Năng lượng mặt trời không còn là cuộc chơi của "nhà giàu"
Chi phí đầu tư cho hệ thống năng lượng mặt trời hiện nay đã giảm chỉ còn 20%-30% so với hơn 10 năm trước, tại sao chúng ta không đầu tư cho điện mặt trời?
Đó là chia sẻ của GS.TS Lê Chí Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Viện nghiên cứu năng lượng bền vững - ĐH Quốc gia TP.HCM, khi nói về thực trạng phát triển điện mặt trời hiện nay ở Việt Nam.
GS Hiệp cho rằng, thế giới đang phải đối mặt với vấn đề cạn kiệt các nguồn năng lượng hóa thạch. Thêm vào đó, việc phát triển các nguồn năng lượng truyền thống như thủy điện, nhiệt điện tại Việt Nam cũng đang phải đối mặt với các vấn đề về môi trường, xã hội thì điện mặt trời. Trong khi điện gió, điện mặt trời vẫn được xem là nguồn năng lượng của tương lai.
Mới đây, theo số liệu thống kê của EVN, tại Việt Nam hiện chỉ có khoảng 30 dự án về điện mặt trời. Đây là một con số cực kỳ khiêm tốn so với tiềm năng rất lớn về năng lượng mặt trời ở nước ta.
Chính sách về giá chưa hấp dẫn
Tại Việt Nam có nhiều lợi thế về bức xạ ánh nắng, không gian… để phát triển điện mặt trời. Tuy nhiên, nó lại trái ngược với các số liệu nêu trên, điện mặt trời ở nước ta vẫn chưa thực sự phát triển như kỳ vọng?
Tại Việt Nam từ năm 1990 đến nay, điện mặt trời đã bắt đầu phục vụ cho đời sống, sản xuất. Từ đó, điện mặt trời bắt đầu có sự phát triển rõ rệt. Điều này thể hiện qua sự quan tâm của các giới chuyên gia, nhà khoa học về lĩnh vực này. Nhiều hội thảo về năng lượng tái tạo trong đó có năng lượng mặt trời được tổ chức. Trong đào tạo cũng có đưa thêm các môn học có liên quan như môn năng lượng mặt trời.
Trong đời sống, từ những năm 1999 trở về sau, những công ty về nước nóng mặt trời, những công trình lắp đặt rất nhiều tại các hộ gia đình, doanh nghiệp. Riêng tại ĐH Bách khoa TP.HCM trong 2 đến 3 năm trở lại đây đã lắp đặt nhiều tấm pin mặt trời.
Mặc dù đã có sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp nhưng so với các nước lân cận thì tỉ trọng về điện mặt trời so với các nguồn năng lượng hóa thạch của nước ta vẫn còn rất khiêm tốn.
Để tăng tỉ trọng điện mặt trời, mới đây Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã đưa ra chính sách thu mua lượng điện nối lưới của người dân, doanh nghiệp không sử dụng hết với giá hơn 2000 đồng/1 kWh. Liệu chính sách này có đủ mạnh để kích thích doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào điện mặt trời?
Vấn đề cốt lõi trong việc phát triển điện mặt trời hay các nguồn năng lượng tái tạo khác chính là quan hệ lợi ích kinh tế chứ hoàn toàn không phải vấn đề kỹ thuật. Vì thế Nhà nước phải tạo ra một thị trường thông thoáng, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp thì điện mặt trời sẽ trở nên phổ biến.
Nhà đầu tư bỏ vốn phát triển công trình về năng lượng mặt trời đặt mục tiêu lợi nhuận. Với chính sách giá hơn 2000 đồng/1kWh điện theo tôi là chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư. Tôi có tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Họ rất quan tâm đến chính sách về giá nhưng vẫn ở trạng thái đắn đo, chứ không phải là hấp dẫn.
Ngoài vấn đề về giá, nhà nước cần có những chính sách khác như thuế, mặt bằng, trang thiết bị…để hấp dẫn nhà đầu tư.
Cụ thể, khi các doanh nghiệp đầu tư về điện mặt trời, nhà nước cần có những chính sách ưu đãi về đất đai, giải phóng để lắp đặt pin mặt trời. Nhà nước cũng nên có những chính sách miễn giảm thuế nhập khẩu trang thiết bị…
Làm thế nào để người dân thấy được cái lợi khi đầu tư vào điện mặt trời
So với các nguồn năng lượng khác như thủy điện, nhiệt điện, điện gió, năng lượng sinh khối…, năng lượng mặt trời có phải là giải pháp khả thi nhất ở Việt Nam trong các loại năng lượng hiện nay?
Như chúng ta đã biết, nhiệt điện dù phát triển công nghệ tốt đến mấy đi chăng nữa cũng kéo theo các hệ lụy về môi trường. Với thủy điện phải giảm bớt khai thác vì là con dao hai lưỡi. Mùa khô thủy điện thiếu nước, nhưng đến mùa lũ lại dư nước và xả lũ gây ảnh hưởng rất lớn đến người dân sống xung quanh khu vực.
Năng lượng sinh khối rất đang khuyến khích, nhưng khi các máy sản xuất ethanol đóng cửa vì vấn đề cung cầu không ăn khớp, sản phẩm sản xuất ra không biết bán cho ai, giá cả thế nào.
Hai nguồn năng lượng mặt trời và gió có nhiều điều kiện thuận lợi để khai thác tại Việt Nam. Tuy nhiên, điện mặt trời ở Việt Nam hiện nay quy mô đầu tư còn ở dạng nhỏ lẻ. Chúng ta thiếu các trạm phát điện quy mô lớn. Những dự án như vậy chưa nhiều.
Một trong những nguyên nhân phổ biến hiện nay là vấn đề về chi phí khi đầu tư điện mặt trời là khá cao. Liệu đây có phải là lý do chính khiến người dân, doanh nghiệp không mặn mà với điện mặt trời?
Lý do này là trước kia thôi. Bản thân tôi cách đây 10 năm cũng có ý định lắp đặt pin mặt trời. Nhưng thời điểm đó chi phí cao quá. Biết là sử dụng năng lượng mặt trời có nhiều lợi ích cả về kinh tế và môi trường nhưng bỏ ra chi phí lớn như vậy thì khó lòng mà thực hiện.
Nhưng bây giờ thì mọi chuyện đã khác. Vài năm trở lại đây, giá lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời đã rẻ hơn nhiều lần. Nói dễ hiểu, trước kia lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời tốn 10 đồng thì bây giờ chỉ còn 2 đến 3 đồng. Hay nói cách khác chi phí thấp hơn từ 20% - 30%. Mặt khác, hiện nay các công ty chuyên mua bán, lắp đặt sản phẩm điệm mặt trời rất nhiều, người dân hoàn toàn có thể dễ dàng tìm kiếm và lắp đặt.
Vấn đề ở đây là làm thế nào đó để người dân thấy được cái lợi họ có được khi đầu tư vào điện mặt trời. Quan trọng nhất là vấn đề đầu ra của điện mặt trời. Việc nối lưới dễ dàng, các thủ tục mua bán điện được công khai, minh bạch và nhanh chóng thì tôi nghĩ người dân sẽ đầu tư.
Tại TP.HCM là đô thị lớn, phù hợp với việc phát triển điện mặt trời trong các tòa nhà cao tầng, hộ gia đình… Vậy TP.HCM nên có hướng đi như thế nào để phát triển điện mặt trời trong đô thị?
Với TP.HCM để phát triển điện mặt trời với quy mô lớn thì khó khả thi vì muốn làm được điều này cần không gian, diện tích lớn mà thành phố thì thiếu điều kiện này. Vì thế, TP.HCM sẽ phát triển điện mặt trời trên mái nhà, các tòa nhà. Đây là yêu cầu số một để tăng tỉ trọng điện mặt trời tại TP.HCM.
Mặt khác, chúng ta cần thay đổi công nghệ để tiết kiệm năng lượng. Hiện nay, các doanh nghiệp, người dân sử dụng công nghệ tiêu tốn điện năng. Vì thế, cần thay đổi công nghệ mới, ít tiêu tốn năng lượng hơn.
Người dân vẫn giữ tư duy cũ vì cho rằng giá điện hiện tại vẫn đang rẻ. Điều này khiến họ không có động lực chuyển đổi công nghệ mới phù hợp với nhu cầu tiết kiệm. Từ đó, việc sử dụng hiệu qủa năng lượng bị chậm lại, tốc độ phát triển năng lượng tái tạo cũng sẽ chậm.
Xin cảm ơn giáo sư về cuộc trao đổi này!
Hà Thế An - Báo Khám phá