Sử dụng phương tiện công nghệ đưa đón con trẻ đã không còn an toàn?

Trong xã hội hiện đại, các bậc phụ huynh phải vắt chân lên cổ mới kịp hoàn thành các dateline cho công việc và cả ngàn mối quan hệ cá nhân thì việc sử dụng các phương tiện công nghệ như xe ôm, taxi để đưa đón con đi học chính, học phụ vừa rẻ vừa đỡ mưa nắng, đỡ thời gian cho bố mẹ dường như một cứu cánh. Thế nhưng, trường hợp gia đình chị Thuỳ L. vừa gặp phải lại gióng lên hồi chuông cảnh báo, đặc biệt là đối với các bé gái.

Chị Nguyễn Thùy L. (ngụ Q.Tây Hồ, Hà Nội) đặt xe Grab đưa đón con gái 9 tuổi đi học được một tháng nay do gia đình bận việc. Do tin tưởng dịch vụ này kiểm soát chặt chẽ tài xế với tên tuổi, biển số xe, lịch trình… nên chị L. không hề nghĩ đến những tình huống xấu xảy ra.

Cho đến ngày 16.4, con chị về nhà sợ hãi kể lại tài xế dùng câu hỏi vô cùng khiếm nhã để trò chuyện, chị L. mới giật mình. Con bé kể với mẹ rằng: "Chú ý hỏi con thích màu gì, hỏi mẹ thích màu gì, chú ý hỏi con mặc quần ở trong màu gì, có bao giờ con nhìn thấy ngực mẹ chưa? Có biết mẹ mặc quần ở trong màu gì không, rồi chú ấy hỏi con là cho chú chạm vào quần lót của con được không?”…

Rất may là cháu bé con chị L mới chỉ bị quấy rối về ngôn ngữ mà chưa bị xâm hại về mặt thể xác nhưng sau chuyện của chị L, nhiều phụ huynh mới giật mình thảng thốt, xưa nay đã phó mặc và tin tưởng con cho phương tiện công nghệ mà chưa suy nghĩ sâu xa.

Mặc dù ngay sau khi xác minh, Grab Việt Nam đã có thư xin lỗi cháu bé và gia đình đồng thời có các biện pháp bồi thường, tuy nhiên từ việc này khiến các bậc phụ huynh bất an khi sử dụng phương tiện công nghệ đưa đón con đi học.

Chị Lê Minh H. ở Q.Cầu Giấy, Hà Nội cũng cho rằng, cứ nghĩ xe ôm hoặc taxi công nghệ thì họ có tên tuổi của tài xế và khi ngồi tại cơ quan cũng có thể theo dõi lịch trình của con. Thậm chí khi xe loay hoay hay kẹt xe cũng có thể biết.

“Tuy nhiên, trong một lần đón cháu từ nhà đến trường, vì quãng đường ngắn lái xe taxi công nghệ quát mắng cháu vì có hôm vội, tôi có đưa cho cháu 100 ngàn đồng để cháu trả lái xe, anh lái xe không có tiền lẻ trả lại, cháu đã rất sợ.

Từ đó tôi đã cố gắng đưa đón cháu hoặc nhờ chú xe ôm hàng xóm đưa giúp, chị Minh H nói và khẳng định thêm, “Đôi khi các bậc phụ huynh nghĩ đơn giản làm sao thuận tiện nhất cho con, cho mình, cũng may cháu nhà tôi là cháu trai nên có thể an toàn hơn các bạn gái. Tuy nhiên, có lẽ cháu trai tôi cũng phải cẩn thận hơn.

Nếu tài xế có làm gì con mình thì chạy đến chắc cũng muộn rồi”, chị H chia sẻ. Cùng tâm trạng như vậy, chị Hương nhà ở Đông Ngạc, Hà Nội cũng cho biết, chị có con gái học lớp 9, nhà thì xa chỗ làm khoảng 10km, con gái ngược đường đi học nhưng mẹ vẫn phải mưa nắng đưa đón vì rất sợ có điều gì với con thì ân hận không kịp.

“Bạn bè nhiều khi nói tôi quá cẩn thận, không biết sử dụng phương tiện hiện đại mà cho con đi học cho sướng mình, sướng con, nhưng quả thật, tôi bị ám ảnh về các câu chuyện quấy rối qua đài, báo nên chưa dám “thả” con gái bao giờ”, chị Hương nói.

Chị Th. ở quận Ba Đình thì chia sẻ kinh nghiệm, hàng ngày chỉ kịp đưa đi mà không thể đón được con gái đi học chính, học thêm, nên chị phải nhờ bà bác họ đưa đón cháu bằng xe máy. “Chi phí khá tốn kém nhưng dù sao cũng yên tâm hơn, con mình là con gái, sợ lắm”, chị Th chia sẻ.

Nhân câu chuyện của gia đình chị Nguyễn Thuỳ L., nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng dù phụ huynh có thể kiểm soát được chặng đường đi của con, nhưng vẫn có những nguy cơ khác như tài xế sẽ quấy rối bằng ngôn ngữ và hành động.

“Tài xế vẫn có thể dùng ngôn ngữ không sạch để trò chuyện với con, hoặc dọa nạt, thậm chí có thể sờ mó. Tất cả những điều này phụ huynh sẽ không thể biết nếu như các con không kể lại”, thạc sĩ Mỹ Hạnh Giám đốc Trung tâm đào tạo kỹ năng sống Ý tưởng Việt chia sẻ.

Nhiều chuyên gia tâm lý cũng khuyên các bậc phụ huynh, điều quan trọng nhất là phải trang bị kiến thức tự phòng vệ cho con mình, dù là trai hay gái cũng không nên chủ quan.

“Hãy đặt cho con nhiều giả thiết có thể gặp phải, không cứ khi đi taxi. Ví dụ khi bị hỏi khiếm nhã thì phải làm thế nào, để sẵn các số hotline cho con trên phím nóng điện thoại. Khi biết con lên taxi thì phải gọi vào điện thoại cho con xem số xe, đi đến đâu để tài xế biết bạn đang theo dõi sát con mình.

Và đặc biệt, không được đưa cho các cháu nhiều tiền hoặc điện thoại đắt tiền, phòng các đối tượng xấu có ý định chiếm dụng làm ảnh hưởng đến tinh thần hoặc cơ thể các cháu”, các chuyên gia tâm lý khuyên.

 Phong Kỳ