TP.HCM mong muốn tạo ra các loại thuốc sinh học thay thế hàng 'ngoại'

Phát triển công nghiệp sinh học y dược với mục tiêu tạo ra các sản phẩm thương mại là một trong những chương trình mục tiêu của Sở KH&CN TP.HCM trong năm 2018.

1530780013-tim-hieu-ung-dung-cua-cong-nghe-sinh-hoc-2-e1528539372514.jpg

Thay thế sản phẩm ngoại nhập

Khẳng định trên được ông Phạm Văn Xu, Trưởng phòng Quản lý Khoa học - Sở KH&CN TP.HCM đưa ra tại buổi Hội thảo góp ý chương trình phát triển công nghiệp sinh học y dược giai đoạn 2018 - 2015, tầm nhìn đến 2030. Buổi hội thảo do Sở KH&CN TP.HCM tổ chức ngày 5.7.

Thuốc sinh học là thuốc được sản xuất bằng công nghệ hoặc quá trình sinh học từ chất hoặc hỗn hợp các chất cao phân tử có nguồn gốc sinh học. Đây đang là xu hướng nghiên cứu được các quốc gia có trình độ y dược cao tập trung nghiên cứu bởi khả năng điều trị cũng như giá trị kinh tế cao.

PGS.TS Trần Cát Đông, Giám đốc Trung tâm Khoa học Công nghệ Dược Sài Gòn, cho biết: “Hiện nay thuốc sinh học được dùng để điều trị nhiều loại bệnh như ung thư hay thần kinh trung ương… mà các thuốc khác không thay thế được. Các loại thuốc này chiếm khoảng 30% tổng số thị trường thuốc quốc tế.

Tại Việt Nam, con số này hiện là 5% nhưng có tốc độ tăng trưởng lên tới 15% do nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tăng cao. Hầu hết sản phẩm này ở Việt Nam vẫn là sản phẩm nhập ngoại.”

Với thực tế đó, Sở KH&CN TP.HCM đã xây dựng chương trình phát triển công nghiệp sinh học y dược dựa trên ý kiến đóng góp của các nhà khoa học.

Chương trình hướng tới xây dựng tiềm lực nghiên cứu, phát triển, tiếp nhận chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghệ sinh học y dược. Từ việc làm chủ một số công nghệ quan trọng, chương trình được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự ra đời của các doanh nghiệp và sản phẩm sinh học sản xuất trong nước.

Chương trình phát triển sinh học y dược do Sở KH&CN TP.HCM đề ra đặt trọng tâm phát triển doanh nghiệp, sản phẩm thương mại

Chương trình phát triển sinh học y dược do Sở KH&CN TP.HCM đề ra đặt trọng tâm phát triển doanh nghiệp, sản phẩm thương mại

Cụ thể, các nhiệm vụ được đặt ra gồm xây dựng mới và nâng cấp các khu trung tâm, phòng thí nghiệm trọng điểm về công nghệ sinh học y dược cũng như nâng cấp các trung tâm có năng lực kiểm định vắc-xin và sinh phẩm. Cùng với đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này sẽ nhận được nhiều chính sách ưu đãi về thuế, sử dụng đất và được hỗ trợ xác lập quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng hệ thống phân phối.

Ban soạn thảo chương trình đặt mục tiêu đến năm 2030 các sản phẩm thuốc sinh học Việt Nam đạt doanh thu 8.000 tỷ đồng/năm, chiếm 50% thị trường trong nước và có thể xuất khẩu ra nước ngoài.

Sinh học y dược: Câu chuyện không đơn giản

Đồng tình với sự cần thiết của chương trình nhưng đại diện của các doanh nghiệp dược, các nhà khoa học tham gia hội thảo cho rằng, đây không phải việc đơn giản mà sự nỗ lực rất nhiều của các bên để tháo gỡ những vướng mắc đang tồn tại.

Trong các vấn đề được nêu lên, hành lang pháp lý cho hoạt động kiểm nghiệm được các chuyên gia đặc biệt lưu ý. PGS.TS Nguyễn Thị Bay thuộc ĐH Y dược TP.HCM, cho biết: “Thuốc sinh học là sản phẩm đặc biệt, khó tiên lượng trước các tác dụng có thể xảy ra. Thậm chí các sản phẩm của những nhà sản xuất hàng đầu cũng được khuyến cáo theo dõi thường xuyên các tác động phụ.”

Bởi vậy, theo PGS.TS Bay quá trình kiểm nghiệm, thử nghiệm lâm sàng rất cần thiết và cần hết sức lưu ý.

Theo các chuyên gia, có rất nhiều khó khăn cần tháo gỡ nếu muốn đưa được các sản phẩm sinh học y dược ra thị trường

Theo các chuyên gia, có rất nhiều khó khăn cần tháo gỡ nếu muốn đưa được các sản phẩm sinh học y dược ra thị trường

Các chuyên gia trong ngành cũng nhận định với điều kiện như hiện nay rất khó để doanh nghiệp có thể cho ra các sản phẩm thuốc sinh học đủ sức cạnh tranh. Trong đó, rào cản lớn nhất nằm ở thời gian đăng ký giấy phép lưu hành sản phẩm quá lâu.

Theo ông Trà Quang Trinh, đại diện công ty CP Dược phẩm Dược liệu Phamedic thì để một sản phẩm có thể ra được thị trường mất tới 3-4 năm. Thời gian kéo dài như vậy tiềm ẩn rất nhiểu rủi ro cho doanh nghiệp như sự thay đổi của xu thế hay sự xuất hiện của sản phẩm tương tự.

Ngoài ra, thuốc sinh học là sản phẩm đặc biệt nên đòi hỏi việc nghiên cứu nhu cầu thị trường rất khác so với các sản phẩm thông thường. Bởi vậy, các nhà khoa học và đại diện mong muốn Sở KH&CN TP.HCM thực hiện các nghiên cứu, phân tích thị trường để làm định hướng phát triển sản phâm.

“Mỗi khu vực có nhu cầu thuốc điều trị khác nhau. Ví dụ như ở các nước đang phát triển, 70% là các bệnh do nhiễm khuẩn. Tỷ lệ này ở các nước phát triển thấp hơn nhiều. Đó là chưa kể cơ địa người ở mỗi vùng có sự khác biệt nên tác động của thuốc không giống nhau”, PGS.TS Hồ Huỳnh Thùy Dương thuộc ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho biết.

Bởi vậy, các chuyên gia đề xuất chương trình nên có các bước đánh giá nhu cầu thị trường, xu thế thế giới. Đồng thời, chương trình nên tập trung vào một số sản phẩm nhất định thay vì phát triển quá rộng.

Phạm Sơn - Báo Khám phá

Bài gốc