Chatbot - Công cụ tiếp thị của tương lai (phần 1)
Dù ra đời không lâu, những nền tảng tương tác trò chuyện (chatbot) đang dần chứng tỏ hiệu quả của mình trong lĩnh vực tiếp thị bằng những thuận lợi thiết thực.
Nhiều khả năng trong tương lai, người tiêu dùng chỉ cần vài cuộc đối thoại với máy móc vẫn có thể thỏa mãn nhu cầu mua sắm và tìm hiểu hàng hóa cũng như dịch vụ.
Sự lên ngôi của ‘Chat’
Lĩnh vực tiếp thị đã và đang trải qua nhiều lần thay đổi phương thức quảng bá sản phẩm. Những năm 2000 là thời kì của Tiếp thị và Tối Ưu hóa Máy Tìm kiếm (Search Engine Marketing and Optimization, viết tắt là SEM và SEO) với những trang web tìm kiếm nổi bật như Google hay Yahoo.
Tiếp đó là sự xuất hiện của Facebook và trào lưu tiếp thị qua mạng xã hội ở những năm đầu của thập niên hiện tại. Mới đây, chúng ta lại chứng kiến xu hướng tiếp thị qua thiết bị di động phát triển để rồi chững lại khi người dùng không còn tải xuống ứng dụng mới nữa.
Giờ đây, cờ đã đến tay phương thức nhắn tin (messaging). Hành vi người dùng, vốn trước đây không lâu vẫn ứng với các trang mạng xã hội, nay đã chuyển sang phương thức nhắn tin như dịch vụ tin nhắn ngắn (SMS), hay các ứng dụng như Facebook Messenger, Apple iMessage, Slack, và WeChat, từ đó mức độ phổ biến của phương thức này cũng tăng lên.
Theo một thống kê mới đây, lượng người dùng hàng tháng của 4 ứng dụng nhắn tin lớn nhất đã nhiều hơn lượng người dùng hàng tháng của 4 trang mạng xã hội lớn nhất, và mức độ chênh lệch giữa hai hình thức này có xu hướng tăng.
Ở một chiều hướng khác, các doanh nghiệp luôn cố gắng tìm ra và sử dụng những kênh tiếp thị mới. Khi đó, các doanh nghiệp có cơ hội tốt để thử nghiệm những khuôn mẫu quảng cáo độc và kết nối với khách hàng theo những cách chưa từng có.
Không chỉ vậy, chính các doanh nghiệp sẽ có ít đối thủ cạnh tranh hơn, ít phải đau đầu cho vấn đề quảng bá hơn, và quan trọng nhất là có khả năng thu về lợi nhuận từ đầu tư quảng cáo nhiều hơn.
Với tình hình đó, đã và đang có nhiều công ty nắm bắt cơ hội từ phương thức nhắn tin đang rất phổ biến hiện nay. Chính xu hướng này đã khiến cho các nền tảng tương tác trò chuyện (chatbot) nổi lên thành sản phẩm công nghệ đặc biệt chú ý ở thời điểm hiện tại.
Trước khi điểm qua những thuận lợi mà các nền tảng tương tác trò chuyện mang lại, chúng ta hãy cùng tìm hiểu bản chất của các nền tảng này là gì.
Về cơ bản, các nền tảng này đều là những chương trình máy tính thực hiện đối thoại với con người thông qua giao diện người dùng dạng ứng dụng tin nhắn có dung lượng thấp, quy luật dựa trên ngôn ngữ, hoặc trí thông minh nhân tạo.
Thêm vào đó, các nền tảng này sử dụng ngôn ngữ tự nhiên ở dạng giọng nói hoặc văn bản để giao tiếp với người dùng, thay vì sử dụng các trang web hay giao diện người dùng ứng dụng như trước đây.
Hiện tại, với mục đích trực tiếp trò chuyện với khách hàng, có rất nhiều công ty đã và đang phát triển nền tảng tương tác trên các ứng dụng nhắn tin như Slack, Amazon Echo, Facebook Messenger, Kik, và cả dịch vụ tin nhắn SMS.
Một số ví dụ cho xu hướng này bao gồm hãng thời trang bán lẻ H&M với chatbot gợi ý trang phục, tập đoàn mỹ phẩm Sephora với chatbot tư vấn mẹo làm đẹp, chuỗi nhà hàng pizza Domino’s và hãng bán lẻ hoa 1-800-Flowers với chatbot đặt hàng trực tiếp,...
Không dừng lại ở đó, xu hướng này ngày càng trở nên phổ biến vì chatbot có những thế mạnh vượt trội so với các hình thức kết nối truyền thống khác, như Kết nối khách hàng trực quan quan hơn, tăng cường khả năng cá nhân hóa khách hàng hay thu thập được thêm thông tin quan điểm riêng của người dùng.
Quốc Huy (Theo Thinkgrowth)