Số thương vụ đầu tư vào startup năm 2020 chỉ bằng 1/4 năm trước vì Covid-19
Năm 2019, số lượng các công ty nhận vốn đầu tư đa phần tập trung vào các startup lớn series B, C trị giá hàng trăm triệu USD. Năm nay các nhà đầu tư không thể bay đến Việt Nam, việc làm thẩm định (due diligence) sẽ khó hơn.
Trong những năm gần đây, hệ sinh thái Việt Nam đang ngày càng trở nên năng động và phát triển. Năm 2019, Việt Nam đứng thứ 3 Đông Nam Á về số lượng startup đang hoạt động, với hơn 3.000 startup từ đa dạng lĩnh vực. Đồng thời, tổng vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam xếp thứ 2 Đông Nam Á, lần đầu tiên vượt qua Singapore, và chỉ xếp sau Indonesia. Đặc biệt, thành công trong việc khống chế sớm đại dịch Covid-19 là động lực mạnh mẽ thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển. Việt Nam do đó càng trở thành điểm đến hấp dẫn cho các quỹ đầu tư trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn tại những rào cản lớn khiến nhiều nhà đầu tư còn ngần ngại tham gia thị trường Việt Nam như startup thiếu kiến thức bài bản về đầu tư, hay những rào cản về pháp lý cho quỹ đầu tư nước ngoài,...
Bên lề Techfest 2020, đại diện các quỹ đầu tư đã có dịp cùng chia sẻ về cơ hội cho các quỹ đầu tư mạo hiểm (Ventures Capital) tại Việt Nam hậu Covid-19.
Theo bà Chelsea Nguyễn, Giám đốc đầu tư của quỹ ThinkZone Ventures, thử thách mà các quỹ VC gặp phải trong năm 2020 chủ yếu đến từ việc tìm kiếm các cơ hội đầu tư. Các startup gặp nhiều vấn đề hơn do tác động của Covid-19. Vấn đề của các startup không chỉ là vốn, mà còn ở chiến lược làm sao để phát triển một cách bền vững chứ không phải chạy theo mô hình đốt tiền để tăng trưởng. Do đó việc tìm đến các VC phù hợp sẽ giúp hỗ trợ các startup trong giai đoạn có khăn này. Theo bà Chelsea, năm 2020 thách thức nhưng là cơ hội để startup và VC đồng hành cùng nhau.
Bà Chealsea Nguyễn cho biết năm 2020 mặc dù Covid-19 tác động mạnh đến hệ sinh thái khởi nghiệp, số lượng các thương vụ chốt deal thành công trong năm 2020 chỉ đạt 40 thương vụ, thấp hơn nhiều so với con số 123 của năm 2019, giá trị đầu tư cũng chỉ còn khoảng ¼ của năm 2019 (900 triệu USD), nhưng ThinkZone trong năm 2020 vẫn giải ngân đầu tư vào 5 công ty. Do giải ngân từ các vòng sớm (vòng seed), nên ThinkZone chỉ ngừng trong đợt Covid đầu tiên, sau đó vẫn đồng hành với các startup thông qua các chương trình hỗ trợ đào tạo. Năm nay ThinkZone đã chốt deal được với một startup trong lĩnh vực vận tải, sau khi Covid được kiểm soát thì lĩnh vực logistics hồi phục rất mạnh. Bà Chealsea cho rằng do Covid-19 các quỹ VC quốc tế không có điều kiện bay sang VIệt Nam để thẩm định thì các quỹ VC nội địa cần active hơn nữa.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc thị trường Việt Nam, quỹ CyberAgent Capital thì cho rằng Covid-19 mang lại nhiều cơ hội cho các startup phát triển các lĩnh vực mới. Trong khi đó, việc dịch chuyển của các VC ở nước ngoài gặp khó khăn, với các deal nhỏ các quỹ này có thể đóng deal từ xa (online) nhưng với các khoản đầu tư lớn thì việc đóng deal sẽ khiến các bên thận trọng hơn hoặc phải đợi đến khi nào di chuyển tận nơi, gặp trực tiếp ban điều hành của startup mới "xuống tiền". Do đó, Covid-19 khiến vòng quay về vốn trong thị trường khởi nghiệp chậm hơn rất nhiều. Vốn startup giai đoạn đầu được hỗ trợ bởi các VC có đại diện trong nước, nhưng giai đoạn muộn hơn các statup sẽ gặp khó khăn cho nguồn vốn để tăng trưởng. Theo ông Tuấn, một quỹ không thể hỗ trợ các startup từ đầu đến cuối được. Tuy nhiên, Covid-19 sẽ có tác dụng 2 chiều, có lẽ cơ hội luôn đi kèm cùng thách thức.
Ông Dennis Lê, giám đốc đầu tư quỹ Openspace Ventures cho biết năm 2020 việc giải ngân vào các startup sẽ chậm hơn. Năm 2019, số lượng các công ty nhận vốn đầu tư đa phần tập trung vào các startup lớn series B, C trị giá hàng trăm triệu USD. Năm nay các nhà đầu tư không thể bay đến Việt Nam, việc làm thẩm định (due diligence) sẽ khó hơn. Trong khi đó, giải ngân hàng trăm triệu USD không thể làm qua loa hoặc qua facetime, đòi hỏi nhà đầu tư phải đi trực tiếp xuống thị trường, đánh giá công nghệ ra sao, ban quản trị như thế nào, hệ thống nhà kho…do đó việc đóng deal năm 2020 chắc chắn bị ảnh hưởng. Ông Denis LE chia sẻ với trường hợp quỹ Openspace, do đã có nhiều deal chuẩn bị từ trước nên khả năng sẽ có một số thương vụ đóng deal vào nửa đầu năm 2021.
Ông Trần Anh Tùng, Giám đốc quỹ VIC Partners cho biết nửa đầu năm 2020 VIC không đóng được deal nào, mà dồn sự chú ý cho các công ty trong danh mục để củng cố các startup trong giai đoạn khó khăn thay vì tìm kiếm đầu tư mới. Ông Tùng tiết lộ, hiện nay VIC Partners đang đầu tư 9 công ty tại Việt Nam. Quan điểm đầu tư của quỹ là các startup phải cân bằng giữa tăng trưởng và lợi nhuận, do đó, mặc dù Covid-19 đi qua càn quét rất nhiều startup trong năm qua nhưng hiện các công ty trong danh mục của quỹ vẫn trụ vững: có 4 công ty đạt điểm hoà vốn, 1-2 công ty tiệm cận được điểm hoà vốn và cần bơm tiền dưới 10.000 USD/tháng. "Họ vẫn chống chọi được với khó khăn, VIC tin tưởng vào những con người như vậy nên mình vẫn sẵn sàng đầu tư tiếp và giúp họ vượt qua giai đoạn này, VIC có chưa deal nào giải thể cả", ông Tùng chia sẻ.
Theo ông Tùng, bản thân các quỹ mạo hiểm khi đầu tư cũng luôn tìm kiếm người đồng hành mới, khi giải ngân vào một startup ở giai đoạn sớm thì cố gắng "nuôi" startup được 18-20 tháng để tìm các nhà đầu tư lớn hơn. Trong giai đoạn Covid, đối với các công ty tập trung vào tăng trưởng và cần "đốt tiền" để tăng trưởng thì các nhà đầu tư trong nước phải "cầm cự" để chờ nhà đầu tư nước ngoài thì không phải công ty nào các VC trong nước cũng có thể "nuôi" được. Ông Tùng cho rằng, năm 2020 chắc chắn dòng vốn đầu tư vào startup sẽ nhỏ đi rất nhiều nhưng sẽ treo sang năm 2021, nhiều startup hẹn các nhà đầu tư "sang năm nói chuyện tiếp". Ông Tùng cũng chỉ ra một số startup nhận được vốn đầu tư đáng kể như Siêu Việt Group nhận đầu tư 34 triệu USD từ Affirma Capital, Công ty cổ phần Công nghệ Sapo vừa hoàn tất vòng gọi vốn trên 1 triệu USD từ Quỹ Smilegate Investment (Hàn Quốc) và Quỹ Teko Ventures, OnPoint gọi vốn thành công 8 triệu USD tại vòng series A từ Kiwoom - quỹ đầu tư tư nhân và đầu tư mạo hiểm thuộc Kiwoom Securities, một trong những tập đoàn tài chính lớn nhất Hàn Quốc, và Daiwa - SSIAM Vietnam Growth Fund II LP….
Ông Tùng cho rằng, một vấn đề của các startup đó là định giá công ty quá cao, có startup gọi vốn giá trị công ty 1-2 triệu USD nhưng không dựa trên yếu tố gì, do đó Covid-19 là lúc các startup phải thay đổi, bản thân VIC cũng hưởng lợi ít nhiều từ các tác động do Covid-19 ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Câu chuyện gọi vốn là một kế hoạch dài hạn, và các startup cần chọn VC phù hợp với con đường phát triển của mình.