Nhật ký innovation: Đầu tuyến chống dịch cúm


Bung ngồi ở quán cà phê gần nhà, thấy một cô gái trẻ, đeo khẩu trang, đang miệt mài ngồi… bán hàng online. Cô vừa trả lời tin nhắn, vừa soạn khẩu trang và nước rửa tay khô cho vô các túi nhỏ. Xe ôm giao hàng công nghệ dập dìu đến và đi liên tục. Bung nghĩ: Thiệt là nhanh nhạy, ra luôn quán cà phê ngồi bán để giao hàng cho nhanh, nhờ dịch cúm cũng kiếm được ít nhiều. Xong trong quán tự dưng phát nhạc Quang Dũng hát: Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?

MVIMG_20190808_153848 (1).jpg

Bung nhớ lại, mấy bữa đầu phát hiện dịch cúm, ngày nào cũng vô CNN với WHO coi thông tin cho… chắc ăn. Sau đó nhớ ra, mình quen biết cũng nhiều chuyên gia, nên chạy vô Facebook của họ cập nhật cho đỡ đánh vần tiếng Anh chuyên môn. Đâu có ngờ, hàng loạt bạn bè mình đã trở thành những người đứng đầu tuyến chống dịch cúm, bắt đầu bằng cung cấp thông tin và các hướng dẫn cần thiết nhất.

Đây là anh Hùng Đặng, một trong những người hỗ trợ khởi nghiệp… cần mẫn nhất mà Bung biết. Anh Hùng đi làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành dược ở Ba Lan, hình như… chưa xong, vì mải mê khởi nghiệp. Xong ảnh về nước, làm nhiều công ty dược khác nhau, rồi mở Bioscope – một công ty khởi nghiệp với sứ mệnh “đối mới sáng tạo trong chăm sóc sức khoẻ”. Công ty ăn nên làm ra lắm, xong ảnh lập ra cộng đồng khởi nghiệp Elite, rủ rê những bạn bè chuyên gia nhào vô hỗ trợ những startup còn… bơ vơ. Xong gần nhất, là ảnh làm CEO cho công ty nội thất 3D, một platform xịn xò kết nối các nhà thiết kế nội thất trẻ, đơn vị thi công và khách hàng. Nhưng mà vừa có thông tin dịch và bà con bắt đầu lo lắng, thì ảnh lập tức thấy mình có trách nhiệm, và là một trong những người chủ xướng thành lập ra “Cộng đồng y khoa chống coronavirus mới” trên Facebook, chỉ có vài ngày đã lên đến gần 6.000 thành viên với gần 1.000 bài viết mang tính thông tin và chuyên môn cao.

Bung thích cái cách mà anh Hùng cùng các chuyên gia là bác sĩ, giảng viên đại học và nhiều nhà nghiên cứu cập nhật không chỉ những diễn biến mới và còn là những hướng dẫn cách làm khẩu trang, làm nước rửa tay và đặc biệt là cùng nhau biên / phiên dịch các tài liệu từ các nguồn / các ngôn ngữ khác nhau. Quan điểm rõ ràng, cụ thể và đôi khi rất trực diện, chiến đấu “tay đôi” với tin giả. Bung nghĩ, bản thân mình và những người xung quanh mình thực sự được hưởng lợi từ những nỗ lực thông tin của cộng đồng này.

Một nhân vật khác trong cộng đồng khởi nghiệp cũng rất năng động là tiến sĩ Trần Ngọc Đăng, phó giám đốc trung tâm GIC của đại học Y Dược TP.HCM. Đăng có chuyên môn cao về y tế cộng đồng, và rất cẩn trọng trong mọi thông tin mà mình đưa ra nên Bung luôn ngồi… canh facebook của anh. Lại có một nghiên cứu sinh năm cuối ở mãi tận Israel là bạn Trương Thiên, vừa chính thức tham gia Israel Asia Leadership Fellow chuyên ngành hóa sinh. Israel vừa giới thiệu loại khẩu trang mới có thể diệt các loại siêu vi (virus), vi khuẩn, nấm độc ngay khi chúng tiếp xúc với khẩu trang, và đặc biệt là có thể tái sử dụng đến 100 lần, Thiên đã tìm cách liên hệ với nhóm nghiên cứu và hỏi thăm về cách mang khẩu trang này về Việt Nam để hỗ trợ chống dịch và… chống ô nhiễm môi trường vì khẩu trang dùng một lần.

Hình như ai trong cộng đồng khởi nghiệp cũng đang tìm cách tham gia vào câu chuyện chống dịch theo một cách sáng tạo và phù hợp với chuyên môn của mình nhất. Là các anh chàng chuyên ngành tính toán ngồi dựng các mô hình giả thuyết về thời gian kéo dài của dịch. Là các chuyên gia về chiến lược đưa ra những khuyến cáo về cách điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, sản xuất trong tình trạng dịch có thể kéo dài. Là những suy nghĩ về sản phẩm, dịch vụ có thể giúp ích cho đời sống như nước rửa tay cho trường học…

Cuối ngày, nhận được tin nhắn trong một nhóm riêng của cộng đồng các giám đốc công nghệ thông tin CIO Việt Nam, nói về hội thảo đầu năm mang tên “Những cơ hội trí tuệ nhân tạo trong kinh doanh”. Nhưng nói một hồi, thì lại xoay quanh chuyện của một thành viên David Ngô. Anh là chủ tịch của IPPLUS Corp, đang tham gia cùng các chuyên gia nước ngoài giúp bộ Y Tế  một số giải pháp chống corona virus từ giải pháp chuyển giao công nghệ liên quan đến vaccine và plasma lạnh…

Tự dưng nhớ lại một định nghĩa ngày xưa: khởi nghiệp là để giải quyết các vấn đề xã hội một cách sáng tạo hơn. Thấy vui vì được quen với những người đang thực sự nhận “gian khổ sẽ dành phần ai” về mình.

BUNG TRẦN


Xem thêm