Nhật ký innovation: Chuyện… khởi nghiệp phong thuỷ


Những ngày cuối cùng của năm, lựa chọn buổi tối đi dự event nào cũng là một sự khó khăn. Và Bung chọn đi một sự kiện của diễn đàn Ấm Trà Dịch Lý thay cho buổi chia sẻ về trí tuệ nhân tạo. Xong, về nghĩ, hình như hai thứ này nó… liên quan với nhau.

Học trò chụp ảnh cùng thầy Thái tỏng buổi họp lớp

Học trò chụp ảnh cùng thầy Thái tỏng buổi họp lớp

Họp lớp cuối năm mà, lúc nào cũng vui hơn là các cuộc liên hoan khác. Lý do là vì bạn học luôn là một kết nối đặc biệt: không liên quan mấy đến công việc, không phân giai cấp, và luôn có một thủ lĩnh chung là ông thầy. Lớp dịch lý của thầy Thái, đã qua 8 năm, với 15 lớp. Khi nghe xướng tên, mới… hết hồn. Bung thuộc lớp xưa cũ nhất, và được đóng vai sư huynh của nhiều ơi là nhiều người.

Thầy nói: “Sư huynh đó, ai hỏi gì cứ hỏi đi. Mà hỏi một hồi thế nào cũng… bí, vì chắc nợ cơm áo cũng làm rơi rớt hết chữ nghĩa kinh dịch phong thuỷ rồi”. Bung ngồi cười cười, chứ biết nói gì hơn.

Đây là anh Tấn, Phan Quốc Tấn, tiến sĩ, trưởng bộ môn Quản trị Nhân sự của Đại học Kinh tế TP.HCM. Là bạn học lớp kinh dịch có tên theo quẻ của giờ khai giảng là “Thái – Lâm”. Ngồi cạnh nhau, nói qua nói lại một hồi, lại xoay qua chuyện… trí tuệ nhân tạo và khởi nghiệp. Hoá ra, anh Tấn cũng đang phụ trách mấy chương trình về khởi nghiệp, vậy là… bàn tiếp thôi.

Nhớ ra, hai anh em bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu kinh dịch và phong thuỷ, bắt đầu từ một bộ môn rất liên quan tới nghề nghiệp: ứng dụng nhân tướng học trong quản trị nhân sự. Đó là chuyện của 10 năm trước, đi học vì tò mò là chính. Đặc tính lớn nhất của mấy ông làm nghiên cứu sinh là gì? Là nghi ngờ mọi thứ, cái gì cũng muốn phản biện. Nên học một thứ hơi mang màu sắc huyền bí thì nghi ngờ còn ghê hơn. Thầy nói: “Thử tiếp cận những thứ này bằng đầu óc nguyên sơ đi, đừng để những định kiến trong đầu làm cản đường mình…”. Vậy là ráng ngồi làm cho rỗng cái đầu, để hiểu rằng, nhân tướng học, chẳng qua là một môn thống kê từ ngàn đời nay. Ghi chép từ từ, rút ra những mẫu số chung, và thành một môn nhân tướng học thôi. Mà với Bung, thì cũng… đúng lắm. Biết nhìn người, chẳng phải là một thứ trí thông minh cảm xúc EQ – thứ năng lực quan trọng nhất hiện nay đó sao?

Tác giả chụp ảnh cùng bạn học là Tiến sĩ Phan Quốc Tấn -  trưởng bộ môn Quản trị Nhân sự của Đại học Kinh tế TP.HCM

Tác giả chụp ảnh cùng bạn học là Tiến sĩ Phan Quốc Tấn - trưởng bộ môn Quản trị Nhân sự của Đại học Kinh tế TP.HCM

Họp lớp tới hơn 200 người, đông vui ồn ào náo nhiệt vô cùng. Thầy Thái điều khiển cái xe lăn của thầy lên sân khấu, tiết lộ một bí mật vào phút cuối chương trình: “Ai về sớm mất phần ráng chịu, giờ là một vài chuyện phong thuỷ quan trọng trong năm 2020 nhen!”. Bung với anh Tấn cười: may là mình lo bàn chuyện khởi nghiệp mà còn ngồi tới giờ này. Xong hai đứa lại nghĩ: “Nếu giờ coi phong thuỷ của một cái co-working space thì làm sao ta?”. Công ty Bung đang ngồi ở co-working space thiệt mà, có chút lúng túng.

Ngồi thử Google “Phong thuỷ và đổi mới sáng tạo”, hoá ra có rất nhiều nghiên cứu về vấn đề này. Người ta tính ra, trào lưu lớn nhất ở các doanh nghiệp trên thế giới hiện nay, là… đổi mới sáng tạo. Những từ khoá như “mô hình mẫu”, “sáng tạo từ thực tiễn công việc nhỏ nhất hàng ngày”, “làm nhanh, và kết thúc nhanh nếu không hiệu quả”… luôn được các nhà quản trị đề cao. Nhưng người ta cho rằng, ngôn ngữ, và hệ thống quản trị, nuôi dưỡng các ý tưởng đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp là vẫn chưa đủ. Cần thêm “phong thuỷ cho sáng tạo nữa”.

Craig Thomler – một chuyên gia hàng đầu về tiếp thị số của Mỹ - định nghĩa: “Phong thuỷ là thứ triết học thực hành có từ 3.000 năm trước, dùng để làm hài hoà giữa con người và không gian sống. Giờ, nó được ứng dụng ở những tập đoàn lớn như Google, Tesla và những tổ chức sáng tạo hàng đầu thế giới: tạo ra không gian làm việc hợp phong thuỷ như nền tảng của các ý tưởng đột phá. Những phòng làm việc mở, những không gian chung mang màu sắc sáng tạo, những phòng họp khác kiểu truyền thống… Tất cả những điều này, lôi người ta ra khỏi bàn giấy, phòng họp kiểu cổ xưa, để nuôi dưỡng, canh tác và ươm mầm cho sáng tạo phát triển…”.

Anh Tấn, tiến sĩ đó nhen, lại còn có tên trên Facebook là Hoả Địa Tấn, là lấy theo một quẻ tốt lành trong 64 quẻ dịch, quay qua bàn luận về sao Ngũ Hoàng. Bất giác, Bung nhớ ra nhiều bạn tiến sĩ khác cũng suốt ngày nhờ Bung… đặt tên giùm con, hoặc cháu mình theo quẻ dịch. Chà… trí tuệ nhân tạo cũng có lúc cần nhờ tới cái môn khoa học xưa cũ mà vẫn hiệu quả này. Đúng là càng học nhiều, hiểu biết của chúng ta về thế giới càng thêm hữu hạn nhỉ.

Bung bèn mở dịch vụ coi tên coi ngày khai trương công ty khởi nghiệp nhen.

BUNG TRẦN


Xem thêm