Công ty khởi nghiệp Ấn Độ được giải thưởng nhờ tái chế hoa cúng
Công ty khởi nghiệp trẻ Help Us Green của Ấn Độ tung ra thị trường những vật phẩm hữu dụng làm từ hoa cúng tái chế và nhận được giải thưởng Ý tưởng thay đổi thế giới 2018 của tạp chí Fast Company.
Ấn Độ là một quốc gia sùng bái tôn giáo và thường thể hiện lòng tôn kính của mình qua những bông hoa. Hằng năm có khoảng 800 triệu tấn hoa: hoa hồng đỏ, cúc vạn thọ vàng,... được gửi đến các ngôi đền, nhà thờ, tạo ra một lượng chất thải đầy màu sắc khổng lồ.
Do đã được sử dụng để thờ cúng, người dân ở đây cho rằng những bông hoa này mang một giá trị thiêng thiêng, không thể vứt xuống bãi rác như rác thông thường được. Chính vì thế, họ thường ném hết xuống dòng sông Hằng - một con sông được tôn sùng của Ấn Độ, mà không hề nghĩ rằng thuốc trừ sâu và thuốc bảo vệ thực vật từ chính những bông hoa là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng ô nhiễm trầm trọng của dòng sông thiêng liêng này.
Theo Agarwal- nhà sáng lập nên HelpUsGreen, các hóa chất đó liên kết với sắt và oxy trong nước tạo ra độc tố nguy hiểm gây chết cá và làm phát sinh một số bệnh cho con người. Không ai nghĩ rằng tỷ lệ trẻ em mắc các căn bệnh ngoài da không ngừng tăng ở Ấn Độ hằng năm lại do chính những bông hoa xinh đẹp này gây ra.
Do đó, Agarwal cùng người bạn thời thơ ấu - Karan Rastogi đã tìm cách tái chế những bông hoa thờ này thành vật phẩm khác.
Ban đầu, ý tưởng của họ nhận được rất nhiều sự phản đối từ phía các ngôi đền, vì họ cho rằng những bông hoa thiêng liêng này không được đối xử tôn kính giống như mục đích thờ cúng ban đầu.
Agarwal từng chia sẻ: “Khi chúng tôi bắt đầu bắt tay vào thực hiện ý tưởng vào tháng 5 năm 2015, nhiều người đã cho rằng chúng tôi có vấn đề vì không ai nghĩ rằng những bông hoa đã qua sử dụng này có thể tái chế được thành vật phẩm khác”.
Tuy nhiên, hai năm sau họ đã hoàn toàn bị thuyết phục bởi hai thanh niên trẻ tuổi này.
Agarwal và Rastogi và đứa con tinh thần HelpUsGreen không những đã góp phần giải quyết được những căn bệnh ngoài da nghiêm trọng mà còn tạo ra được một loạt các sản phẩm từ hoa, bao gồm hương (nhang) và phân bón hữu cơ.
Hương là một phần không thể thiếu trong nghi thức cúng bái của người Ấn Độ, phân bón hữu cơ không những phục vụ cho trồng trọt mà còn thân thiện với môi trường, do đó chúng không làm mất đi giá trị thiêng liêng từ những bông hoa ban đầu.
“Sau khi thu thập hoa, chúng tôi tiến hành phân loại rồi tiến hành các quy trình khác nhau cho từng sản phẩm. Đối với hương que, hoa thu về được sấy khô rồi nghiền nát ra thành bột và trộn với các chất phụ gia tự nhiên như vỏ ngô, sau đó được nện vào cán hương.
Để tạo ra phân bón, chúng tôi cho giun đất ăn hoa rồi sử dụng chất thải đó để sản xuất ra phân bón hữu cơ với 100% thành phần tự nhiên”, Agarwal nói.
Hơn thế nữa, dự án đã cung cấp việc làm cho hơn 1.200 phụ nữ, giảm bớt phần nào tình trạng thất nghiệp trầm trọng ở Ấn Độ. Nhờ việc ‘thu gom rác’ này, nhiều phụ nữ có nguồn thu nhập cao hơn của chồng, và cũng có tiếng nói hơn trong gia đình.
Thu nhập của họ trước kia chỉ khoảng 10 rupee (khoảng 3.000 đồng), nhưng bây giờ họ có thể kiếm được ít nhất 150 rupee (450.000 đồng) cho một ngày.
Công ty hiện đang hợp tác với 29 ngôi đền và 3 nhà thờ Hồi giáo với mức thu gom 7,2 tấn hoa mỗi ngày. Agarwel chia sẻ, doanh thu năm ngoái của công ty là 43.210 đô, đạt 27% lợi nhuận. Anh dự định sẽ mở rộng thêm thị trường nhờ giải thưởng đi kèm với khoản trợ cấp 2 năm trị giá 90.000 đô từ chương trình học bổng Echoing Green ở New York.
Uyên NT