Ngành y tế Việt Nam : 10 thành tựu 2017 và những kỳ vọng 2018

Thực hiện Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị, công tác y tế năm 2017 đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

10 thành tựu 2017

1. Lập sổ khám điện tử toàn dân

Xuất phát từ mong muốn chăm sóc sức khỏe ban đầu cho toàn dân, việc thiết lập sổ theo dõi sức khỏe cho từng người dân bằng hồ sơ điện tử đã được triển khai ở nhiều địa phương trên cả nước như Bắc Ninh, Phú Thọ, Bắc Giang, Hà Nội… trong năm qua và sẽ triển khai trên phạm vi cả nước vào năm 2018.

Hệ thống hồ sơ điện tử quản lý chăm sóc sức khỏe người dân trên cả nước, sẽ giúp Bộ Y tế nắm bắt được mô hình bệnh tật từng vùng, từng khu vực, từng lứa tuổi để từ đó có những phân tích, phục vụ công tác chuyên môn hiệu quả nhất.

Việc quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục cũng sẽ giúp phát hiện sớm hầu hết các bệnh thông thường và giải quyết sớm ngay tại tuyến khám, chữa bệnh ban đầu, hạn chế biến chứng và diễn biến bệnh nặng, giúp giảm quá tải bệnh viện, giảm áp lực với ngành y tế.

2. Ngăn chặn có hiệu quả dịch sốt xuất huyết đỉnh điểm tại Hà Nội

Bắt đầu từ sự gia tăng bất thường của các ca sốt xuất huyết (SXH) tại Hà Nội từ tháng 5, đến tháng 7/2017, dịch SXH “leo thang” trong cả nước, với số ca mắc cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

Lần đầu tiên trong lịch sử, vào tháng 8/2017, Hà Nội đã dẫn đầu cả nước về số người mắc SXH với gần 20.000 ca mắc bệnh, với hơn 1000 ổ dịch SXH. Hà Nội phải huy động cả “vòi rồng” diệt muỗi tại các khu vực nóng, lập hàng nghìn đội xung kích vào tận nhà dân hướng dẫn diệt bọ gậy…

3. Lần đầu tiên ghép tim trẻ em thành công

Tại BV Việt Đức, lần đầu tiên đã ghép thành công quả tim từ người lớn hiến tặng cho một bệnh nhi, kịp thời cứu sống bé trong gang tấc bởi căn bệnh suy tim giai đoạn cuối.

Ca ghép được thực hiện ngày 15/3/2017, ngay khi các bác sĩ nhận được tim từ một người lớn chết não hiến tạng. Về thành tựu ghép tạng, lần đầu tiên Việt Nam cũng thành công ca ghép thận chéo từ người cho sống, 2 bệnh nhân đã vượt qua bệnh tật, trở về với cuộc sống bình thường.

4. Lần đầu tiên Việt Nam thực hiện một ca ghép phổi

Đầu năm 2017, Bệnh viện 103 - Học viện Quân Y đã thực hiện thành công một ca ghép phổi cho cháu bé 6 tuổi. Đây là ca ghép phổi đầu tiên được các bác sĩ Việt Nam thực hiện (với sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ Nhật Bản).

5. Lần đầu tiên Việt Nam dùng robot phẫu thuật

Trong tháng 11/2017, Bệnh viện Nhi Trung Ương đã điều trị mổ nọi soi bằng robot cho bệnh nhi bị dạng nang tuyến phổi kèm lõm ngực bẩm sinh. Được biết đây là hệ thống robot phẫu thuật hiện đại trên thế giới.

6. Hai công trình y tế được vinh danh giải Nhân tài Đất Việt

Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2017 trong lĩnh vực y dược được trao cho cho hai công trình: Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong chăm sóc sức khỏe sinh sản phụ nữ và nâng cao chất lượng dân số của Trường Đại học Y dược- Đại học Huế và công trình “Ghép thận từ người cho tim ngừng đập” của BV Chợ Rẫy.

Nghiên cứu của Trường Đại học Y dược – Đại học Huế đã thực hiện thử nghiệm (ngẫu nhiên, có nhóm chứng) về hiệu quả dự phòng Tiền sản giật bằng aspirin liều thấp và bổ sung canxi. Qua đó giúp xây dựng phác đồ phòng ngừa bệnh lý tiền sản giật ngay ở giai đoạn sớm trong thai kỳ trên nhóm đối tượng nguy cơ cao.

Với nghiên cứu triển khai ghép thận từ người cho tim ngừng đập của Bệnh viện Chợ Rẫy, đã mở ra một nguồn tạng hiến vô cùng quan trọng, trong bối cảnh thiếu nguồn hiến tạng như hiện nay.

7. Trẻ được cấp mã ID riêng trong tiêm chủng

Lần đầu tiên, hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia được áp dụng từ ngày 1/6/2017, với mục tiêu sau 1 năm, tại 17 nghìn điểm tiêm chủng trên toàn quốc sẽ không còn sử dụng giấy tiêm chủng.

Với hệ thống này, mỗi một em bé sau khi chào đời sẽ được cấp một mã ID riêng về tiêm chủng để bố mẹ, cán bộ y tế có thể dễ dàng quản lý, theo dõi các mũi tiêm từ máy tính, điện thoại di động. Việc nhắc tiêm cũng sẽ được nhắn tin đến điện thoại riêng đã được đăng kí. Các thông tin phản ứng sau tiêm, mũi tiêm còn lại… đều được cập nhật rõ ràng trên hệ thống điện tử.

8. Điểm sáng về bao phủ y tế toàn dân và phòng chống lao

Trong năm APEC 2017, những sáng kiến của Việt Nam vì một châu Á - Thái Bình Dương khỏe mạnh cũng như một số thành tựu bao phủ y tế toàn dân và phòng chống lao của Việt Nam đã được các nước APEC coi là điểm sáng.

Việt Nam chủ động đưa ra ưu tiên, xác định chủ đề năm 2017, nhận được sự đánh giá cao của bạn bè quốc tế: Tăng cường hệ thống y tế, hướng tới y tế toàn dân và phát triển bền vững, hướng tới một khu vực châu Á - Thái Bình Dương khỏe mạnh 2020, tài chính y tế bền vững, chống kháng thuốc, sức khỏe người cao tuổi…

9. Cột mốc quan trọng, nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng dân số và sức khỏe toàn diện

Đó là Nghị quyết số 20-NQ/TƯ về Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới.

Nghị quyết 20-NQ/TW tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau: Nâng cao sức khỏe nhân dân; phòng chống dịch bệnh; đổi mới y tế cơ sở; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện; đẩy mạnh phát triển ngành dược và thiết bị y tế; phát triển nhân lực và khoa học công nghệ; đổi mới hệ thống quản lý; cung cấp dịch vụ và tài chính y tế; và chủ động, tích cực hội nhập, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế.

10. Đột phá trong công tác bảo vệ sức khỏa nhân dân

Trong ¼ thế kỷ qua , ngành y tế đã có những thay đổi mang tính đột phá trong công tác nân cao sức khỏe nhân dân , phòng chóng dịch bệnh và khám chữa bệnh . Một vài kết quả nổi bật như: hệ thống y tế cơ sở được mở rộng và tăng cường cùng với tỉ lệ thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân khá cao (trên 82% dân số), các chỉ số sức khỏe và chất lượng dân số Việt Nam cũng được cải thiện…

 Những kỳ vọng 2018

1. Thực hiện Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới theo Quyết định 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ: Triển khai mô hình điểm tại 26 trạm y tế xã; mở rộng mô hình bác sĩ gia đình, quản lý sức khỏe đến từng người dân; đẩy mạnh quản lý các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm…

2. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống tổ chức y tế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và hội nhập quốc tế: Các địa phương đẩy nhanh việc thực hiện mô hình Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, trung tâm y tế huyện đa chức năng và quản lý trạm y tế; Bộ Y tế xây dựng đề án hình thành CDC Trung ương và vùng; cơ quan kiểm soát dược phẩm, thực phẩm, thiết bị y tế…

3. Phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh; tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, thực hiện nghĩa vụ luân phiên; ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục trong khám, chữa bệnh; ban hành các quy trình chuyên môn; đổi mới phong cách phục vụ, nâng cao y đức...

4. Tăng cường hiệu quả công tác truyền thông, giáo dục nâng cao sức khỏe,  y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh. Bảo đảm vắc xin và duy trì tỷ lệ tiêm chủng mở rộng trên 95%. Đẩy mạnh phòng, chống các bệnh không lây nhiễm, bệnh nghề nghiệp, bệnh tật học đường…

5. Tiếp tục thực hiện các giải pháp duy trì mức sinh thấp hợp lý, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; mở rộng sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; bảo đảm hậu cần đầy đủ và có chất lượng các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình.

6. Đổi mới căn bản, toàn diện đào tạo nguồn nhân lực y tế theo hướng hội nhập quốc tế. Tăng cường giám sát đào tạo nhân lực y tế, tập trung vào công tác đào tạo liên thông, liên kết, đào tạo cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ sử dụng, công tác tuyển sinh, bảo đảm chất lượng đào tạo...

7. Tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính y tế, mở rộng quyền tự chủ về tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, hình thành mô hình quản lý bệnh viện như doanh nghiệp công ích. Tiếp tục thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế gắn với lộ trình BHYT toàn dân, hỗ trợ người nghèo, người cận nghèo, các đối tượng chính sách trong khám, chữa bệnh, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội.

8. Đảm bảo cung ứng đủ về số lượng, an toàn về chất lượng thuốc, vắc xin, sinh phẩm và trang thiết bị y tế với giá cả hợp lý phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.

9. Tiếp tục triển khai Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”, Đề án "Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020". Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng để quản lý việc bán thuốc của các nhà thuốc trên toàn quốc".

BS. Huỳnh Liên Đoàn

(Hội y học TP.HCM)

Bài viếtQuântin tức, y tế