Những vụ scandal lớn nhất giới kinh doanh trong năm 2020

   

Fortune đã điểm lại những vụ scandal lớn nhất giới kinh doanh trong năm 2020.

Business-Scandals-featured.jpg

Trong một năm bình thường, nhớ hết những vụ bê bối trong giới kinh doanh là việc chẳng có gì khó khăn với chúng ta. Tuy nhiên, 2020 là một năm đầy biến động do ảnh hưởng của đại dịch virus corona, khiến nhiều người trong chúng ta có thể bị sót vài sự kiện quan trọng. May mắn thay, các biên tập viên của Fortune đã ghi nhận lại 10 vụ bê bối kỳ lạ nhất, hấp dẫn nhất trong năm qua.

1. Startup xe tải điện Nikola bị tố lừa đảo

Vào tháng 9, startup xe tải điện Nikola và CEO Trevor Milton bị cho là đã đưa ra một loạt các trình bày sai về công nghệ của họ, trong đó có việc dàn dựng video quảng cáo một chiếc xe tải đang hoạt động (nhưng thực chất là họ cho nó tự lăn xuống một ngọn đồi dài). Do vụ bê bối này, CEO Trevor Milton buộc phải từ chức, còn cổ phiếu của Nikola hiện nay chỉ giao dịch ở mức gần 17 USD, giảm mạnh so với mức cao nhất hồi tháng 6 là 79,73 USD.

2. Sự sụp đổ của Wirecard

Câu chuyện của Wirecard được đánh giá một vụ bê bối "2 trong 1", khi công ty này sụp đổ vào tháng 6 khiến các nhà đầu tư mất hàng tỷ USD. Song song đó là sự thất bại của các cơ quan quản lý và kiểm toán trong việc phát hiện ra thảm họa đang rình rập, bất chấp những dấu hiệu cảnh báo trong nhiều năm. Cổ phiếu của Wirecard từng được giao dịch ở mức 191 euro (233 USD) giờ đây chỉ còn 0,43 euro (52 cent).

coffeee.jpg

3. Luckin Coffee ngụy tạo doanh thu

Được thành lập vào tháng 10/2017, chuỗi cà phê mới nổi này đã phát triển với tốc độ chóng mặt để vượt qua Starbucks trở thành hãng sản xuất cà phê lớn nhất Trung Quốc vào đầu năm nay. Tuy nhiên, sau đó không lâu, những gian lận về doanh thu của công ty này bị tiết lộ, khiến giá trị vốn hóa của họ bị "bốc hơi" đến 5 tỷ USD.

4. Lỗ hổng bảo mật của Twitter

Chiều ngày 15/7/2020, một loạt tài khoản Twitter nổi tiếng, bao gồm cả tài khoản của Elon Musk, Kim Kardashian và Barack Obama, dường như trở nên hơi kỳ lạ khi đăng lên một đoạn clip lừa đảo Bitcoin đơn giản. Twitter đã phải đóng tất cả các tweet của những tài khoản đã xác minh và hối hả truy tìm lỗ hổng bảo mật. Kết quả điều tra càng khiến người ta bất ngờ hơn: Qua điện thoại, một thiếu niên buồn chán ở Florida tên là Graham Ivan Clark và một số người bạn đã tìm cách lừa một nhân viên Twitter tiết lộ thông tin đăng nhập cần thiết để đặt lại mật khẩu tài khoản và địa chỉ email. Clark bị bắt vài tuần sau đó và đang chờ xét xử.

5. Tesla chống lại lệnh phong tỏa

Vào tháng 4, trong khi bang California đang cố gắng ngăn chặn đại dịch virus corona thì Tesla lại bất tuân bằng cách kêu gọi công nhân quay trở lại nhà máy ở Fremont (nhưng đã bị các quan chức quận Alameda ngăn lại kịp thời). Vài ngày sau, trong cuộc gọi thu nhập tháng 4, CEO Elon Musk lại gây sốc khi mô tả các lệnh phong tỏa của California là "phát xít", một hành động bị cho là thậm chí còn tồi tệ hơn cả việc 300.000 người Mỹ thiệt mạng vì đại dịch sau đó.

6. "Dưa chua" của McDonald’s

Cuối năm 2019, CEO của McDonald’s, Steve Easterbrook, đã bị sa thải vì chat sex với một cấp dưới mà công ty cho là "mối quan hệ đồng thuận". Kể từ đó, mọi thứ trở nên lộn xộn hơn rất nhiều. Vào tháng 8, McDonald’s đã đệ đơn kiện Easterbrook với cáo buộc rằng anh ta có quan hệ tình dục với ba nhân viên của McDonald’s vào năm trước khi bị sa thải và đã chấp thuận tặng cổ phiếu trị giá hàng trăm nghìn USD cho một trong những phụ nữ đó.

Công ty cũng tuyên bố rằng anh ta đã che giấu bằng chứng trong quá trình điều tra ban đầu, bằng cách xóa email khỏi điện thoại của anh ta. Với những tiết lộ mới bị cáo buộc này, McDonald’s lập luận rằng đó là nguyên nhân để sa thải Easterbrook và rằng anh ta nên trả lại tiền trợ cấp thôi việc. Còn Easterbrook thì phản đối vì cho rằng công ty đã biết về chuyện mình tặng cổ phiếu cũng như có thông tin về các mối quan hệ khác của anh ta khi họ thương lượng với anh về việc thôi việc.

7. Những gian lận liên quan tới PPP

Kế hoạch khổng lồ trị giá 670 tỷ USD mang tên Chương trình bảo vệ tiền lương (PPP) là chương trình cứu trợ lớn nhất dành cho doanh nghiệp nhỏ trong lịch sử Mỹ. Tuy nhiên, 9 tháng sau khi được ban hành, PPP nhanh chóng mang nhiều tai tiếng như lãng phí, không công bằng và gian lận mà các nhà phê bình cho rằng do quản lý yếu kém và sự thiếu minh bạch từ phía chính quyền ông Trump.

Về phần mình, chính quyền ông Trump chỉ ra những thành công của chương trình trong việc phân bổ hơn 520 tỷ USD cho khoảng 5,2 triệu doanh nghiệp Mỹ, cho phép nhiều người có việc làm và giữ người lao động trong biên chế của họ trong thời kỳ kinh tế khó khăn nghiêm trọng.

Trên thực tế, có rất nhiều bằng chứng cho thấy nhiều doanh nghiệp nhỏ — đặc biệt là những doanh nghiệp thuộc sở hữu thiểu số, bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch — đã không thể nhận được số tiền họ cần thông qua chương trình. Trong khi đó, những người nổi tiếng, giàu có và các chính trị gia có mối quan hệ tốt lại thấy quá thuận lợi để có được số tiền họ mong muốn.

8. Wells Fargo

Ngày 08/09/2016, truyền thông đưa tin ngân hàng này đã tạo hơn 2 triệu tài khoản giả mạo và sẽ phải nộp phạt 185 triệu USD. Sau đó, các ủy ban quốc hội đã tổ chức những cuộc điều trần, và CEO John Stumpf đột ngột nghỉ hưu.

Tháng 01/2020, Stumpf đã đồng ý trả khoản tiền phạt 17,5 triệu USD cho Văn phòng Kiểm soát tiền tệ vì vai trò của ông trong vụ bê bối. Tháng 02/2020, Wells Fargo đồng ý trả 3 tỷ USD để giải quyết các cuộc điều tra hình sự và dân sự liên bang về vụ bê bối trên.

Vào tháng 11, Stumpf đã đồng ý trả cho Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) một khoản tiền phạt 2,5 triệu USD. SEC cũng đưa ra cáo buộc chống lại Carrie L. Tolstedt, người lãnh đạo ngân hàng bán lẻ của Wells Fargo trong thời gian các tài khoản giả được tạo ra.

Và đó chỉ là những diễn biến chính của năm 2020. Trong thời gian từ 2016 đến 2020, vụ bê bối trở nên ngày càng lớn hơn chứ không hề giảm đi. Ngân hàng này bị phát hiện đã tạo 3,5 triệu tài khoản giả chứ không phải 2 triệu và đã tính phí bảo hiểm ô tô đối với hơn 800.000 khách hàng vay mua ô tô dù họ không cần hoặc thậm chí không biết đến khoản tiền này.

Tai hại nhất là vào năm 2018, Fed đã cấm Wells Fargo tăng tài sản của mình vượt quá mức của họ vào cuối năm 2017 - 1,95 nghìn tỷ USD - một biện pháp trừng phạt chưa từng có. Đó là lý do chính khiến Wells Fargo kém hiệu quả so với S&P 500 và các ngân hàng lớn khác như JPMorgan Chase, Bank of America, Citigroup kể từ khi vụ bê bối bắt đầu.

9. Nhân viên eBay tấn công người khác

Vào tháng 08/2019, Ina và David Steiner, những người sáng lập blog bán lẻ trực tuyến eCommerce Bytes, đã gặp phải sự quấy rối dưới nhiều hình thức: các món hàng mang tính đe dọa kỳ lạ được gửi đến nhà của họ như mặt nạ lợn dính đầy máu, nhện và gián sống, hình ảnh khiêu dâm và một cuốn sách về việc làm cho bạn đời đau buồn, một đơn đặt hàng pizza nhiều tiền nhưng giao vào đêm khuya và nhiều mẩu quảng cáo kì cục khác.

Vợ chồng Natick đã báo cáo sự việc cho cảnh sát. Một cuộc điều tra hình sự đã phát hiện ra là có sự thù địch từ eBay đối với các Ina và David Steiner, do hai người này đôi khi đã chỉ trích eBay trong các bài viết của họ.

Theo một bản khai tại FBI, vào tháng 04/2019 cựu giám đốc truyền thông của eBay là Steve Wymer đã đọc một bài viết của Ina Steiner trên eCommerce Bytes về mức lương của CEO eBay khi đó là Devin Wenig liền nhắn tin cho Wenig: "Chúng ta sẽ nghiền nát người phụ nữ này".

Wenig và Wymer rời công ty vào tháng 09/2019. Trong một tuyên bố, eBay cho biết "mặc dù Wenig không cho phép nhân viên tiến hành chiến dịch quấy rối, nhưng 'những lời lẽ không phù hợp' của ông liên quan đến blog là 'một trong những cân nhắc khiến ông rời công ty". Phóng viên Aaron Pressman đã có bài viết về vụ bê bối này trên Fortune vào đầu năm nay.

10. Carlos Ghosn

Carlos Ghosn rời Tokyo trên một chuyến tàu cao tốc vào ngày 29/12/2019 nhưng phải đến những ngày đầu tháng 01/2020, chi tiết đầy đủ về việc Ghosn trốn thoát khỏi cái mà ông gọi là "hệ thống công lý Nhật Bản đầy gian lận" mới bắt đầu xuất hiện trên báo chí. Cuộc trốn chạy của Ghosn được mô tả là "như một bộ phim Hollywood", vì ông được một cựu lính Mũ nồi xanh hỗ trợ trốn trong một chiếc hộp được thiết kế để vận chuyển thiết bị âm thanh nổi và được đưa lên một chiếc máy bay tư nhân đến Istanbul, sau đó được chuyển sang một chiếc máy bay nhỏ hơn đưa ông đến Beirut (nơi ông có nhà riêng và sẽ không bị dẫn độ sang Nhật Bản).