Robot phẫu thuật hơn gì phẫu thuật viên?
Chỉ từ một bệnh viện tại Việt Nam trang bị robot phẫu thuật vào năm 2014, đến hết năm 2017 con số này tăng lên bốn và hứa hẹn không dừng lại ở đây. Robot phẫu thuật mang lại những lợi ích, nhưng bên cạnh đó vẫn có những bất lợi cần được nói đến.
Robot cũng gây tai biến
Không chỉ Việt Nam, số robot phẫu thuật trên thế giới cũng tăng mạnh. Chỉ riêng năm 2016, 4.000 cỗ máy phẫu thuật đã có mặt ở các bệnh viện trên thế giới, giải quyết cho 750.000 ca mổ khác nhau. Phần lớn những ca này là bệnh ở tuyến tiền liệt và tử cung, ngoài ra là bệnh ở thận, đại tràng, tim và những cơ quan khác.
Nhưng hầu hết những robot phẫu thuật hiện tại lại là sản phẩm của một công ty duy nhất, robot da Vinci của hãng Intuitive Surgical, được cơ quan Quản lý thực phẩm và thuốc men (FDA) Hoa Kỳ cho phép sử dụng từ năm 2000.
Theo nhà sản xuất, gọi “da Vinci” vì lấy theo tên của Leonardo da Vinci – nhà hoạ sĩ, phát minh, triết gia thế kỷ 15 – được biết đến với việc thúc đẩy nghiên cứu cơ thể học con người. Chính nghiên cứu về cơ thể học của ông đã dẫn đến việc thiết kế ra con robot đầu tiên trong lịch sử nhân loại.
Robot phẫu thuật được cho là có thể giải quyết được những hạn chế của phẫu thật mổ hở và nội soi cổ điển. Nếu sử dụng robot, từ một bàn điều khiển cách xa bàn mổ, phẫu thuật viên có thể điều khiển cánh tay robot quay 5400, di chuyển tự do ở 6 góc độ, vận động rất tinh vi, điều mà bàn tay con người không thể thực hiện được.
Nhờ đặc tính này, robot phẫu thuật có thể xâm nhập những vị trí hẹp, sâu và khó tiếp cận. Kết hợp với tầm nhìn được tăng cường từ màn hình nội soi 3D, chuẩn HD phóng đại 12 lần, phẫu thuật viên có thể kiểm soát tốt ca mổ, đặc biệt trong điều trị ung thư, mang lại lợi ích lớn cho người bệnh.
Nhưng robot phẫu thuật không phải an toàn 100%. Sử dụng tại Mỹ vào năm 2000, trong 13 năm tiếp theo robot đã giải quyết cho hơn 1,7 triệu ca phẫu thuật ở nước này, nhưng nó cũng làm chết 144 người, 1.391 ca biến chứng và 8.061 ca gặp sự cố khi thao tác. Số liệu do FDA thu thập và báo cáo cũng nhấn mạnh con số thực có lẽ cao hơn nhiều.
Báo cáo cũng cho thấy phẫu thuật bằng robot tạo ra vết mổ nhỏ, làm giảm nguy cơ nhiễm trùng và giúp bệnh nhân mau lành bệnh hơn. Tuy nhiên, khi giải quyết những bệnh ở tim, phổi và đầu – cổ, phẫu thuật robot gây tử vong nhiều hơn so với các bệnh phụ khoa và tiết niệu.
Chưa biết lý do tại sao, nhưng có ý kiến cho rằng các bệnh tim, phổi và đầu – cổ thường phức tạp, robot ít ứng dụng, nên chuyên gia cũng không có nhiều kinh nghiệm để giải quyết.
Con người vẫn mổ tốt hơn robot
Được kỳ vọng sẽ giúp mổ chính xác hơn, mất ít thời gian và tai biến hơn, nhưng thực tế “thành tích” của “người máy phẫu thuật” lại không hơn phẫu thuật viên thứ thiệt.
Thật vậy, một nghiên cứu do đại học Y khoa Stanford thực hiện cho thấy, trong gần 25.000 ca phẫu thuật diễn ra ở 416 bệnh viện Hoa Kỳ từ năm 2006 – 2012, 28% bệnh nhân được cắt bỏ thận qua mổ nội soi do người thực hiện có thời gian hơn bốn giờ, trong khi đó nếu mổ bằng robot, tỷ lệ này lên đến 46%.
Không chỉ mổ ít thời gian hơn, nghiên cứu cũng cho thấy con người mổ ít tai biến hơn robot. Nghiên cứu này công bố trên tờ The American Medical Association (JAMA).
Phẫu thuật robot cũng tốn kém hơn phẫu thuật thông thường vì trong mỗi ca phẫu thuật loại này, bệnh nhân phải mất 2.000 USD cho những thiết bị chỉ sử dụng một lần rồi bỏ.
TS Benjamin Chung, phó giáo sư khoa tiết niệu của đại học Stanford, nói: “Dù không có khác biệt về mặt thống kê giữa kết quả phẫu thuật và thời gian nằm viện, nhưng chúng tôi nhận thấy phẫu thuật robot tốn kém hơn và cuộc mổ có thể kéo dài hơn”.
Theo bác sĩ N., công tác tại một bệnh viện ngoại khoa lớn ở TP.HCM, phẫu thuật robot nên được xem là chọn lựa cho bệnh nhân bên cạnh phẫu thuật kinh điển. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần được thông tin đầy đủ về mặt ích lợi cũng như bất lợi, thay vì chỉ đưa ra những thông tin tô hồng về công nghệ tiên tiến này.
Năm 2013, trường Bác sĩ sản phụ khoa Hoa Kỳ (The American College of Obstetricians and Gynecologists) đã phát đi thông báo khẳng định, không có bằng chứng đầy đủ cho thấy phẫu thuật cắt tử cung bằng robot tốt hơn và ít tốn kém hơn mổ nội soi.
Thông báo ghi: “Chính những chiến dịch tiếp thị mạnh mẽ nhắm đến người tiêu dùng về những công nghệ y khoa cao cấp mới nhất, có thể khiến công chúng tin rằng phẫu thuật robot là chọn lựa tốt nhất”.
Bác sĩ N. cũng cho rằng không dễ để học được cách sử dụng robot, bên cạnh đó hệ thống da Vinci sử dụng phần mềm chuyên dụng, không cho phép bác sĩ cải tiến, nên hạn chế sự sáng tạo của người thao tác hệ thống.
Đã có bốn bệnh viện lớn của Việt Nam áp dụng phẫu thuật robot trong điều trị, nhưng có người cho rằng, hiệu quả bước đầu chỉ dừng lại ở mức độ quảng bá tên tuổi của bệnh viện hơn là mang lại lợi ích thật cho bệnh nhân.
Một ca mổ robot có giá trung bình 100 triệu đồng, không phải ai cũng tiếp cận được, chưa kể tay nghề của bác sĩ phẫu thuật Việt Nam bước đầu vẫn chưa khẳng định. Vì thế, khi đưa vào sử dụng, bệnh viện nào cũng tiếp cận thị trường bằng… chính sách mổ miễn phí.
Bình Yên - Khoa học phổ thông