Xăng E5 có hao hơn xăng khoáng?

Người tiêu dùng lại tiếp tục nghi ngại và lo lắng về mức độ hao hụt xăng E5 RON 92 (E5) cao hơn so với xăng RON 95 (A95) trong quá trình sử dụng.

xange5_ngocduong_teli.jpg

Người dùng còn nghi ngại

Nghi ngại này bắt nguồn khi một số ý kiến trên các diễn đàn tinhte, otosaigon, otofun... chia sẻ kinh nghiệm sử dụng về hai loại xăng sinh học (E5) và xăng khoáng (A92 và A95).

Theo đó, nhiều ý kiến vẫn tỏ ý nghi ngại dùng xăng E5 so với xăng khoáng khiến xe yếu máy hơn và hao xăng hơn.

Chủ đề “Chọn xăng E5 RON 92 hay RON 95” trên diễn đàn tinhte... có đến 86% người dùng bấm chọn xăng A95 và 14% còn lại chọn E5. Còn trên diễn đàn otosaigon hơn 80% chọn A95 và gần 20% chọn E5.

Một số thành viên nhận xét: Xài xăng E5 hao hơn hẳn, xe cũng yếu hơn; Khi tải nặng mà leo dốc, đi đường dài, xăng E5 bộc lộ độ ỳ, yếu hơn hẳn A95...

Anh Vũ Quốc Thống, chủ nhân chiếc Honda Future Neo, chạy dịch vụ GrabBike, cũng là một thành viên trên một số diễn đàn đang thảo luận về chất lượng E5 và xăng khoáng, cho biết sau một số lần thử với quãng đường dài khoảng 150 km, đổ xăng hết 50.000 đồng.

“Trước đây hay đổ A92 thì tối chạy thẳng về nhà nằm “gác chân” ngủ luôn. Còn sau này đổ E5 cũng chừng đó tiền thì trên đường về phải ghé trạm đổ xăng chứ máy chạy như hụt hơi, sợ hết xăng giữa đường”, anh Thống cho biết.

Anh Phạm Long, lái xe GrabCar, cũng thông tin: “Cùng đổ 500.000 đồng cho một lần nhưng xăng A95 chạy quãng đường xa hơn xăng E5. Tôi cảm thấy E5 chạy hao hơn A95!”.

Xăng E5 sau khi tăng gần 500 đồng/lít vào ngày 15.1 vừa qua vẫn giữ được khoảng cách thấp hơn xăng A95 gần 2.300 đồng/lít. Nhưng với nghi ngại nói trên, nhiều ý kiến cho rằng xăng E5 không rẻ hơn.

Cảm nhận chưa chính xác

Chuyên gia năng lượng, PGS-TS Nguyễn Lê Ninh cho rằng cảm nhận của những người lái xe thật ra chưa chính xác. Về mặt kỹ thuật, chỉ 5% ethanol được pha vào trong 95% xăng A92 để có sản phẩm xăng sinh học E5 “không đáng gì”.

Theo ông Ninh: “Hao hay không phụ thuộc vào cách chạy xe của chủ nhân. Nhiệt trị của xăng sinh học E5 giảm chút ít so với nhiệt trị của xăng thuần chất. Tính ra tỷ lệ bốc hơi chỉ bằng 3/1.000 nên nói hao là chưa chính xác nếu không xét một cách tổng thể khoa học. Tôi nhắc lại xăng sinh học hao tùy thuộc vào kỹ thuật chạy xe của từng người”.

Ngoài ra, PGS-TS Ninh lý giải khi sử dụng E5, do độ cháy tốt hơn khiến xăng bốc hơi tốt hơn dẫn đến thời điểm phát nhiệt chính xác hơn.

Khi pha 5% ethanol vào xăng A92, chỉ số chống kích nổ tăng thêm 3 đơn vị octan, tương đương xăng A98. Chính vì vậy máy sẽ đánh lửa nhạy hơn, theo đó, công suất có thể tăng một cách gián tiếp.

“Như vậy, khi không thay đổi kết cấu động cơ như tăng tỷ số nén và tăng góc đánh lửa sớm thích đáng mà chỉ đơn giản đổ xăng sinh học E5 vào máy để chạy thì không có chuyện tăng hiệu suất động cơ và giảm tiêu hao nhiên liệu mà ngược lại là hao hơn.

Tức là công suất động cơ có thể yếu đi một chút và hao nhiên liệu thêm một chút trong sử dụng E5 nhưng chẳng đáng kể”, PGS-TS Ninh nhận định và khuyến cáo người sử dụng không nên tích tụ xăng E5 quá lâu trong xe để đề phòng thành phần ethanol trong E5 hút ẩm trong không khí gây hiện tượng tách lớp nước trong nhiên liệu, khó khởi động máy do nước tách khỏi hỗn hợp nhiên liệu tụ lại dưới đáy bình xăng.

“Tôi kiến nghị như vậy vì tôi không biết là công nghệ điều chế xăng sinh học E5 của VN có pha chất nhũ hóa nhằm làm cho nước có khả năng tan hoàn toàn trong xăng E5 hay không. Việc nghi ngại của người tiêu dùng, nếu có, cần nghiên cứu và khắc phục sớm”, PGS-TS Ninh nói.

Ủng hộ phát triển xăng E5, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng sở dĩ có những nghi ngại vì Bộ Công thương chỉ mới tuyên truyền khuyến khích trong khi nhiều nghi ngại về chất lượng vẫn chưa được công bố thuyết phục người tiêu dùng.

Thứ nữa, nhà nước đang quản lý xăng dầu nói chung, nhưng khi công bố giá thì chỉ nói giá xăng E5, còn A95 bị “bỏ quên” đã đẩy độ “thiếu niềm tin” cao hơn.

Theo Báo Thanh niên

Tin tứcQuântin tức, xăng