Liệu người ta có thực sự quan tâm tới nội dung trên mạng xã hội?
Binky là một ứng dụng mạng xã hội mà có đầy đủ những chức năng mà các mạng xã hội thông thường khác đều có. Nó có nút thích, khung bình luận, có thể cuộn vô tận để xem bài viết, giống như Facebook, Twitter, Instagram hay Snapchat.
Màn hình chính của nó là những bài viết và hình ảnh về con người, thức ăn, những đồ vật linh tinh rồi nhanh chóng biến mất khỏi màn hình khi cuộn tiếp những nội dung khác.
Người dùng có thể bấm Thích bài viết bằng cách nhấp vào một ngôi sao, hay vuốt qua trái phải như kiểu của Tinder.
Nhưng nó có một điểm độc đáo: là những nội dung trên đó đều không phải sự thật. Binky là một mạng xã hội giả mạo với những người dùng không có thật, nơi những nội dung hư cấu được tạo dựng nên rồi nhanh chóng biến mất.
Và nó là chính xác những gì người dùng điện thoại thông minh muốn, và thậm chí họ cần nó.
Thật kỳ lạ khi những nội dung giả mạo lại có thể tồn tại. Còn nhớ khi Bill Gates tuyên bố “Content is King,” ông mong muốn những nhà sáng tạo nội dung số sẽ kiếm được nhiều tiền hơn những nhà sản xuất hạ tầng.
Gates cho rằng truyền hình là một nền tảng đi trước để mở ra nhiều ngành công nghiệp, nhưng những người tạo ra nội dung mới chiến thắng lâu dài trên mặt trận truyền hình.
Ông Gates đã nói đúng, nhưng cũng có chỗ sai. Nội dung, từ thương mại điện tử đến phương tiện truyền thông xã hội, đã thu được lợi nhuận khổng lồ trong hai thập kỷ sau đó.
Nhưng dần dần những thiết bị mới là thứ đem lại sự giàu có, ví dụ dễ thấy nhất là Apple.
Với sự tăng trưởng mạnh của Facebook, Google, Uber, Microsoft hay Amazon, nội dung sau tất cả cũng chỉ là một loại ý tưởng đứng chung hàng với máy móc, dịch vụ, phương tiện. Hiệu quả của công nghệ đối với cuộc sống thường nhật luôn quan trọng hơn so với những những nội dung trong ý tưởng đem lại.
Sự ảnh hưởng của điện thoại thông minh đã và đang phát triển mạnh, cũng như thay đổi theo chiều hướng khác. Khi chiếc iPhone đầu tiên ra mắt, tôi đã ví von nó như một chú cún bằng kính, người dùng có thể giữ nó bên mình như một con thú nuôi bằng kính và đầy vi mạch.
Nhưng chỉ vài năm sau đó, khi các ứng dụng và phương tiện truyền thông phát triển, khiến điện thoại thông minh trở nên thứ bắt buộc, nên tôi đã ví von nó như một loại thuốc nghiện của thế kỷ này.
Nhưng thật không lấy làm vui vẻ khi cách thức sử dụng phương tiện này của chúng ta đã bị lệch đi so với ý nghĩa ban đầu của nó, đó là khi xét về khía cạnh nội dung.
Ý nghĩa của nội dung ít thay đổi hành vi của con người hơn trong khi hình thức của nó thì có thể làm được điều này.
Khi sử dụng điện thoại thông minh, việc nhìn và chạm chúng quan trọng hơn so với việc đọc và xử lý thông tin ta nhận được từ chúng.
Binky đã nhận thấy điều này và thiết kế nên một ứng dụng đúng như những gì con người ngày nay đang cần.
Mỗi bink trên ứng dụng là những hình ảnh gắn nhãn được chọn lọc ngẫu nhiên và dường như vô tận số lượng.
Vuốt qua hai bên trái phải để bày tỏ sự yêu thích hay chán ghét. Nếu cần phải để lại bình luận, một khung nhập chữ sẽ hiện ra, nhưng bạn chỉ việc gõ một chữ cái, phần còn lại của câu bình luận đã có Binky lo.
Câu chữ, gắn hashtag hay emoji, đều được phần mềm tạo ra tự động, những câu sáo rỗng kiểu “Ảnh này đẹp quá! #quẩylên #tươngtáctốt #cườilănlộn 😹😜😁👾😱🎃😣😡.”
Binky là một mạng xã hội không cần dùng mạng và không có giao tiếp xã hội. Nhưng thật kỳ lạ khi nó đáp ứng được nhu cầu ‘thực sự’ của người dùng như các mạng Twitter hay Instagram, mà thậm chí nhiều người còn thấy thỏa mãn hơn.
Những thứ trên Binky hoàn toàn hợp với tâm lý người dùng, những bài viết hoàn toàn là giả, người dùng nếu không thích chỉ cần vuốt sang trái, hệ thống sẽ tự ẩn những bài đó và ưu tiên hiện những bài hợp sở thích hơn.
Người dùng cũng không phải ám ảnh về lượt like hay những cảm giác tiêu cực có được khi sống ảo quá mức.
Dan Kurtz, nhà phát triển ứng dụng Binky, chia sẻ về ý tưởng tạo ra ứng dụng: “Tôi đã trải qua cảm giác đó, cảm giác đứng đợi tàu và lướt mạng xã hội với tâm trạng trống rỗng, tôi thậm chí còn chẳng muốn phải đọc những bài viết trên đó, nhưng tôi lại mặc định theo thói quen là lấy điện thoại ra và cắm mặt vào.
Thế là tôi phát triển ra ứng dụng này, đây chính là tâm lý chung của những người dùng điện thoại, bởi họ cần một thứ vui vẻ để nhìn vào chứ không muốn những thứ quá tiêu cực hiện lên trong lúc tâm trạng đang không tốt.”
Thời lượng sử dụng điện thoại di động của con người ngày càng tăng cao, nhưng các hãng sản xuất không thấy sự cần thiết để tạo ra nội dung mà họ chỉ quan tâm đến hình thức sử dụng để thúc đẩy doanh thu.
Niềm vui và sự bổ ích của nội dung dần bị giảm sút, người dùng bị chìm đắm trong những trạng thái mâu thuẫn nội tâm.
Nếu hút thuốc vẫn còn một mặt lợi khác ngoài những tác hại hóa học, là việc giữ tay người hút cố định để tránh làm những việc không đúng khác, thì điện thoại thông minh cũng sẽ có một điều tương tự như vậy.
Khi đứng chờ xe buýt, tàu lửa hay trong những lúc rảnh rỗi, những ứng dụng như Binky sẽ giúp đôi bàn tay nhàn rỗi có việc để làm.
Điều này cũng giống như đan len hay chơi rubic, cũng chỉ là một hành động giải tỏa cơn bí bách của hệ thần kinh.
Quang Niên (Theo theatlantic)