Bê bối Facebook không chỉ là bảo mật, nó cho thấy chúng ta đang bán rẻ thông tin của chính mình

Trong tuần qua, sự kiện được cả thế giới quan tâm chính là vụ bê bối mang tên "Cambridge Analytica". Thông tin của khoảng 50 triệu người dùng Facebook được cho là đã bị chia sẻ trái phép cho công ty Cambridge Analytica để sử dụng cho mục đích thương mại và chính trị và bị nghi ngờ làm ảnh hưởng tới kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cũng như chiến dịch ủng hộ Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (Brexit) trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2016.

FB.RTXZ81J670802840.jpg

Sự kiện này không chỉ như một hồi chuông khiến chúng ta phải nghiêm túc nhìn lại việc thu thập thông tin người dùng không chỉ từ Facebook mà từ các gã khổng lồ khác trên internet đã tạo ra hàng tỷ đô la lợi nhuận như thế nào.

Bạn đăng một bức ảnh, bạn gõ vào ô tìm kiếm thông tin, bạn like một trang bán hàng nào đó, bạn chat với bạn bè trên messenger, hay bạn đăng CV của mình trên các trang tuyển dụng việc làm…tất cả các dữ liệu tưởng như vô thưởng vô phạt này đều được lưu lại trên internet.

Bạn có bao giờ giật mình khi thấy mình chỉ vừa chat với bạn bè về dự định đi đến một nơi nào đó cho kỳ nghỉ sắp tới, ngay lập tức những quảng cáo về vé máy bay, dịch vụ thuê xe, khách sạn, resort nơi bạn muốn đến ngay lập tức hiện lên ở Facebook?

Những dữ liệu cá nhân này chính là các mỏ vàng mà Facebook bán cho các nhà quảng cáo muốn nhắm đến nhóm khách hàng nhất định.

Mọi cú click, các kí tự bạn gõ, lịch sử tìm kiếm của bạn đều có giá trị rất lớn. Alphabet- công ty mẹ của Google đã được định giá 720 tỷ đô la chỉ trong vòng 20 năm chỉ nhờ vào công cụ tìm kiếm và quảng cáo.

Facebook, mạng xã hội lớn nhất nhì thế giới vừa tổ chức sinh nhật lần thứ 14 của mình, vẫn còn trị giá hơn 475 tỷ đô la, ngay cả sau khi bị bốc hơi tới hơn 50 tỷ đô la trong tuần này. Giá trị của hai công ty lớn này cho thấy giá trị dữ liệu của chúng ta lớn tới mức nào.

Thế nhưng, chúng ta lại đang cung cấp miễn phí cho họ bằng việc click gần như ngay lập tức vào những trang điều khoản, điều lệ dày đặc chữ mà không mấy ai đọc. Chúng ta tặc lưỡi điền email, số điện thoại, thậm chí cập nhật cả nghề nghiệp, ngày sinh, tên chồng con, gia đình, các mối quan hệ trên mạng xã hội mà không mảy may suy nghĩ.

Chúng ta vô tư bấm vào những app, những trò chơi, trắc nghiệm vui vẻ, giải trí trên mạng mà không để ý khi cho họ quyền truy cập facebook hay đăng nhập trò chơi bằng tài khoản Facebook thì mọi dữ liệu của bạn cung cấp cho Facebook cũng sẽ được bên thứ 3 đó thu thập toàn bộ.

Giá trị hàng ngàn tỉ đô của các công ty này do chính chúng ta làm nên nhưng những gì chúng ta nhận được từ các công ty này thì lại quá ít, như vậy đây rõ ràng không  phải là một sự trao đổi sòng phẳng .

now-b36b921c-8f22-45a9-bce1-fdeb830b19da-1210-680.jpg

Nếu ví dữ liệu như một loại dầu mỏ, thì đa số các giếng dầu nằm trong tay một vài tỷ phú và chúng ta hàng ngày đều bơm vào những giếng dầu này hàng trăm ngàn gallon dầu miễn phí.

Điều này cũng tương tự như sự giàu có của nước Mỹ nằm trong tay các gia đinh đã tăng từ 7% năm 1978 lên hơn 20% tới nay theo nghiên cứu của Đại học Stanford.  Nói cách khác, sự giàu có và quyền lực đang tập trung nhiều hơn vào tay của một số ít người.

Người sáng lập Facebook – Mark Zuckerberg đã lên tiếng thừa nhận sai lầm và đưa ra lời xin lỗi chính thức: “Chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ dữ liệu của các bạn và nếu không thể thì chúng tôi không xứng đáng phục vụ các bạn”.

Từ vụ bê bối này, chúng ta nên đặt câu hỏi trong một thế giới ngày càng có nhiều dữ liệu nghĩa là quyền lực và tiền bạc như hiện tại, ai là người sở hữu và kiểm soát dữ liệu của chúng ta - và làm thế nào để chúng ta có thể thay đổi mối quan hệ bất bình đẳng này.

Dương Quán Hạ