Đôi nét về tình hình khởi nghiệp và chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Hàn Quốc – Phần 2


Thời gian gần đây, với các chính sách tập trung hỗ trợ khởi nghiệp (startup) của chính phủ, Hàn Quốc đang vững bước trên con đường trở của một “quốc gia khởi nghiệp thành công không những tại khu vực mà còn trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, tình hình khởi nghiệp tại quốc gia Đông Á này vẫn đang gặp phải một số khó khăn cần giải quyết.

15-Most-Well-Funded-Startups-Korea-Feature-Image.png

Một số mô hình vườn ươm khởi nghiệp (incubator) và tăng tốc khởi nghiệp (accelerator) nổi bật tại Hàn Quốc hiện nay có thể kể đến:

KISED (Korea Institute of Startup & Entrepreneurship Development): Một vườn ươm startup, được thành lập vào năm 2008 với mục đích hỗ trợ nền kinh tế khởi nghiệp tại Hàn Quốc. KISED hoạt động với niềm tin cho rằng việc tạo ra các dịch vụ giáo dục đa dạng sẽ giúp làm gia tăng sự tự tin của các doanh nhân và lan tỏa sự tự tin đó ra xung quanh. KISED đặc biệt tập trung vào hai dạng doanh nhân khác nhau đó là các sinh viên tiềm năng và các doanh nhân lâu năm. Để phổ biến kiến thức về việc làm cho các doanh nhân và tạo ra những khu vực dành riêng cho startup, KISED hiện đã và đang vận hành chương trình Học viện Startup, theo đó Học viện này sẽ cung cấp bài giảng, dịch vụ tư vấn và tạo cơ hội giao lưu kết nối tại 21 trường đại học khác nhau trên phạm vi cả nước. Để có thể đáp ứng nhu cầu mở rộng ra nước ngoài của các startup Hàn Quốc, KISED cũng xây dựng và triển khai một chương trình hỗ trợ startup toàn cầu với sự hợp tác của một số chương trình vườn ươm và tăng tốc khởi nghiệp.

TIPS (Tech Incubator Program for startup): Là chương trình vườn ươm khởi nghiệp có thời gian kéo dài từ 2–3 năm cho những doanh nghiệp startup trong lĩnh vực công nghệ mới (new technology) với sự hợp tác từ chính phủ và các mô hình tăng tốc khởi nghiệp. Theo đó, chính phủ sẽ hỗ trợ lên tới 500.000 USD cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) của các doanh nghiệp startup. Ngược lại, các startup đó có trách nhiệm phải hoàn trả số tiền hỗ trợ với lãi suất 10% trong trường hợp họ thành công. Ngoài các khoản chi của chính phủ, TIPS còn kết nối các startup với những nhà đầu tư thiên thần (anger investors). Tính đến tháng 5/2018, TIPS đã kêu gọi được 71,7 triệu USD cho hoạt động đầu tư, 137,8 triệu USD cho các hoạt động R&D và 504,9 triệu USD cho các hoạt động sau đầu tư.

D-camp: Là một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập từ năm 2013. Đây là trung tâm tích hợp kinh doanh đầu tiên tại Hàn Quốc và tới nay đã hỗ trợ được gần 4.000 startup. D-camp được vận hành bởi Tổ chức Ngân hàng Những Doanh nhân trẻ. Đây là tổ chức được thành lập dưới sự hợp tác của 18 ngân hàng và các tổ chức tài chính từ Hiệp hội ngân hàng Hàn Quốc. Mục tiêu của D-camp là hỗ trợ các doanh nghiệp trẻ tại Hàn Quốc. D-camp hiện đang vận hành chương trình D.Angel. Chương trình này kết nối những startup có triển vọng với mạng lưới các nhà đầu tư và cung cấp cho họ không gian làm việc hoàn toàn miễn phí. Tính riêng trong năm 2016, chương trình D.Angel kêu gọi được 7,66 tỷ won (6,8 triệu USD) vốn đầu tư trực tiếp và 158,41 tỷ won (139,9 triệu USD) vốn đầu tư gián tiếp.

Maru 180: Một mô hình vườn ươm khởi nghiệp có trụ sở đặt tại thủ đô Seoul. Maru 180 chuyên cung cấp địa điểm làm việc, tư vấn và giáo dục, hỗ trợ kết nối các startup với các nhà đầu tư. Maru 180 có cơ chế hợp tác với các công ty đầu tư, các mô hình vườn ươm và tăng tốc khởi nghiệp khác như Campus Seoul, DSC Investment.

10K: Một chương trình chuyên tạo không gian làm việc và dịch vụ hỗ trợ tăng tốc khởi nghiệp. 10K cũng có trụ sở được đặt tại Seoul. Mục tiêu của tổ chức này là giúp đỡ và đầu tư vào các công ty nhỏ tại các thành phố thông minh trên toàn khu vực châu Á. Chương trình tăng tốc khởi nghiệp của 10K kéo dài 3 tháng, cung cấp cho các startup ở giai đoạn đầu những cơ hội kết nối, nhận vốn và tư vấn đầu tư.

Accelerate Korea: Một chương trình vườn ươm và tăng tốc khởi nghiệp ở phạm vi toàn quốc được tài trợ bởi Cơ quan Xúc tiến Công nghiệp và Công nghệ thông tin Hàn Quốc (NIPA), Bộ Khoa học – Công nghệ thông tin và Kế hoạch cho tương lai của Hàn Quốc, Cơ quan Quản lý Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMBA), KISED và Quỹ đầu tư mạo hiểm 22 Centurion Ventures. Accelerate Korea hỗ trợ các startup và các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển thông qua hoạt động giáo dục và đầu tư trực tiếp.

Ngoài ra còn hình thức khác nữa là chương trình vốn đối ứng (matching fund). Ví dụ nổi bật nhất là TIPS – chương trình vườn ươm công nghệ cho startup được thiết kế để xác định và hỗ trợ các startup tiềm năng. Các startup được lựa chọn trong chương trình này được nhận vốn lên tới 500.000 USD từ chính phủ (dưới dạng vốn cho hoạt động R&D). Ngoài ra, các startup này có thể được nhận một khoản hỗ trợ thêm lên tới 200.000 USD, tùy theo số tiền startup đã được nhận của chính phủ trước khi được lựa chọn là bao nhiêu. Đây là chương trình được lấy cảm hứng từ chương trình Tech Incubator, vốn đem lại thành công vang dội tại Israel.

Hiệp hội các nhà đầu tư thiên thần Hàn Quốc (KBAA) sàng lọc bằng cách mời một số thành viên độc lập của hiệp hội xem xét các hồ sơ ứng tuyển sau khi nhận được danh sách startup. Cuối cùng, cơ quan phụ trách doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc sẽ ký hợp đồng với các quỹ đầu tư và tăng tốc khởi nghiệp đã đầu tư vào các startup đề xuất và ký cả với các startup tham gia. Kết quả là các startup này sẽ nhận được khoảng 500.000 USD vốn khởi nghiệp để sử dụng trong 2 năm.

Mô hình này có lợi cho cả ba bên. Một lợi điểm với startup khi tham gia chương trình đó là giảm thiểu rủi ro cho những năm đầu thành lập doanh nghiệp. Startup ít nhất 60% cổ phần. Chính phủ thì có thể thúc đẩy số lượng startup và công nghệ đổi mới sáng tạo. Đây có thể coi như một khoản R&D của chính phủ, khi thành công startup sẽ chỉ phải hoàn lại 10% số tiền được chính phủ cấp. Các tổ chức bên thứ ba thì sẽ tối ưu hóa được một khoản đầu tư do có sự san sẻ rủi ro từ chính phủ.

Gần đây, vào tháng 8/2017, chính phủ Hàn Quốc cho biết sẽ cung cấp khoản tín dụng đặc biệt trị giá lên tới 100 tỷ won (87,6 triệu USD) cho các doanh nhân trẻ đứng ra thành lập các công ty mới và có hoạt động thuê mướn nhân công. Theo đó, Bộ Các doanh nghiệp vừa và nhỏ và startup cho biết các chủ doanh nghiệp từ 39 tuổi trở xuống, đã thuê nhân công trong vòng sáu tháng trước đó sẽ được bảo lãnh tín dụng.

Chính sách về cơ sở hạ tầng

Đầu năm 2018, Chính phủ Hàn Quốc cho biết sẽ thành lập một trung tâm khởi nghiệp lớn ở thủ đô Seoul nhằm thúc đẩy các sáng kiến và giảm tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ nước này. Trung tâm này được kỳ vọng sẽ là nơi sáng tạo của khoảng 300 thanh niên hoạt động trong lĩnh vực khởi nghiệp và sẽ cung cấp cho họ những hỗ trợ cần thiết. Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc cũng đang có kế hoạch thành lập 250 trung tâm khởi nghiệp ở các khu vực trên cả nước trước năm 2022 để hỗ trợ các doanh nghiệp do những người trẻ tuổi lập ra và định hướng phát triển dựa trên sự sáng tạo. Chính phủ Hàn Quốc thường xuyên phát triển cơ sở hạ tầng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.

Việc Hàn Quốc tuyên bố xây dựng trung tâm khởi nghiệp lớn ngay trong lòng thủ đô Seoul được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ nước này đang nỗ lực hiện thực hóa cam kết hỗ trợ những doanh nhân khởi nghiệp, từ đó tạo ra luồng gió mới, tạo thêm việc làm cho nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào các tập đoàn “gia đình trị” tại Hàn Quốc.

Theo kế hoạch, trong thời gian tới, Hàn Quốc sẽ lập một quỹ trị giá 3.000 tỷ Won (khoảng 2,7 tỷ USD), tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho các ngành khoa học cơ bản, thúc đẩy các lĩnh vực tăng trưởng mới và hỗ trợ các công ty liên doanh, qua đó hỗ trợ những thanh niên trẻ lập ra khoảng 50.000 doanh nghiệp khởi nghiệp.

Một số khó khăn trong quá trình thúc đẩy sự phát triển của các startup tại Hàn Quốc hiện nay

Hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển là vậy nhưng Hàn Quốc vẫn gặp phải một số khó khăn.

Việc thiếu hụt nguồn tiền mặt

Hàn Quốc là quốc gia hàng đầu trong việc hỗ trợ các khoản chi phí cho hoạt động R&D từ chính phủ. Tuy nhiên, quốc gia này lại chưa chú trọng vào các chính sách về thuế hay các khoản đầu tư tiền mặt trực tiếp cho doanh nghiệp. Điều này gây ra thực trạng các doanh nghiệp sau khi hoàn thành các hoạt động R&D thì sẽ không biết làm gì tiếp theo nếu không tiếp tục được rót thêm vốn đầu tư.

Những khó khăn trong việc thoái vốn

Startup nào cũng nên có một kế hoạch thoái vốn như là một phương án dự phòng trường hợp công việc kinh doanh tiến triển không như mong đợi. Lý do là khi bắt đầu xây dựng một doanh nghiệp, nó không thể mãi là của riêng một cá nhân nào đó nếu muốn phát triển, nó có thể bị mua lại hoặc cổ phần hóa. Các doanh nhân Hàn Quốc thường ít khi tính đến trường hợp họ sẽ phải nhượng lại hoặc cổ phần hóa công ty của mình và họ thường có xu hướng mơ mộng về việc sẽ được một tập đoàn lớn thu mua lại với giá cao.

Vấn đề thực thi nghĩa vụ quân sự

Dù cho có những thành tích đáng kể trong lĩnh vực khởi nghiệp nhưng các startup của Hàn Quốc cũng gặp khó khăn trong việc vươn tầm quốc tế với lý do những nghĩa vụ quân sự bắt buộc cho mọi người dân. Nguyên nhân là do nghĩa vụ này khiến cho công việc kinh doanh của một người nào đó sẽ bị gián đoạn hoặc phải chuyển giao công việc cho một ai khác để đi thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Ryan Vũ


Xem thêm