Liên kết tốt “ba nhà” - nền tảng tạo ra nhiều sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo


Mối liên kết giữa Nhà nước – nhà trường – nhà doanh nghiệp chính là nền tảng quan trọng nhất để tạo ra nhiều sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường ĐH.

PGS.TS Thoại Nam, Giám đốc Trung tâm điện toán, ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM đã chia sẻ như vậy về mô hình phát triển liên kết “ba nhà” tại Hội nghị khoa học và công nghệ lần 16 do trường này tổ chức ngày 15/10.

Sự kiện này nằm trong chuỗi các hoạt động của Tuần lễ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM (WHISE) năm 2019.

PGS Nam cho biết, mối liên kết “ba nhà” thể hiện rõ vai trò và lợi thế mỗi bên. Với Nhà nước, họ có các chương trình đầu tư về R&D (nghiên cứu và triển khai), đầu tư hạ tầng, phòng lab và quan trọng nhất là xây dựng chính sách khoa học công nghệ. Còn với nhà doanh nghiệp, họ có nguồn lực về tài chính, am hiểu thị trường, đầu tư mạo hiểm. Với trường ĐH, họ có nguồn lực con người, các chương trình đào tạo tiên tiến,…

“Mỗi bên đều có thế mạnh riêng và cần có mô hình hợp tác, liên kết để tạo ra các sản phẩm thương mại hóa có giá trị cao. Điều này các quốc gia ở nước ngoài làm rất tốt”- PGS Nam cho biết.

Các sản phẩm khoa học công nghệ trong trường ĐH muốn phát triển thành các sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo cần có liên kết "ba nhà". Ảnh: Hà Thế An.

Các sản phẩm khoa học công nghệ trong trường ĐH muốn phát triển thành các sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo cần có liên kết "ba nhà". Ảnh: Hà Thế An.

Nhằm tạo ra liên kết “ba nhà” ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM đã thành lập Viện khoa học và công nghệ tiên tiến liên ngành. Viện nghiên cứu này với mục tiêu tập trung nguồn lực trong trường ĐH giải quyết các bài toán lớn của cuộc sống như: ứng dụng cho thành phố thông minh, công nghệ trong cách mạng 4.0,…

Theo PGS Nam, Viện chuyên nghiên cứu và phát triển các công nghệ mang tính liên ngành, công nghệ mới (cloud, AI, sensor, big data,…) liên kết mật thiết với doanh nghiệp. Mới đây, ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM đã bắt tay thực hiện các dự án về cảnh báo ngập sử dụng công nghệ mới, hay hợp tác với UBND tỉnh Đồng Tháp xây dựng mô hình nông thôn thông minh nhằm phát triển mô hình “hội quán nông dân” hướng tới phát triển các sản phẩm xanh, sạch.

“Mối liên kết giữa Nhà nước – nhà trường – nhà doanh nghiệp chính là nền tảng quan trọng nhất để tạo ra nhiều sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường ĐH. Nhà nước có thể đầu tư tiền để nhà khoa học tìm ra tri thức (hướng nghiên cứu). Còn hiện nay, nhà khoa học cần phải biến tri thức thành tiền (hướng sáng tạo) để có thể tạo dựng được những giá trị thiết thực hơn trong môi trường ĐH”- PGS Nam chia sẻ.

Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, vấn đề lớn nhất để có được những sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường ĐH cần phải làm rõ là các giảng viên, thầy cô được lợi gì khi có những doanh nghiệp trong nhà trường. Môi trường ĐH khởi nghiệp sẽ có những lợi thế gì so với khởi nghiệp bên ngoài.

Trong khi đó,  GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho rằng, thành phố hiện nay đang thúc đẩy đề án thành phố thông minh, và ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM là một đơn vị hỗ trợ tư vấn không thể thiếu.

“Với vai trò của mình, chúng tôi sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho nhà trường thực hiện các chương trình kết nối với doanh nghiệp để phát triển các sản phẩm công nghệ phục vụ cho nhu cầu của thành phố, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa”- GS Phùng nói.

Gian hàng trưng bày sản phẩm chiếu sáng thông minh của công ty Điện Quang tại khu vực triển lãm bên lề Hội nghị khoa học và công nghệ ĐH Bách khoa TP.HCM. Ảnh: Hà Thế An.

Gian hàng trưng bày sản phẩm chiếu sáng thông minh của công ty Điện Quang tại khu vực triển lãm bên lề Hội nghị khoa học và công nghệ ĐH Bách khoa TP.HCM. Ảnh: Hà Thế An.

Trước đó, vào tháng 09 năm 2018, trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM và công ty bóng đèn Điện Quang đã ký kết hợp tác triển khai dự án “Phát triển công nghệ chế tạo hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh sử dụng đèn led”. Đây là dự án đầu tiên tại TP.HCM triển khai theo mô hình mới, với sự liên kết của 3 nhà: nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp. Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đứng ở vai trò nhà nước.

Theo đó, nhóm nghiên cứu Điện Quang và ĐH Bách Khoa đã thành công trong việc làm chủ công nghệ thiết kế chế tạo hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh sử dụng led chủ động trong việc cải tiến, nâng cấp hệ thống chiếu sáng TP.HCM, qua đó sửa chữa lắp đặt, không phải phụ thuộc vào thiết bị nhập giúp giảm giá thành để triển khai rộng sản phẩm cho thị trường.

Hội nghị khoa học và công nghệ, ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM là hoạt động định kỳ tổ chức 2 năm một lần. Hội nghị lần thứ 16 năm 2019 có 700 nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước và quốc tế gửi về, trong đó có 689 bài báo cáo được in trong kỷ yếu. Hội nghị được tổ chức có 73 phân ban, trong đó có 52 phân ban quốc tế. Chủ đề của hội nghị năm nay là "Xã hội xanh và thông minh".


Hà An


Xem thêm