Khởi nghiệp có nên sợ bị copy?
Các công ty khởi nghiệp với nỗi lo sợ bị “đánh cắp ý tưởng” dường như khá thường trực. Liệu đây đâu là là thành trì bảo vệ sự trường tồn của công ty?
Những bạn thân với mình chắc biết mình là fan cuồng của phở Hoà Pasteur. Đi đâu về VN chắc bạn bè tính sau, chứ chị bán phở Hoà là phải đi gặp trước. Truyền thuyết kể rằng phở Hoà (và nhiều quán ăn ngon khác) có bí kíp gia truyền trong phần pha chế nước lèo. Và không chỉ những doanh nghiệp nhỏ như phở Hoà, tương truyền rằng Coca Cola cũng có một công thức tương tự, cho dù sản xuất cả tỷ sản phẩm ra thế giới, bí quyết này phải là bí mật. Các công ty khởi nghiệp cũng vậy, nỗi lo sợ bị “đánh cắp ý tưởng” dường như khá thường trực. Liệu đây có phải là thành trì bảo vệ sự trường tồn của công ty?
Ý tưởng sáng tạo
Ai đã từng nhúng tay biến ý tưởng thành sản phẩm, biến sản phẩm thành một công ty thành công, một ngày nhìn lại sẽ hiểu giá trị của ý tưởng thật ra không nhiều. Sự sáng tạo không chỉ nằm ở ý tưởng. Sự sáng tạo nằm ở hành động biến ý tưởng đó thành hiện thực.
Người đưa ra ý tưởng (hoặc tình cờ có được ý tưởng từ ai đó), chưa chắc là người có niềm tin cao độ, sẵn sàng lao động nghiêm túc vì ý tưởng đó, có khả năng tập hợp một tập thể cùng vận dụng năng lực của từng người để đưa ra sản phẩm cuối cùng. Vậy nên đừng sợ bị đánh cắp ý tưởng, mà hãy tập trung sức lực để đưa ý tưởng thành hiện thực. Hành động là lợi thế.
Chuỗi sáng tạo
Khi Misfit đưa ra thị trường sản phẩm Shine tập trung vào tính thẩm mỹ, lúc đó các sản phẩm đối thủ chủ yếu chỉ bằng nhựa giống những sản phẩm sức khoẻ/ thể thao thông thường. Chừng vài tháng sau, có ít nhất 20 sản phẩm “nhái” kiểu dáng y như Misfit đến từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, Trung Quốc lại là thị trường lớn thứ 2 trên thế giới của Misfit. Tại sao vậy?
Đó là vì các “sản phẩm nhái” không thể tích hợp vào phần mềm của Misfit trên App Store. Sự sáng tạo về thiết kế/ phần cứng còn được bảo vệ bởi sự sáng tạo trong sản phẩm phần mềm, vốn phải mất ít nhất 1 năm và 1 lượng tiền đầu tư kha khá mới có thể đuổi kịp. 1 năm sau đó, khi các công ty đối thủ cập nhật thiết kế của họ, Misfit đã bước ra khỏi lĩnh vực wearables, xây dựng xong các sản phẩm khác trong hệ sinh thái IoT,…
Vậy nên, trong kỷ nguyên công nghệ này, không một công ty nào có thể được bảo vệ chỉ bằng một ý tưởng sáng tạo. Sáng tạo không thể chỉ là một điểm sáng, mà phải là một nguồn sáng tiếp nối không ngừng, trải dài trong nhiều lĩnh vực, từ công nghệ đến thương mại, từ vận hành đến tài chính, từ trong nước đến quốc tế,… bởi vì Tốc độ là lợi thế.
Thành trì sáng tạo
Việt Nam bắt đầu biết đến khái niệm hàng không giá rẻ khoảng 10 năm trở lại đây, nhưng người đầu tiên khởi xướng cho khái niệm này là Herbert Kelleher thành lập Southwest Airlines tại Mỹ từ năm 1967. Herb giải quyết hàng loạt các vấn đề vận hành trong ngành hàng không để hạ chi phí các chuyến bay mà không ảnh hưởng đến chất lượng của dịch vụ (ví dụ: tần suất sử dụng máy bay hiệu quả, quay đầu trong vòng 10 phút, sử dụng 1 loại máy bay để tăng hiệu quả quản lý, bỏ phục vụ bữa ăn vv…).
Chuỗi sáng tạo này diễn ra trong vòng nhiều năm, và điều đáng ngạc nhiên là mặc dù cố gắng, các công ty hàng không khác, vốn dĩ có nguồn lực lớn hơn, vẫn không thể “copy” Southwest Airlines. Tại sao vậy? Đó là vì qua thời gian, những chuỗi sáng tạo này được xây dựng chồng chéo lên nhau, sáng tạo này chỉ có thể thực hiện nếu có các sáng tạo khác,… và lâu dần, nó tạo thành một cách làm việc, cách tư duy, một văn hoá mới.
Các hãng hàng không lâu đời có thể copy các chính sách, chứ không thể copy “văn hoá” của một công ty sống còn bằng sự đổi mới, bằng tính sáng tạo. Ở đây, văn hoá là lợi thế, được xây dựng trên “thành trì sáng tạo” (“innovation stack”).
Quay trở lại với Coca-Cola, phải chăng công thức sản phẩm là bí mật giữ gìn sự thành công hơn 100 năm nay? Có lẽ không phải vậy. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh người dùng không thực sự phân biệt được Coca-Cola và các sản phẩm khác, hoặc còn yêu thích hương vị sản phẩm khác hơn Coca-Cola.
Thành trì sáng tạo của họ nằm trong giá trị thương hiệu vô cùng to lớn xây dựng qua nhiều chiến dịch thành công, là hệ thống đóng chai trên toàn cầu, là nền tảng phân phối trải rộng, là các đối tác chiến lược như World Cup, Olympics, và Mc Donald’s… Hãy thử điểm lại các công ty thành công khác, tất cả đều xây dựng những thành trì sáng tạo, đem lại những đóng góp dài lâu cho con người.
Vậy các công ty khởi nghiệp có nên sợ bị copy? Câu trả lời là “không”. Vậy các công ty khởi nghiệp có nên copy không? Câu trả lời là: “tại sao không?”.
Đó là vì, trừ khi được bảo vệ bằng quyền sở hữu trí tuệ, những thông tin, kiến thức, thậm chí là ý tưởng, đều chắc chắn sẽ bị copy. Vậy nên, thay vì lo sợ bị copy, các bạn hãy tập trung vào sự sáng tạo. Chỉ có sự sáng tạo không ngừng, không phải để khác người, mà để giải quyết các vấn đề một cách bản lĩnh nhất, xuất sắc nhất, mới là cách phát triển đột phá nhất, bền vững nhất.
Bài viết này hoàn toàn được “copy” từ một cuốn sách rất hay của một người bạn - “The Innovation Stack: Building an Unbeatable Business One Crazy Idea at a Time” của Jim McKelvey, Founder của Square. Square thành lập năm 2013 (cùng khoảng thời gian Misfit thành lập), và sau một thập kỷ, giá trị của Square đã lên gần 100 tỷ USD, (gần 1/2 giá trị của Coca Cola). Các bạn hãy tìm đọc nhé. Nếu đủ fan hâm mộ, mình hứa sẽ tìm một dịp đặc biệt đem Jim về VN giao lưu chia sẻ với cộng đồng khởi nghiệp nhà mình, vốn vẫn loay hoay với chữ “Innovation”.
Xem thêm