Người dân được hưởng gì khi TPHCM trở thành đô thị thông minh?

Chiều 26 -11, UBND TPHCM đã tổ chức Hội nghị công bố Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025” hướng đến 4 mục tiêu lớn:

Đảm bảo mức độ tăng trưởng kinh tế bềnh vững, hướng đến kinh tế trí thức, kinh tế số; Quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo; Nâng cao chất lượng môi trường số và làm việc; Tăng cường sự tham gia quản lý của người dân, tổ chức.  

Người dân chấm điểm hài lòng tại UBND quận 1. Ảnh: VIỆT  DŨNG

Người dân chấm điểm hài lòng tại UBND quận 1. Ảnh: VIỆT  DŨNG

Chiều 26-11, UBND TPHCM đã tổ chức Hội nghị công bố Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”. 

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị còn có Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cùng đại diện các quận huyện, sở ngành, các đối tác quốc tế, tập đoàn VNPT, Viettel.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, Phó Ban Điều hành Đề án, phát biểu khái quát về Đề án: "Đô thị thông minh" (ĐTTM) phục vụ 4 chủ thể của đô thị:

Thứ nhất, đối với chính quyền thành phố, ĐTTM sẽ đáp ứng nhu cầu dự báo phát triển chính xác hơn, và thông qua xây dựng chính quyền điện tử, kết nối chia sẻ thông tin dữ liệu nhằm gia tăng hiệu quả điều hành trên các mặt và lĩnh vực hoạt động.

Thứ hai, đối với người dân, ĐTTM giúp cung cấp các tiện ích hỗ trợ người dân ra quyết định một cách hiệu quả hơn, tăng cường sự tương tác giữa chính quyền và người dân để người dân tham gia quá trình giám sát, quản lý và xây dựng thành phố.

Thứ ba, với doanh nghiệp, ĐTTM sẽ kiến tạo môi trường hoạt động minh bạch, đơn giản, thuận tiện để doanh nghiệp hoạt động; cung cấp nhiều thông tin để doanh nghiệp có những quyết định kinh doanh chính xác, thông qua đó tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp so với các khu vực khác.

Cuối cùng, đối với các tổ chức xã hội, ĐTTM tạo ra kênh kết nối phản hồi thông tin để giúp họ tham gia một cách hiệu quả hơn vào quá trình cung cấp các dịch vụ của thành phố.

Chủ trì hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phát biểu: “Hôm nay, chúng ta công bố Đề án, công bố sau khi Quốc Hội có Nghị quyết 54 - Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Khi chưa có cơ chế đặc thù đã chủ động rồi, nên khi có cơ chế đặc thù thì hiệu quả phải cao hơn. Việc công bố Đề án đã thể hiện sự chủ động, quyết tâm của Thành phố nhằm đạt hiệu quả cao nhất".

dothithongminh7_xhbl.jpg

Bí thư Thành ủy TP nhấn mạnh: ĐTTM chính là cách giải quyết vấn đề đô thị và việc TPHCM trở thành ĐTTM sẽ giúp giải quyết các vấn đề bức thiết trong phát triển. Ngoài ra, thông qua ĐTTM, người dân, tổ chức sẽ phát huy tối đa năng lực của mình, là chủ thể sáng tạo, đồng thời người dân sẽ giám sát thực hiện, xã hội phát triển có kiểm soát.

Đặt vấn đề bao giờ hết kẹt xe và ngập nước, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, nếu chúng ta có số liệu, dữ liệu và các phần mềm hiện đại để thu thập, phân tích thì sẽ dự báo được.

Do vậy, mục tiêu quan trọng nhất của Đề án là phát triển kinh tế bền vững, trong đó phải dự báo được khó khăn, đưa ra giải pháp phòng ngừa và liên kết tốt; phải làm sao kết hợp các nguồn lực để đạt hiệu quả cao hơn trong khi từng nguồn lực không thay đổi; tạo môi trường sống tốt cho người dân trong các vấn đề như hạ tầng, chất lượng không khí, dịch vụ y tế…

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, Trưởng Ban điều hành Đề án, cho biết: "Việc xây dựng TPHCM trở thành ĐTTM được xem như một đòn bẩy để Thành phố tăng trưởng vượt bậc so với phương pháp tăng trưởng truyền thống - chủ yếu dựa vào vốn và lao động. Đây còn được kỳ vọng như một làn gió mới để thu hút đầu tư, tạo ra những giá trị gia tăng cho nền kinh tế".

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM cũng phát biểu: "Ngay sau hội nghị, Ban Điều hành Đề án sẽ cụ thể kế hoạch từng năm để tổ chức thực hiện; tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân, xã hội nắm rõ mục đích, ý nghĩa của Đề án; đẩy mạnh huy động các nguồn lực ngoài ngân sách, khuyến khích doanh nghiệp phát triển công nghiệp vi mạch; tăng cường đầu tư và phát triển thị trường cho thuê các dịch vụ công nghệ thông tin; từng cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các giải pháp ứng dụng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực, địa bàn phụ trách". 

9 tiện ích người dân được hưởng khi thực hiện thành công Đề án

  • Đảm bảo một môi trường sống thoải mái, tích cực, lành mạnh và an toàn
  • Sử dụng năng lượng với chi phí thấp
  • Hệ thống giao thông công cộng tiện lợi
  • Giảm thiểu tác động của ngập nước
  • Dịch vụ y tế tốt hơn
  • An tâm khi sử dụng thực phẩm
  • Học sinh có thể học tại các trường học đạt chất lượng tốt
  • Không khí trong lành, nguồn nước sạch
  • Tỷ lệ tội phạm thấp
  • Ngoài ra, các lĩnh vực như chính quyển điện tử; chỉnh trang và phát triển đô thị; chống ngập... cũng được đặt ra thành từng hạng mục cụ thể.

Bá Tân - SGGP