Giáo sư trẻ nhất Việt Nam được tặng giải thưởng Ramanujan của ICTP
Giải thưởng là sự ghi nhận những đóng góp nổi bật của Giáo sư Phạm Hoàng Hiệp trong lĩnh vực giải tích phức, cụ thể là lý thuyết đa thế vị.
Trung tâm Vật lý lý thyết quốc tế ICTP đã trao Giải thưởng Ramanujan 2019 cho Giáo sư (GS) Phạm Hoàng Hiệp - hiện đang làm việc tại Viện Toán học - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Đây là giải thưởng danh giá dành riêng cho các nhà toán học trẻ tuổi ở các quốc gia đang phát triển.
Những đóng góp xuất sắc cho nền toán học
Giải thưởng này tôn vinh những đóng góp nổi bật của GS trong lĩnh vực giải tích phức và cụ thể là lý thuyết đa thế vị. Ông đã đạt được một kết quả quan trọng về các điểm kỳ dị của các hàm đa điều hòa dưới; các phương trình Monge-Ampère phức và tình trạng đạt ngưỡng dạng log-chính tắc, với các ứng dụng quan trọng trong hình học Kähler phức và hình học đại số. Giải thưởng cũng ghi nhận vai trò quan trọng của GS trong việc đóng góp cho sự phát triển của nền toán học tại Việt Nam.
GS Phạm Hoàng Hiệp cho biết ông thấy "tự hào và hạnh phúc khi nhận được giải thưởng Ramanujan 2019", đặc biệt là sau khi xem một bộ phim về Srinivasa Ramanujan - người được lấy tên đặt cho giải thưởng. "Tôi rất ấn tượng về cuộc sống và những đóng góp to lớn của ông cho toán học. Ông đã phát minh ra nhiều công thức toán học chỉ hoàn toàn bằng khả năng tự học của mình," GS Hiệp nói.
GS Phạm Hoàng Hiệp đã giảng dạy và nghiên cứu toán học tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội trong khoảng 15 năm. "Tôi nhận thức được rằng toán học góp phần vào sự phát triển của giáo dục và khoa học khi cung cấp những kiến thức cơ bản và tư duy toán học. Trong quá trình giảng dạy, tôi cố gắng chuẩn bị các bài giảng tốt nhất có thể để cho học sinh thấy được các nguyên tắc và ứng dụng hữu ích của toán học," ông nói.
Vị giáo sư xuất chúng
Trước khi nhận được giải thưởng này, GS Hiệp cũng đã được biết đến rộng rãi nhờ những thành tích xuất chúng của mình.
Nhà toán học sinh năm 1982 tại Hải Dương đã được công nhận là giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2017. Ông cũng được phong là phó giáo sư trẻ nhất cả nước khi mới vừa tròn 29 tuổi.
GS Hiệp tốt nghiệp đại học và thạc sĩ ngành Toán học tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và đã bảo vệ luận án tiến sĩ Toán học tại ĐH Umea, Thụy Điển và bảo vệ luận án Tiến sĩ khoa học tại Pháp.
Ông là nhà Toán học Việt Nam đầu tiên có bài đăng trên tạp chí Acta Mathematica - tạp chí được xếp hạng cao nhất theo chỉ số ảnh hưởng và chỉ số trích dẫn năm năm trong danh mục 302 tạp chí ngành toán lý thuyết của cơ sở dữ liệu ISI. Tính đến nay, ông và cộng sự đã có 38 bài báo khoa học xuất bản trên các tạp chí khoa học chuyên ngành và một quyển sách chuyên khảo.
ICTP điều hành Giải thưởng Ramanujan cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ (Ấn Độ) và Liên minh toán học quốc tế (IMU). Giải thưởng được trao hàng năm cho một nhà nghiên cứu (dưới 45 tuổi) ở các quốc gia đang phát triển, đã thực hiện những nghiên cứu xuất sắc ở nước này. Các nhà nghiên cứu làm việc trong bất kỳ ngành khoa học toán học nào cũng đủ điều kiện để nhận giải thưởng.
Ngoài GS Hiệp còn có 2 người Việt Nam khác được tặng giải thưởng của ICTP: GS Đàm Thanh Sơn được tặng huy chương Dirac (một giải thưởng rất danh giá dành cho các nhà khoa học có những đóng góp đáng kể cho vật lý lý thuyết) năm 2018; PGS Lê Hồng Vân nhận giải thưởng dành cho các nhà khoa học trẻ từ các nước đang phát triển năm 1991.
Trung tâm Vật lý lý thuyết quốc tế ICTP là một trung tâm nghiên cứu quốc tế về vật lý và toán học, do nhà vật lý lý thuyết Abdus Salam (người từng đoạt giải Nobel) khởi xướng thành lập năm 1964. Trung tâm đặt ra sứ mệnh là cung cấp cho các nhà khoa học ở các nước đang phát triển những kỹ năng và cơ hội đào tạo để họ có thể theo đuổi sự nghiệp khoa học lâu dài và hiệu quả.
Bích Trâm