếp thêm nghị lực cho họ. Máy quay, và điện thoại được đưa xuống để người trong mỏ nói chuyện với người thân. Ngày 26/8, truyền hình Quốc gia Chile cũng phát những hình ảnh đầu tiên của những người thợ mỏ sau 21 ngày bị mắc kẹt.

150731142822-12-chile-mine-collapse-restricted-exlarge-169.jpg
150731140633-07-chile-mine-collapse-exlarge-169.jpg

Hy vọng sống được thắp lên, 33 người thợ mỏ quả cảm chiến đấu để tiếp tục được tồn tại, chờ đến khi được giải cứu.

Cuộc giải cứu được ước tính kéo dài 4 tháng, do việc khoan đường hầm xuống 700m là vô cùng khó khăn. Nhưng với sự quyết tâm của chính phủ Chile, những thiết bị hiện đại nhất cùng với 350 nhân viên cứu hộ, bác sĩ và lực lượng an ninh được huy động hết công suất.

Vào ngày 12/10, toàn bộ 33 người thợ mỏ đã được đưa lên mặt đất an toàn. Kết thúc chiến dịch giải cứu kéo dài hơn 2 tháng.

150731151214-16-chile-mine-collapse-restricted-exlarge-169.jpg

Sự việc đã thu hút phóng viên trên toàn Thế giới đổ dồn về khu mỏ. Tin tức về những người thợ mỏ được chờ đón hằng ngày. Hàng trăm người thân của các thợ mỏ cũng đóng trại ngay bên cạnh để chờ tin, họ đặt tên cho trại này là "Trại hy vọng".

Hy vọng cũng là thứ đã giúp những người thợ mỏ cố gắng sinh tồn trong thời gian 17 ngày không thể liên lạc với ai trên mặt đất. Hy vọng cũng là thứ khiến chính phủ Chile, và đội giải cứu không bỏ cuộc trong suốt 17 ngày tìm kiếm vô vọng.

Hy vọng giải cứu 33 người thợ mỏ cũng là thứ đã kết nối những kỹ sư NASA, những nhà sản xuất thiết bị của Mỹ, Đức, Đài Loan và chính phủ Chile cùng làm việc với nhau để tạo nên kỳ tích.

Cuộc giải cứu này được ước tính có chi phí lên tới 20 triệu USD.

 
Submarino-norteamericano-Sq.jpg

Giải cứu 33 thủy thủ tàu ngầm USS Squalus của Mỹ

chìm 74m dưới đáy biển

7 giờ sáng, ngày 23/05/1939, tàu ngầm USS Squalus tiến hành lần lặn thử thứ 19 tại đảo Shoals cách bờ đông nước Mỹ khoảng 6 dặm, với 56 thuỷ thủ và 3 kỹ sư. Chỉ 40 phút sau, một sự cố van nghiêm trọng đã làm nước tràn vào chiếc tàu, khiến 26 người thiệt mạng ngay lập tức.

Tàu ngầm ngưng hoạt động và chìm xuống đáy biển. Thuyền trưởng nhanh chóng ra lệnh đóng kín hết các khoang để nước không tiếp tục tràn vào.

33 thuỷ thủ còn sống co cụm trên tàu mà không biết mình đang ở độ sâu bao nhiêu. Trong những giây phút tuyệt vọng, họ đã bàn nhau thoát ra khỏi tàu và cố gắng bơi lên trên. Nhưng họ không biết rằng mình đang ở dưới độ sâu 74m, làm vậy thì không khác nào tự sát. May mắn là thuyền trưởng đã ngăn họ lại.

Họ không có ánh sáng, ướt và lạnh. Khí độc khiến một số người bị nôn mửa. Dưỡng khí còn lại trên tàu không đủ để họ duy trì sự sống quá lâu.

Phao đánh dấu và pháo sáng được bắn lên để báo hiệu cứu hộ. Nhưng do độ sâu quá lớn, phao đánh dấu bị đứt và pháo sáng không thể lên được mặt nước. Sương mù và gió mạnh cũng làm những bước tiến của tàu cứu hộ rất chậm chạp. Việc cứu hộ trở nên rất khó khăn.

DECEMBER-16-2010-USS-SCULPIN.png

Tàu Sculpin được cử để dò tìm người anh em Squalus của mình. Khi đang mò mẫn dưới đáy biển, Trung uý Ned Denby vô tình quay đầu nhìn hướng ngược lại, và nghĩ rằng mình vừa thấy dấu hiệu của pháo sáng loé lên rồi biến mất ngay lập tức. Ông tin vào trực giác của mình, ra lệnh con thuyền quay đầu lại, và tìm thấy Squalus cách đó 5 dặm.

Tàu cứu hộ Falcon được đưa đến cùng với khoang cứu hộ McCann. Thợ lặn Mate Martin Sibitsky mặc gần 100 kg trang thiết bị lặn, nhảy xuống vùng nước sâu thẳm với nhiệm vụ nối dây để thả khoang cứu hộ McCann tới con thuyền đang bị kẹt.

Anh chỉ có vài phút để thực hiện nhiệm vụ, vì áp lực nước sẽ khiến anh nhanh chóng bị mù, hưng cảm và rồi bất tỉnh. Khi ở dưới 70m nước biển, mọi cử động cơ thể của anh trở nên yếu ớt, não hoạt động chậm chạp, mọi bản năng sinh tồn dường như đều ngừng hoạt động, các giác quan trở nên không đáng tin. Nếu có gì bất trắc xảy ra, rất khó cho Sibitsky phản ứng lại.

Cuối cùng, mọi chuyện diễn ra tốt đẹp. Việc kéo khoang cứu hộ lên mặt nước diễn ra trong 4 tiếng rưỡi, toàn bộ quá trình giải cứu kéo dài 13 tiếng. 33 thuỷ thủ đoàn được giải cứu thành công.

 
 
giai-cuu-3.jpg

Giải cứu bé gái 7 tuổi ở Bình Dương

mắc kẹt 15m dưới giếng

 

Ngay tại Việt Nam cũng đã xảy ra những vụ giải cứu kỳ diệu không kém.

4 rưỡi chiều ngày 4/8/2015 ở Bình Dương, bé Nguyễn Trần Tú Anh bị rơi xuống phần khe hở giữa ống nhựa và thành đất của một giếng khoan khi đang chơi cùng bạn bè. Giếng có độ sâu tầm 80m, rất may là bé Tú Anh chỉ bị rơi xuống khoảng 15m và kẹt tại 1 hòn đá chắn ngang.

Khi lực lượng cứu nạn tới, bé Tú Anh vẫn còn sống và kêu cứu. Đội cứu nạn thả một sợi dây thừng xuống, tuy nhiên không thể kéo bé lên vì đường lên rất hẹp.

Lúc này bắt buộc phải đào đất xuống chỗ bé. Việc này rất khó khăn, vì nếu sơ xuất, đất cát sẽ vùi lấp bé, hoặc không cũng làm bé nghẹt thở.

1_53817.jpg

Nhiều máy xúc, thợ đào giếng, và các chiến sĩ cứu hộ đã được huy động để thực hiện việc giải cứu. Đầu tiên máy xúc đào một vùng rộng ở vị trí gần bên giếng. Sau đó thợ đào giếng đào một đường giếng song song với giếng khoan mà bé Tú Anh đang bị kẹt. Cuối cùng khi đến được vị trí của bé, mới đào một đường vuông góc thông qua để giải cứu.

Để ổn định tinh thần cho bé, một chiến sĩ được đảm nhận nhiệm vụ đặc biệt là liên tục nói chuyện với bé, khích lệ và hỏi han bé. Anh liên lục nói: "Con mà ngủ là chú nghỉ chơi với con đó nhe. Con giỏi lắm, đúng không". Nước uống và oxi cũng được bơm xuống để bé đủ sức chờ đợi, tránh bị ngất đi.

Sau 8 tiếng liên tục, vào lúc 1 giờ sáng bé Tú Anh đã được giải cứu thành công và ngay lập tức được đưa vào bệnh viện kiểm tra.

Sau cuộc giải cứu, người dân ai cũng vỗ tay reo mừng, vừa cười vừa khóc: "Quá thần kỳ!”, “Quá hy hữu”! “Con bé có sức sống kỳ lạ quá”!

Những cuộc giải cứu thần kỳ trong quá khứ là minh chứng cho sức mạnh của con người khi đoàn kết. Trở lại với đội bóng nhí của Thái Lan, vì nước lũ chảy xiết nên công tác cứu hộ tỏ ra hết sức khó khăn, và có thể còn kéo dài vài tháng nữa. Tuy nhiên, hiện giờ đội bóng đã đạt được bước ngoặt của mọi cuộc giải cứu - đó là Hy vọng.

Surphi10